Về An Giang, vượt sông Hậu mênh mang mùa nước nổi đến với cù lao Giêng. Một vùng đất nhỏ nhưng dấu tích xưa phong phú đến kinh ngạc.
|
Thả lưới bên bờ cù lao Giêng - Ảnh: Đặng Hoài Nam |
Về nơi yên tĩnh
Cù lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới (An Giang) nằm giữa sông Tiền, giáp tỉnh Đồng Tháp. Cù lao có hình tam giác, diện tích chừng 40km2 bao gồm các xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, đất đai màu mỡ, khí hậu trong lành, sản vật dồi dào... Sách Gia Định thành thông chí gọi đất này là Dinh Châu bởi dáng dấp giống như Doanh Châu, một trong ba đảo thần tiên ở hạ giới (Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu).
...Theo con đường làng, chúng tôi đến khu đất của “Nguyễn tộc” viếng lăng “Ba quan Thượng Đẳng”. Gọi là lăng nhưng thật ra chỉ là nơi có ba nấm mộ gió trong một khuôn viên nhỏ đơn sơ, xung quanh là vườn xoài thâm u, mát mẻ. Cả ba vị này xưa kia là tướng của Nguyễn Ánh, chết trong trận thủy chiến lịch sử ở đầm Thị Nại (Bình Định) năm 1801. Năm 1814, triều đình Huế cho làm hình nhân bằng sáp và dùng ghe bầu đưa các ông về quê hương an táng.
Bên ngoài nhìn vào, từ trái sang phải, các nấm mộ được đắp hình “Mặc - Lý - Quy” (mực - cá - rùa). Lý là nấm mộ Nguyễn Văn Thư (Thư Ngọc Hầu). Còn Mặc và Quy là hai người em cận vệ. Ở đây ngụ ý con mực phun mực đen che mắt địch và con quy là áo giáp che chở Nguyễn Văn Thư. Ngoài ra Mặc - Lý - Quy còn mang triết lý tinh tế: mặc lý quy nghĩa là về nơi yên tĩnh!
|
Tháp cửu trùng chùa Bà Vú - Ảnh: Đặng Hoài Nam |
Những công trình tôn giáo độc đáo
Du khách đến đây thường tỏ ra ngạc nhiên bởi vùng đất nhỏ vô danh này lại quy tụ nhiều công trình tôn giáo đến thế. Chùa Phước Minh (chùa Bà Vú - Bình Phước Xuân) nằm ven sông Tiền bao la, lộng gió. Công trình nổi bật, độc đáo khiến du khách ngẩn ngơ là cổng tam quan và tháp cửu trùng. Hai di tích này có kiến trúc mang dấu ấn truyền thống, giống như kiến trúc đình, chùa ở đồng bằng Bắc bộ với mái hình thuyền, lợp ngói âm dương, đầu hồi hình đầu rồng, trên nóc có lưỡng long tranh châu, tường gạch vôi ô dước... Gọi tên là chùa Bà Vú vì xưa kia chùa có một vị nữ tu hay nhận trẻ mồ côi về nuôi.
Trên đất cù lao Giêng còn có một quần thể di tích tôn giáo quy mô làm du khách rất bất ngờ ở xã Tấn Mỹ. Nhà thờ cù lao Giêng là một công trình kiến trúc cổ, do linh mục Gazignol khởi công xây dựng năm 1879, mười năm sau (1889) công trình mới hoàn thành. Công trình kiến trúc mang phong cách Roman pha lẫn Gothic, trải hơn 120 năm, hiện vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn.
Theo tư liệu cũ, đây là ngôi nhà thờ được xây dựng kiên cố đầu tiên ở xứ Nam kỳ. Ngôi thánh đường uy nghi, thâm nghiêm với tháp chuông cao vút, các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các ô cửa, vòm gió, các tháp nhọn nhỏ hình khối đa giác, các cửa giả hình chữ U ngược tạo thành một kiến trúc rất ngoạn mục, bề thế. Cạnh nhà thờ là tu viện dòng Phanxicô, trước kia đây là chủng viện giáo phận Nam Vang (1872-1946) thuộc địa phận Đàng Trong, bao gồm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và nước Campuchia. Nhiều giáo sĩ miền Nam được đào tạo tại đây.
|
Chùa Thanh Hoa - Ảnh: Đặng Hoài Nam |
Sau chiến tranh năm 1945, cơ sở bị tàn phá, khu nhà bỏ hoang trong nhiều năm. Không thể không kể đến nhà thờ cổ thánh Phanxicô vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc xưa. Bên trong nhà thờ sơn một màu trắng thanh khiết, hai bên, trên vách là những bức tranh bích họa sống động kể lại cuộc đời Chúa Jesu và các thánh... Du khách chắc sẽ thắc mắc vì sao nơi vắng vẻ này còn có tu viện dòng Chúa Quan Phòng do các nữ tu người Pháp lập ra năm 1874.
Có ý kiến giải thích rằng nơi đây là con đường thuận tiện truyền giáo từ Nam kỳ qua xứ Campuchia, một địa điểm dừng chân lý tưởng, tránh né sự đàn áp, chống đạo của triều đình Huế. Đứng giữa những dải nhà gạch điêu tàn, tường vôi loang lổ, mái ngói rêu phong dột nát dễ khiến du khách chạnh lòng, cố hình dung khung cảnh một thời hoàng kim nơi đây với các cha xứ, các nữ tu khép mình trong chiếc áo chùng trang nghiêm, u nhã ngày đêm âm thầm, tận tụy chăm sóc người già, trẻ mồ côi, người bị bệnh nan y.
Cuối cù lao, ở xã Bình Phước Xuân còn có nhà thờ cổ kính trên 100 năm tuổi là nhà thờ giáo xứ Rạch Sâu, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp.
Dấu xưa chốn cũ còn đây, gợi ta nhớ một thời quá khứ xa xưa khai phá vùng đất bồi trù phú giữa dòng Tiền giang bát ngát...
|
Nhà thờ cù lao Giêng, kiến trúc đặc sắc - Ảnh: Đặng Hoài Nam |
|
Tu viện cổ trầm mặc với thời gian - Ảnh: Đặng Hoài Nam |
Đến cù lao Giêng, du khách thường thích thú với một món dân dã: dưa xoài non. Từ những trái xoài non không thụ phấn, người dân cù lao Giêng chế biến thành món dưa xoài đặc sắc có thương hiệu, được bày bán ở nhiều siêu thị lớn.
Xoài non gọt bỏ vỏ, đem ngâm muối trọn một ngày đêm, sau đó xả với nước đúng cách để trái vẫn giòn. Chọn xoài non chừng ngón chân cái chẻ đôi, móc bỏ ruột (hột non), sau đó rim, ướp đường cát trắng, phơi nắng chừng 10 giờ rồi bỏ vào lu, khạp, keo. Nấu giấm pha đường, dằn ít muối có kèm vài lát ớt sừng trâu, để vừa nguội đổ vô keo, khạp. Xoài ngâm khoảng mười ngày là ăn được. Dưa xoài non có vị giòn kháy, ngon ngọt, chua chua hấp dẫn. |
Nguồn : Tuổi trẻ