Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử – văn hóa của huyện Yên Định được xếp hạng cấp Quốc gia (2001), cách TP. Thanh Hóa 40 km về phía Tây Bắc. Cùng với các di tích: Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn, Núi Đọ, Núi Nưa…, đền Đồng Cổ là điểm du lịch tâm linh và về nguồn, tạo thành quần thể di tích lịch sử – văn hóa Nổi tiếng của xứ Thanh có bề dày truyền thống từ lâu đời. Du khách từ TP. Thanh Hóa, ngược Rừng Thông, qua cầu Vạn Hà (sông Chu), đến thị trấn Quán Lào, đi chừng 12 cây số lên x
Đền Đồng Cổ là một trong những di tích lịch sử – văn hóa của
huyện Yên Định được xếp hạng cấp Quốc gia (2001), cách TP. Thanh Hóa 40 km về
phía Tây Bắc. Cùng với các di tích: Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn, Núi Đọ,
Núi Nưa…, đền Đồng Cổ là điểm du lịch tâm linh và về nguồn, tạo thành quần thể
di tích lịch sử – văn hóa Nổi tiếng của xứ Thanh có bề dày truyền thống từ lâu
đời. Du khách từ TP. Thanh Hóa, ngược Rừng Thông, qua cầu Vạn Hà (sông Chu), đến
thị trấn Quán Lào, đi chừng 12 cây số lên xã Yên Thọ là đến với đền Đồng Cổ ở
thôn Đan Nê, xã Yên Thọ, nơi vừa có phong cảnh hữu tình, vừa có những huyền thoại
gắn với nhiều giai đoạn trong lịch sử đất nước.
Hiếm có một di tích nào ở xứ Thanh có lịch sử lâu đời gắn liền
với những huyền thoại và nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước như Đền Ðồng Cổ.
Thuở xưa, với vị trí đắc địa nằm bên bờ hữu sông Mã, Đền Đồng Cổ đã trở thành
điểm dừng chân của nhiều tao nhân mặc khách trên đường thiên lý. Ngày nay, danh
tiếng của ngôi đền vẫn còn âm vang như mùa xuân vĩnh cửu của dân tộc thu hút du
khách xa gần tìm về với cội nguồn. Trên cung đường du xuân tạp chí “Du lịch xứ
Thanh” cùng bạn đọc khám phá ngôi đền linh thiêng này.
Cổng đền Đồng Cổ
Cách thành phố Thanh Hoá 40km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ
47 đến xã Yên Thọ (Yên Định) là du khách đã đến với Đền Đồng Cổ huyền thoại và
hữu tình; cùng với di tích Lam Kinh, thành nhà Hồ, Đông Sơn,… đã tạo thành quần
thể di tích lịch sử - văn hóa có bề dày truyền thống lâu đời của xứ Thanh.
Trống đồng thờ tại Thượng điện đền Đồng Cổ
Tương truyền, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại
một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã (nay thuộc xã Yên Thọ). Trong giấc
chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Đồng Cổ báo mộng rằng dưới
chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi
vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn
núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần nơi đây báo mộng. Quân giặc nghe
tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá
chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên linh thiêng.
Góc chính điện đền Đồng Cổ
Lịch sử ngôi đền ở Thượng Điện đã ghi: “Miếu Đồng Cổ được khởi
dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được
sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh (1630), miếu được xây dựng khang trang, to đẹp
hơn… Miếu thờ thần núi Đồng Cổ rất hiển linh, vị thần đã giúp các triều đại
đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp Vua Hùng đánh thắng giặc
Hồ Tôn; giúp Vua Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp Vua Lê -
Chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng
nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước…”.
Du khách thăm quan đền
Vốn là nơi diễn ra các nghi lễ của các triều đại vua chúa nước
ta nên trong đền còn lưu giữ rất nhiều thần tích, sắc phong của các triều đại.
Các vương triều Trần, Lê, Trịnh - Nguyễn vẫn duy trì các nghi thức quốc lễ tại
đền Đồng Cổ ở Yên Định (Thanh Hóa) và phường Bưởi (Hà Nội). Theo những người
cao tuổi trong làng Đan Nê, đền Đồng Cổ từng có 38 gian, bề thế tựa lưng vào
Tam Thái Sơn (hay còn gọi là dãy núi Đổng), bao quanh đền là rừng cây nguyên
sinh rậm rạp, nhiều cây to, có nhiều chim, thú. Qua biết bao thăng trầm biến đổi,
nay chỉ còn những ngọn núi đá với cây mọc tái sinh tầng thấp. Đền có Nghi môn gồm
3 tầng, 8 mái, mang phong cách kiến trúc thế kỷ 15 (thời Lê), được ghép bằng những
khối đá vuông vức, cuốn thành vòm tò vò.
Công trình kiến trúc trong đền
Theo những bậc đá lên đến ngôi miếu cổ trên núi Xuân, du khách
có thể thu vào tầm mắt phong cảnh của dòng sông Mã giữa đôi bờ bạt ngàn những
ruộng ngô xanh mướt, xa xa phía bên kia sông là Thành Nhà Hồ cổ kính, trường tồn
cùng thời gian. Trước đền, hồ Bán Nguyệt như một tấm gương soi mây trời lồng
bóng núi.
Thời kháng chiến chống Pháp, hang động Ích Minh trong lòng
ngọn núi Tam Thái Sơn là xưởng sản xuất vũ khí của quân đội ta, trong hang còn
ghi dấu vỏ bom và những vũ khí tự tạo. Khi quân Pháp phát hiện ra chúng đã cho
máy bay ném bom phá đền Đồng Cổ. Ngôi đền chỉ còn lại nền móng, hai tấm bia, miếu
nhỏ lưng chừng đỉnh núi Xuân, và chiếc cổng Nghi môn nằm ở phía tây ngôi đền. Đến
thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhà máy điện cũng sơ tán về đây, sản
xuất điện phục vụ kháng chiến ngay trong lòng hang Nội ở ngọn núi bên trái ngôi
đền.
Hang núi tại đền Đồng Cổ
Ngày nay, ở phường Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi đền
cũng mang tên Ðồng Cổ. Vì xưa kia, vua Lý Thái Tông cho rước thần Ðồng Cổ từ
Ðan Nê về lập đàn thề trên đất Thăng Long, phong cho thần chức quan "chủ
trì việc thề trong cả nước". Và cứ đến ngày 4/4 hàng năm, nhà vua và các
quan trong triều lại đến đền thề trước thần Ðồng Cổ: "Làm tôi bất trung,
làm con bất hiếu - thần linh tru diệt...". Dân ta thường gặp chuyện gì rắc
rối cũng đến đó thề trước thần Ðồng Cổ.
Năm 2010, với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc Di
tích đền Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa) được Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà
Nội.
Đây thực sự là Di tích lịch sử - văn hóa có giá trị đặc biệt
với người dân Việt Nam, nó thể hiện rõ tâm linh hướng thiện và tâm thức về nguồn,
vọng ngưỡng lòng trung thành, yêu nước của người Việt Nam, phát huy những giá
trị tiếp nối truyền thống thượng võ của dân tộc ta. Đây cũng là điểm tham quan,
thưởng ngoạn và thắp hương cầu nguyện của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp
xuân về.
Thanh Xuân (ST&BS)
Theo Du lịch Thanh Hóa