Mũi Nai ở Hà Tiên (Kiên Giang) là một trong ba bãi biển “quý hiếm” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (hai bãi kia là Tân Thành ở Tiền Giang và Ba Động ở Trà Vinh).
Từ hơn 300 năm trước, Mũi Nai được gọi là Lộc Trĩ và nổi tiếng là một trong mười cảnh đẹp của Hà Tiên trong “Hà Tiên thập vịnh” của Tao đàn Chiêu Anh Các với bài “Lộc Trĩ thôn cư”.
Cảnh ấy đã không còn, vì từ nhiều năm nay Mũi Nai đã trở thành một trọng điểm du lịch thu hút rất nhiều khách đến tham quan, tắm biển, nghỉ ngơi. Trên diện tích 17 héc ta, Mũi Nai có đến 11 doanh nghiệp khai thác kinh doanh du lịch. Khách đến Mũi Nai, chịu khó tới bãi Sau sẽ bắt gặp ít nhiều thích thú.
Đó là khu vực gồm núi Tà Pang, bên chân núi và biển Mũi Nai. Nhấm nháp ly cà phê ngọt đắng nơi Lầu Vọng Cảnh đã thích, lại càng thích hơn khi bỏ ra 5.000 đồng, bạn sẽ được thưởng lãm khắp cả “bốn phương tám hướng” qua 1 trong 3 kính viễn vọng. Nhìn qua kính, thị xã Hà Tiên, núi Tô Châu, núi Đèn, bãi Trước Mũi Nai, Đá Dựng, Thạch Động, Đông Hồ, cửa biển Hà Tiên, quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc; thậm chí cả hòn đảo Koka, Kep, núi Lục Sơn và khu du lịch Hà Tiên - Vegas thuộc địa phận tỉnh Kampot (Campuchia)… như nằm ngay sát mắt bạn.
Lộc Trĩ thôn cư
Lều tre giấc tỉnh gió lay mình
Tiếng quạ ồn chi trước mái tranh
Ráng xế treo ngang khung cửa tím
Cây vườn che rợp bóng rau xanh
Tánh gần mộc mạc hươu nai dại
Lòng thích thơm tho nếp tẻ thanh
Ai đó hỏi thăm nơi chốn ở
Lưng trâu tiếng sáo lặng làm thinh.
Bản dịch “Xóm quê Mũi Nai” trong phần phụ lục Gia Định thành thông chí của NXB Đồng Nai). |
Thích cảm giác mạnh, du khách có thể lên, xuống núi bằng xe trượt ống với giá vé 50 ngàn đồng. Bạn ngồi lên 1 trong số 54 chiếc xe trượt xuống núi. Đoạn đường trượt dài 1.250 mét, từ độ cao 128 mét, với tốc độ tối đa 40km/g, chiếc xe uốn lượn quanh co theo triền dốc, nhiều lúc nghiêng 45 độ như muốn trút bạn xuống đường ống. Đó là một trải nghiệm đầy mạo hiểm, thót tim nhưng cũng là niềm vui vì người chơi có thể tự điều khiển cảm giác ấy bằng hai cần thắng.
Xuống núi rồi, thả bộ trên con đường nhựa theo sườn núi giữa hai hàng xoài rậm mát, tận hưởng không khí thanh sạch hiếm có. Dạo con đường ven biển, sảng khoái hứng những ngọn gió đẫm hơi muối lồng lộng thổi vào. Nơi này mấy người ngồi ăn uống chuyện trò, nơi nọ một nhúm người bên nhau ca những bài hát tươi vui vang vang qua mấy cái loa thùng “khủng”. Lại còn nhảy nhót nữa. Dưới biển, nam nữ già trẻ bé lớn nô đùa hồn nhiên.
Để phát triển, thu hút thêm khách du lịch, ông Nguyễn Văn Hạnh, giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Mũi Nai - Hà Tiên, đơn vị quản lý khu vực núi Tà Pang, cho biết một vài loại hình mới sẽ được đơn vị “tung” ra, như cho thuê dàn karaoke, lều bạt (4 người/lều, 10 người/lều) để bạn trẻ tổ chức picnic, lửa trại trên núi. Họ tha hồ “la hét” suốt ngày đêm mà không làm phiền những người khác dưới chân núi đang hưởng sự an nhàn của biển cả.
Khu vực Lầu Vọng Cảnh đã đẹp sẽ càng đẹp hơn khi được “nhấn” bằng một tượng Phật bằng đá cao trên 10 mét. Theo số liệu, mỗi năm có khoảng 5-6 triệu lượt khách hành hương đến viếng miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang) nhưng chỉ có khoảng trên 1 trượt lượt khách “đổ” về Mũi Nai. Để thu hút tối đa lượng khách này, ngoài điểm du lịch tâm linh tượng Phật trên Lầu Vọng Cảnh, đơn vị sẽ đặt thêm một “bản doanh” cùng một số nhóm lữ hành ngay núi Sam. Thuận lợi nữa là trong tương lai ở núi Bình San tại thị xã Hà Tiên sẽ hoàn thành tôn tạo mộ Cô Năm.
|
Khách du lịch thích thú với cảm giác mạnh khi đi xe trượt ống. Ảnh: Cúc Tần |
Theo nữ sĩ Mộng Tuyết viết trong “Sổ tay hành hương đất phương Nam”: Mạc Mi Cô là con gái thứ năm của Mạc Cửu. Truyền thuyết kể rằng Mạc Mi Cô lúc mới sinh có mái tóc dài 1 thước, 3 tuổi răng mọc đủ, ăn nói rành rẽ, nhưng xương sống yếu phải nằm một chỗ. Cận thần cho là điềm xấu, nên người đứng đầu họ Mạc sai người chôn sống cô. Nhiều người tin cái chết của cô có liên quan đến một bài sấm truyền dài 25 câu, úp mở về một kho tàng của dòng họ Mạc được cất giấu ở Hà Tiên. Mộ Cô Năm nằm bên tả đền thờ họ Mạc, trông ra cổng tam quan, luôn xảy ra những hiện tượng kỳ lạ.
Cùng những dự tính trên, đơn vị còn đầu tư khai thác trò chơi trượt nước trên biển; một phòng trưng bày về Hà Tiên từ thời Mạc Cửu đến nay; mở thêm điểm làm bánh thốt nốt để du khách xem và thưởng thức đặc sản Hà Tiên.
Ưu điểm của bãi biển Mũi Nai là nước trong suốt bốn mùa. Bãi biển lúc nào cũng sạch nhờ lực lượng công nhân liên tục dọn rác. Cây trong khu vực càng lúc càng thêm xanh vì chỉ được trồng thêm mà không được đốn chặt.
|
Dọc con đường ven biển mát mẻ, những gia đình, nhóm bạn đến đây nghỉ ngơi, ăn uống và ca hát thoải mái. Ảnh: Cúc Tần |
Vui đùa sóng biển, khỏe người, bụng đói, khách thưởng thức đặc sản biển. Cá đuối chiên, từng miếng giòn tanh tách như “nhảy múa” trong răng. Hàu sữa chiên bột bùi béo. Cá sòng nướng than chấm nước mắm chua ngọt ăn với xà lách, cà chua, dưa leo, khoái khẩu. Còn được gọi “cá bọc thép” vì vảy rất dầy, nên khi ăn cá sòng phải gỡ bỏ vảy, thịt cá trắng tươi bày ra, cắn, ngọt lừ chân răng.
Nhưng ngon và hấp dẫn nhất là lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu. Cá nhám giàu là loại cá biển khá hiếm, chỉ bán cho những nhà hàng lớn. Ngày thường giá cá đã cao (120.000đ/kg), đầu năm âm lịch giá cá càng cao “ngất trời” (240.000đ/kg). Ngoài thưởng thức vị ngon của món ăn mang đậm bản sắc văn hóa Kinh - Khmer đặc trưng của Kiên Giang này, bạn còn có cơ may trở thành người làm ăn phát đạt. Ai mà không ham. Cho nên lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu là mặt hàng “chiến lược” của điểm du lịch Tà Pang.
Nếu muốn, khách có thể nghỉ tại nhà nghỉ Tà Pang, nằm sát biển. Nhà nghỉ có 7 phòng với nhiều tiện nghi, giá từ 250.000đ đến 500.000đ/phòng, tậm hưởng không khí yên tĩnh và thanh sạch không có được ở các đô thị hiện đại.
Nguồn : SGT