Khu lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn ở cố đô Huế là địa điểm mà du khách đến dừng chân không nên bỏ qua. Để thấy được một Huế cổ kính xưa kia, qua những nét kiến trúc rất riêng giữa không gian hữu tình.
1. Lăng Khải Định
Lăng Khải Định chỉ nằm cách trung tâm Huế khoảng 10 km, đây là nơi vị vua thứ 12 triều Nguyễn an nghỉ. Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng, được xây dựng từ ngày 4/9/1920 nhưng đến 11 năm sau mới hoàn tất. Vua Khải Định hết sai người sang Pháp mua sắt, thép... rồi lại đưa thuyền sang Nhật Bản, Trung quốc mua đồ sứ, thủy tinh màu... để xây dựng lăng. Có thể nói đây là công trình hao tổn nhiều sức lực và của cải của dân chúng, nhưng lại mang giá trị văn hóa - nghệ thuật đặc sắc về sau.
Lối kiến trúc trong lăng Khải Định là thành quả của sự kết hợp 2 nền văn hóa Đông - Tây trong thời buổi lịch sử giao thời, và là tinh hoa của thế hệ tiền nhân để lại cho chúng ta. Với kiến trúc hình khối chữ nhật vươn cao 127 bậc cấp, ảnh hưởng của nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothic, Roman...
2. Lăng Gia Long
Lăng Gia Long nằm cách kinh thành Huế khoảng 20 km về hướng tây, còn có tên gọi khác là Thiên Thọ Lăng. Đây là nơi an táng của vị hoàng đế có công lập nên nhà Nguyễn, là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam chúng ta. Lăng Gia Long nằm trên ngọn đồi cao nhất trong số 42 ngọn đồi của vùng núi Thiên Thọ.
Mặc dù vị trí có phần xa xôi nhưng lăng lại cuốn du khách đến thăm quan bởi sự giản đơn trong phong cách kiến trúc và sự hoang sơ nhưng không kém phần lãng mạn hữu tình của phong cảnh xung quanh. Lăng Gia Long cũng là nơi duy nhất hoàng hậu được song táng cùng với vua. Mộ vua Gia Long bên trái còn mộ Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu bên phải. Dù kiến trúc và bố cục lăng có phần đơn giản, nhưng lại hòa hợp với không gian xung quanh. Đến từ đồi thông xanh mát phủ đầy ngọn đồi, cho đến hồ sen cánh hồng bao bọc len lỏi qua những công trình lăng. Với mùi thơm cỏ non và khung cảnh đàn trâu, đàn cò phía xa xa, du khách đi dưới hàng thông xanh như cảm thấy thư thái và an yên đến kỳ lạ.
3. Lăng Dục Đức
Lăng Dục Đức cách trung tâm khoảng 2 km, còn có tên gọi khác là An Lăng, tọa lạc ở phường An Cựu thành phố Huế. Đây là nơi yên giấc ngàn thu của 3 vị vua triều Nguyễn là Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn, không chạm trổ tỉ mỉ như lăng Khải Định hay thanh thoát như lăng Tự Đức. Lăng gồm 2 khu vực là: khu lăng mộ và khu tẩm thờ được đặt song song nhau trong khuôn viên 3,445 m2. Công trình chính của lăng là điện Long Ân, đây là một tòa nhà kép theo kiểu cung điện Huế, với 6 bộ có kết cấu theo lối "chồng rường giả thủ", trang trí mặt hổ phù tinh xảo.
4. Lăng Thiệu Trị
Lăng Thiệu Trị còn có tên gọi khác là Xương Lăng, nằm ở xã Hương Thủy, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km. Đây là nơi an nghỉ của vị vua thứ 3 trong triều Nguyễn. Đây là lăng vua duy nhất quay mặt về phía Tây Bắc, một hướng chưa bao giờ được sử dụng trong các công trình kiến trúc lớn của Huế thời bấy giờ. Lăng Thiệu trị là sự tổng hòa của hai lối kiến trúc lăng vua tiền nhiệm là Gia Long và Minh Mạng.
Lăng Thiệu Trị gây ấn tượng với du khách bằng vẻ đẹp trầm mặc mà thanh thoát. Nằm tựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, gần trước mặt lăng là cả một vùng bằng phẳng cây cối xanh tươi, ruộng đồng bát ngát trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim, khiến cho khu lăng Thiệu Trị có vẻ khiêm tốn ẩn mình giữa núi đồi rộng lớn và bầu trời bao la.
5. Lăng Đồng Khánh
Lăng Đồng Khánh còn có tên chữ khác là Tư Khánh Lăng, đây là nơi vị vua thứ 9 của triều Nguyễn là Đồng Khánh an nghỉ. Công trình nổi bật nhất của lăng chính là điện Ngưng Hy, có giá trị về cả mặt kiến trúc, hội họa lẫn trang trí.
Trong khu tẩm điện của lăng Đồng Khánh vẫn giữ nét xưa, với lối kiến trúc "trùng thiềm điệp ốc" ở chính điện và các nhà cửa phụ thuộc, hàng cột sơn son thếp vàng có trang trí tứ linh, tứ quý... Ngược lại phong cách lăng mộ phần lớn lại theo kiểu châu Âu, từ motif cho đến vật liệu xây dựng. Bi Đình của lăng Đồng Khánh là biến thể của kiến trúc Roman pha với Á Đông, có tượng quan viên cao gầy đắp bằng xi măng và gạch thay cho đá, gạch ca rô thế chỗ của gạch Bát Tràng...
6. Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức là nơi an nghỉ của vị vua thứ 4 của nhà Nguyễn, còn có tên gọi khác là Khiêm Lăng. Lăng Tự Đức nằm cách Huế khoảng 7 km, có quần thể chia làm 2 khu vực là tẩm điện và lăng mộ.
Lăng có kiến trúc cầu kỳ bên khung cảnh hữu tình, toàn cảnh khu lăng mộ như một công viên rộng lớn. Quanh năm lăng có suối chảy, tiếng thông reo và muôn loài chim líu lo ca hát.
Lăng Tự Đức nổi bật bởi sự hài hòa trong đường nét, không góc cạnh như các công trình kiến trúc khác. Đó là con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm, qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co phía trước lăng mộ và đột nhiên lẩn khuất vào những hàng cây sứ đại thụ gần lăng hoàng hậu Lệ Thiên Anh.
7. Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng còn có tên chữ là Hiếu Lăng, nằm cách thành phố Huế chừng 12 km, là một quần thể gồm 40 công trình lớn nhỏ, nằm trên đồi núi và sông hồ thoáng mát. Lăng có bố cục kiến trúc cân bằng đối xứng, quanh một trục kiến trúc là đường thần đạo, xuyên qua một loạt các công trình gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân... Xen giữa những công trình kiến trúc này có hồ nước ngát hương sen và quả đồi phủ từng dãy thông xanh mướt, tạo cho khung cảnh một nét vừa hữu tình vừa cổ điển.
Lăng Minh Mạng mang vào cả những nét quyến rũ của thiên nhiên, đã được chỉnh sửa lại để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc. Toàn bộ khu lăng mộ giống như một người nằm gối đầu lên núi Kim Phụng, với chân duỗi ra ngã ba sông, còn đôi tay là hai nửa hồ Trừng Minh đang vươn ra.