Lăng Tự Đức được xem là “Cung điện thứ hai” của vua Tự Đức, có kiến trúc thật độc đáo, hài hòa với thiên nhiên.
Sinh thời, vua Tự Đức thường đến đây để hưởng thú điền viên, săn bắt và sáng tác thi phú nên công trình được xây dựng với công dụng sinh hoạt, làm việc như ở cung điện. Hiện nay, lăng Tự Đức là lăng mộ đẹp nhất trong số các lăng mộ của các vị vua nhà Nguyễn...
Đặt chân vào khuôn viên lăng Tự Đức, du khách có cảm giác như đang bước vào một không gian thơ mộng, mà lăng tẩm là những kiến trúc cổ xưa, tô thêm nét đẹp quý phái và cổ kính cho không gian này. Tìm hiểu về lịch sử nhà Nguyễn mới lý giải được tại sao không gian lăng mộ lại được bày trí thơ mộng như vậy. Vua Tự Đức lúc sinh thời vốn là người có học vấn uyên thâm nhưng rất lãng tử. Các vị vua triều Nguyễn đều nghĩ đến việc xây dựng lăng tẩm ngay khi tại thế để có nơi yên nghỉ theo ý mình sau khi băng hà. Vì vậy, lăng tẩm được xây dựng hoành tráng, công phu như một cung điện. Vua Tự Đức cũng đã xây dựng cho mình khu lăng tẩm ứng với tài khí của một chính trị gia-thi sĩ.
Lăng Tự Đức gồm 2 phần chính với khoảng 50 công trình được bố trí trên 2 trục dọc song song, lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm minh đường. Lăng của ông phá lệ cách xây dựng đối xứng của cung đình, lăng tẩm nên nhìn tổng quan như một bức tranh thơ mộng, các công trình kiến trúc là những đường nét uyển chuyển. Ai đến đây cũng phải công nhận rằng đây là nơi thư giãn lý tưởng hơn là lăng tẩm để chôn cất vua chúa. Hồ Lưu Khiêm là một hồ lớn hứng nước hội tụ của một con suối nhỏ chảy qua khu vực lăng. Bên bờ hồ được xây hai ngôi nhà tương tự nhà thủy tạ được gọi là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Bên dưới trồng hoa sen, giữa hồ có một hòn đảo nhỏ gọi là Tịnh Khiêm để nuôi thả thú rừng quý hiếm. Trong những lần về đây thư giãn, nhà vua thường ra khu vực này để ngắm cảnh, đọc sách, làm thơ. Giờ đây, khu vực này là nơi dừng chân, ngắm cảnh và thư giãn của nhiều du khách.
Trong khuôn viên lăng, có gần như đầy đủ các công trình được xây dựng ở kinh thành. Chỉ khác là thay vì nơi ở thì đây là nơi thờ tự. Khiêm Cung Môn là nơi vua làm việc khi còn tại thế nay là nơi thờ vua và hoàng hậu. Ngoài ra, còn có nơi thờ mẹ vua tức bà Từ Dũ và các phi tần... ở khu vực lân cận. Trong khu vực này còn có nhà hát tên là Minh Khiêm được xem là nhà hát cổ xưa hiện giờ vẫn còn tồn tại. Còn rất nhiều công trình khác trên diện tích 475 ha mà ít du khách nào có thể đi hết và tìm hiểu tất cả các công trình kiến trúc này.
Theo tài liệu ghi lại lịch sử các vương triều nhà Nguyễn, vua Tự Đức có thời gian trị vì lâu nhất trong các vị vua nhà Nguyễn với 36 năm và sống được 55 tuổi. Khi xây dựng xong lăng, ông sống thêm 10 năm nữa. Vì thế, lăng được xem là cung điện thứ hai để vua đến tiêu khiển. Vì thế, khi xây dựng lăng có tên Vạn Niên Cơ, mang ý nghĩa trường tồn. Nhưng do sự bất mãn của lính và dân trong quá trình xây dựng, có cuộc nổi loạn muốn lật đổ nhà vua nhưng bất thành nên sau đó Vạn Niên Cơ được đổi thành Khiêm Cung. Tất cả các tên gọi ở đây đều có chữ Khiêm. Khi vua băng hà, Khiêm Cung mới được đổi thành Khiêm Lăng hay lăng Tự Đức theo cách gọi hiện nay.
Một điều gây ngạc nhiên đối với giới sử học và nhiều du khách là tấm bia đá ở Bi Đình. Thông thường, bia đá này là do hậu thế dựng để ca ngợi công đức của tiền nhân. Nhưng bia đá ở đây lại do chính vua Tự Đức dựng nên và có bài “Khiêm Cung Ký” do vua biên soạn dài gần 5.000 chữ. Lời lẽ trong bia không phải ca ngợi mà chính là lời tạ lỗi của nhà vua. Ông tại vị lâu năm với hơn 100 bà vợ nhưng do bệnh lý nên không có con nối dõi. Trong thời gian cai trị, liên tục thù trong giặc ngoài xảy ra liên miên và sau đó là sự xâm lược của Pháp... Không đủ tài thao lược để giữ vững giang sơn, nhưng tấm bia này cho thấy khí khái của một vị vua và được lưu truyền hậu thế. Tấm bia ấy giờ vẫn còn nguyên vẹn với chiều cao 5m, nặng khoảng 20 tấn từ đá Thanh Hóa, được xem là bia đá lớn nhất Việt Nam.
Ngày nay, công trình này trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Khách đến đây không chỉ để xem lăng tẩm mà còn để thong dong trên những con đường lộng gió, có tiếng thông reo vui. Vào nơi lăng tẩm có chút u hoài, nhưng ai nấy cũng cảm nhận được một không gian thơ mộng, đi hoài, nhìn hoài mà không chán. Công trình tách biệt với khu dân cư lân cận, bao quanh là núi rừng, trời mây nên giữ được chốn yên tĩnh. Công trình có gần 1,5 thế kỷ nhưng vẫn giữ được khá đầy đủ như cốt cách, khí khái của một vị vua trong lòng công chúng. Dường như khi đến đây, ai nấy cũng chỉ nhớ đến vua Tự Đức với những giá trị văn hóa được xem là di sản để đời với công trình lăng tẩm tuyệt mỹ cùng hơn 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và khoảng 100 bài thơ Nôm. Trong đó, có bài thơ “Ngẫm sự đời” thể hiện rõ quan điểm sống ảnh hưởng Nho và Phật giáo của vua Tự Đức, được dịch thơ như sau:
“Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê
Sống gửi rồi ra thác lại về
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chửa chín một nồi kê
Tranh giành trước mắt mây tan tác
Đày đọa sau thân núi nặng nề
Thử đến hỏi tiên tiên chẳng biết
Gượng làm chút nữa để mà nghe”.
Một chuyến tham quan Huế để sống lại với không gian cổ xưa và cuộc sống cung đình. Đến đây, du khách được tham quan đền đài, lăng tẩm, đi thuyền rồng trên sông Hương để nghe những điệu hò xứ Huế, những bài hát cung đình, và cũng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp mỹ miều của những nàng con gái áo tím xứ Huế mộng mơ...
Nguồn: báo Cần Thơ