Hà Giang không chỉ có những đồng lúa vàng bao la, những con dốc lượn quanh chân trời, phiên chợ rộn ràng màu sắc…, Hà Giang còn có thị trấn Phó Bảng nằm yên ả bên dưới chân núi ở vùng thung lũng Sủng Là.
Tôi ghé Phó Bảng vào một buổi chiều, sau khi đã khám phá những đoạn đèo và mải mê chụp ảnh cánh đồng lúa vàng rực. Ấn tượng đầu tiên của tôi về thị trấn nhỏ này là những ngôi nhà bằng đất san sát nhau. Bước vào Phó Bảng, tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một trường quay lớn của một bộ phim cổ xưa.
|
Thị trấn Phó Bảng cách Hà Giang chừng 120 km. Đường vào Phó Bảng rất nên thơ. |
Phó Bảng chỉ có chưa đến 50 căn nhà. Ngắm những ngôi nhà mới cảm nhận được sức mạnh và sự sáng tạo của con người. Chỉ từ đất và gỗ mà người dân nơi đây có thể tạo nên một lối kiến trúc không thể lẫn vào đâu với màu nâu giản dị tạo cho thị trấn nhỏ nét trầm lặng rất riêng.
Phó Bảng như tách mình ra khỏi thế giới để giữ lại nét cổ kính và tĩnh mịt của không gian và thời gian. Mỗi khi nghĩ về Phó Bảng, tôi nhớ nhất về những con người hiền lành và dễ mến. Du khách đến đây, có thể đậu xe máy ở đầu làng và thoải mái đi chụp ảnh ở bất cứ nơi đâu.
|
|
Không gian cổ kính của Phó Bảng. |
Những đứa trẻ sẵn sàng trở thành một hướng dẫn viên nhí để dẫn bạn lang thang tìm hiểu về văn hóa và nét kiến trúc lạ ở Phó Bảng. Khi đã mỏi chân thì du khách có thể dừng lại ở hiên nhà và trò chuyện với các cụ.
Hình ảnh cụ già ngồi trước hiên nhà đã trở thành hình ảnh quá quen thuộc với những người từng ghé đến miền đất này. Hình ảnh đó chính là sợi dây liên kết vô hình để người ta nhớ về quá khứ.
Người dân Phó Bảng từ già đến trẻ đều hiền lành và sẵn sàng mời bạn vào nhà trò chuyện hoặc mời rượu xã giao. Chỉ tiếc một điều rằng, do du lịch chưa phát triển nên du khách chỉ có thể ghé đến Phó Bảng vào ban ngày vì ở đây không có nhà nghỉ hay khách sạn.
|
Em bé Phó Bảng sẵn sàng làm người “mẫu ảnh” cho du khách. |
Nhưng nếu may mắn làm quen được với người dân ở đây thì du khách có thể xin ngủ nhờ một đêm, để biết cái cảm giác tĩnh mịch của một thị trấn nhỏ bên chân núi, để thấm cái lạnh của một lần ngủ trong ngôi nhà đất.
Nguồn : Zing