Suối Voi nằm trên địa phận Thừa Thiên - Huế, tên địa phương gọi thân mật là suối Mệ. Theo cách gọi dân gian, mệ có nghĩa là con voi khổng lồ.
Từ thành phố Huế chạy về phía Nam 60 km, hay Đà Nẵng chạy ra 40 km, rồi thêm 3 km chạy lên phía tây, ngang địa phận Thừa Lưu, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, men theo con đường nhỏ được phủ lớp bê tông, du khách sẽ đến suối Voi, một con suối thật nhiều nước với nhiều ngọn thác lớn tuôn ra dưới một cánh rừng nguyên sinh khá dày thảm thực vật. Vào mùa xuân tiết trời ấm áp, mát mẻ, các “mệ” từ đỉnh Bạch Mã, hàng trăm con kéo thành từng đoàn đến đây ăn củ sắn dây rừng, duy nhất vùng này mới có, nhưng sau đó đàn voi đã biến mất hút vào rừng, chỉ còn lại những vũng nước lớn và con suối chảy qua hàng trăm khối đá khổng lồ.
Một đoạn Suối Voi
Tại điểm được đặt tên Suối Voi, có một tảng đá hình y hệt một con voi thật đang thả vòi uống nước dưới chân thác, nơi có một hồ nước được đặt tên là Đầm Voi. Đây là một hồ tắm thiên nhiên tuyệt vời rộng chừng 30 m2, sâu trên 2 m, nằm giữa hai ngọn thác. Hồ nước mát lạnh trong xanh có thể nhìn tận đáy.
Từ đây ngược lên khoảng trên 1 km là suối Đá Bàng, hay còn gọi là Hang Nai, nằm dưới chân một rặng núi cao trong dãy Trường Sơn. Đây là một con đường kỳ thú với nhiều hồ thác lách qua những vách đá đủ hình dạng trải dài bên một khu rừng nguyên sinh.
Những lán trại phục vụ du khách.
Tại đỉnh đầu của thác Đá Bàng, du khách tha hồ thoả chí “tang bồng” bằng những dự định cùng bạn bè thích mạo hiểm, hoặc vui thú với gia đình, tự mình khám phá thiên nhiên, rồi sau đó đi bắt cá nia, hái lá giang để nấu món canh chua, hay luộc rau tàu bay chấm với nước cá bóng thệ cùng với mọi người.
Ở phía thượng nguồn, du khách sẽ có điều kiện chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của khu rừng nguyên sinh. Đây là tài sản vô giá của suối Voi, nơi còn giữ lại những cây sến cổ thụ và quần tụ những loài chim thú quý hiếm như vượn quàng, sơn dương, nai, hoẵng, heo rừng, khướu, sáo, trĩ sao.
Khu nghỉ dưỡng giữa rừng nguyên sinh.
Từ khi hình thành du lịch sinh thái Suối Voi (1994), chỉ hoạt động vào mùa nắng, nhưng khu du lịch này đã giải quyết việc làm cho nhiều hộ là người dân địa phương trong thời gian nông nhàn.
Nguồn: tourbalo