Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội gần 500 km, tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với cả 2 quốc gia là Lào và Trung Quốc, có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt quan trọng trong khu vực Tây Bắc. T.P Điện Biên Phủ là trung tâm của tỉnh, nơi ghi dấu những chiến tích hào hùng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu cách đây 55 năm.
Một góc thành phố Điện Biên
|
Tiềm năng kinh tế
Điện Biên đang là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Tuy nhiên trong những năm qua, Điện Biên đã có những bước tiến xa: an ninh lương thực đảm bảo và có một lượng lương thực nhất định bán ra các thị trường ngoài tỉnh. Năm 2008, GDP của tỉnh tăng 10,91%, thu nhập bình quân đầu người trong toàn tỉnh đạt 465 USD/người/năm, cao hơn 265% so với 2001. Năm 2009 này, khi nền kinh tế chung đang suy giảm nhưng Điện Biên vẫn quyết tâm không giảm các chỉ tiêu phát triển kinh tế. GDP quý I của tỉnh tăng 8,72%.
Những năm gần đây, Điện Biên đang khởi sắc trong việc xây dựng và phát triển kinh tế. Với lợi thế đặc biệt là có đường biên giới chung với Lào và Trung Quốc, tại đây có các cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Pa Thơm, cửa khẩu Mường Lói, cửa khẩu A Pa Chải… Đây là những cửa khẩu quan trọng để tỉnh Điện Biên mở rộng buôn bán quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại của tỉnh phát triển; đồng thời, tạo điều kiện mở rộng thị trường, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu. Điện Biên có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: chè, hoa quả, thịt chế biến, gỗ chế biến, măng chế biến, xi măng, vật liệu xây dựng, khoáng sản v.v…
Cửa khẩu quốc tế Tây Trang
|
Khu kinh tế cửa khẩu Tây Trang đã được đầu tư xây dựng một số hạng mục chính là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu với các tỉnh Bắc Lào và khu vực Tây Nam Trung Quốc. Tỉnh Điện Biên đang kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại khu kinh tế này.
Điện Biên có các điểm mỏ khoáng sản phong phú, song chưa được nghiên cứu đánh giá về trữ lượng, chất lượng. Tỉnh mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp hợp tác trong việc nghiên cứu, khảo sát thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.
Cánh đồng Điện Biên
|
Đại lộ Mường Thanh
|
Ngoài ra cánh đồng Điện Biên rộng lớn với đất đai màu mỡ, được coi là vựa lúa của vùng Tây Bắc, nếu được đầu tư thoả đáng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì sẽ trở thành nơi sản xuất lúa gạo chất lượng cao của cả nước để xuất khẩu. Tại các vùng Mường Nhé, Si Pa Thìn, Điện Biên có rất nhiều thuận lợi để tập trung phát triển chăn nuôi các loại gia súc theo hướng kinh tế trang trại.
Điện Biên có cảng Hàng không Điện Biên Phủ đi Hà Nội và đã được Chính phủ cho phép mở đường bay tới một số nước trong khu vực như: Lào, Myanmar, Campuchia. Đây là đầu mối giao thông quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào và Vân Nam - Trung Quốc.
Tiềm năng du lịch
Là tỉnh có núi non bao bọc tạo thành một vùng lòng chảo rộng lớn và trù phú, điều kiện tự nhiên thuận lợi đã làm cho Điện Biên có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên rất kỳ thú. Điện Biên có hồ Pa Khoang, suối khoáng nóng Hua Pe, hồ U Va, thác Mường Luân, động Pa Thơm, bia Lê Lợi, thành Bản Phủ… là những điểm du lịch hấp dẫn du khách. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 21 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hoá đặc trưng riêng, gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể, rất thích hợp để phát triển du lịch văn hoá.
Cánh đồng Mường Thanh trải rộng một màu xanh no ấm, những bản làng trù phú, những con suối lượn quanh những con đường nhựa láng bóng. Bên cạnh đó còn có những cánh rừng xanh thẳm còn giữ được vẻ đẹp nguyên sinh của mình, với các loại cây cổ thụ quý, các loại thú hoang dã như rừng nguyên sinh Mường Nhé.
Hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
|
Xe tăng trên đồi A1
|
Đặc biệt, cụm di tích Điện Biên Phủ là một địa danh không chỉ đi vào lịch sử Việt Nam mà còn được cả thế giới biết đến. Hàng chục năm đã qua đi, mảnh đất này đã để lại rất nhiều di tích có giá trị nhân văn, lịch sử sâu sắc nằm rải rác ở khắp nơi trong vùng. Trong đó nổi bật nhất là quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; Hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm De Castrie).
Tất cả vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam và bạn bè năm châu biết đến một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và đây cũng là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.
Tinh hoa văn hoá
Một phần làm nên một Điện Biên luôn mặn nồng trong lòng du khách, ấy là bản sắc văn hóa độc đáo, phong tục tập quán đặc thù quyện hòa cùng sắc đẹp hoa ban và điệu xòe Thái mê mải. Một vùng đất đang hừng hực nhịp sống xanh tươi cùng sức sống bản mường, thân thuộc và gần gũi với không chỉ đồng bào các dân tộc nơi đây...
Sắc màu hoa ban
|
Đi thuyền trên hồ Pa Khoang
|
Điện Biên là nơi gặp gỡ và cư trú của 21 dân tộc anh em nên có một truyền thống văn hoá rất đặc sắc. Nơi đây có di tích như Thành Tam Vạn, có trống đồng cổ hay những ngôi nhà sàn cao rộng mang nét đặc trưng của người Thái Điện Biên. Trong ngôi nhà ấy, lúc nông nhàn, chị em đưa thoi dệt vải thổ cẩm. Rất nhiều khăn piêu, váy, áo, túi xách… thêu hoa văn tinh xảo bán tại các chợ, điểm du lịch do chính bàn tay khéo léo của các thiếu nữ Thái Điện Biên làm ra.
Những điệu xoè Thái là nét văn hoá đặc trưng, "tài sản" chung của các dân tộc ở Điện Biên. Sau những ngày lao động vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao, đêm đêm dưới ánh trăng, bên đống lửa bập bùng tiếng trống, chiêng vang lên như mời gọi bạn xòe đến quây quần cùng nắm tay lung linh trong đêm hội điệu xòe hoa.
Điệu múa sạp cổ truyền của đồng bào Thái với những chiếc chầy giã gạo xếp thành đôi trên những hàng gỗ. Người múa cứ múa, người vỗ nhịp chầy theo một tiết tấu rộn ràng và rất khí thế.
Rượu cần Điện Biên với vị thơm ngọt đặc trưng, hòa quyện cùng nậm pịa (dê hấp chấm nước xốt từ ruột non), xôi nếp, măng đắng nướng…, đầy vị núi rừng là một trong những nét đặc sắc của văn hoá ẩm thực nới đây.
Ruộng bậc thang Điện Biên
|
Lễ hội truyền thống ở Điện Biên là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc. Trong đó lễ hội tiêu biểu là Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là ngày lễ lớn quan trọng nhất của tỉnh được tổ chức vào ngày 7 tháng 5 hàng năm. Vào những ngày này, hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến đây để được ngắm nhìn những địa danh một thời oanh liệt, để được chiêm nghiệm và nghiêng mình trước lịch sử.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa Xuân, hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc thì người Thái Tây Bắc lại đi trẩy hội hoa ban.
Sự kết hợp giữa quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ - di tích lịch sử vô giá và bản sắc văn hóa dân gian của các dân tộc Điện Biên cùng những tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn đã khiến cho vùng đất này trở thành điểm hẹn lịch sử, một điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách và các nhà đầu tư.
Quehuongonline