Hãy đi du lịch như một tờ giấy trắng, để thiên nhiên và con người nơi đó họa lên những mảng màu và biến cuộc sống của bạn thành một bức tranh. Hãy mở lòng ra...
|
Cảnh đẹp tại điểm dừng chân trên đèo Mã Pí
Lèng, Hà Giang -Ảnh: Quang Định |
Thức dậy ở nơi xa lạ
Ngôi nhà nằm bên một sườn đồi, nhìn ra rừng thông
xanh ngút ngàn và dãy núi trùng điệp xa
xa. Khung cửa sổ kính mở ra một cái sân nhỏ chênh vênh
giữa những ngọn thông, nơi có bộ bàn ghế trắng nhỏ xíu
như trong truyện Bạch Tuyết và bảy chú lùn.
Phía bên phải, một vạt dã quỳ thả từng dải nắng vàng
mỏng manh xuôi theo triền đồi. Mái nhà phủ đầy hoa bìm
bìm trắng, những dây hồng anh và hồng leo đang lan trên
mái nhà bên cạnh.
Từ chiếc giường gỗ thông phủ chiếc mền cotton nhiều màu sắc, chỉ
cần với tay ra là chạm được vào những cành thông và
những cánh hoa. Căn phòng nhỏ tràn ngập mùi đất, mùi
xạ gỗ, mùi hương của lá và hoa dã quỳ thoảng qua nhẹ
như sương, dại khờ như khói.
Tôi pha một ly cà phê, mang chiếc máy ảnh và
cuốn sách ra khu vườn nhỏ phía bên trên mái nhà.
Hái mấy cánh dã quỳ ngâm vào chén nước
nóng.
Vị dã quỳ ngọt nhẹ và hăng như cỏ dại, vấn vương mãi trên
môi. Ngày đang đến thật chậm trong nắng vàng và hương
hoa, trong bình yên đến tê người.
|
Săn dã quỳ - Ảnh: TTLinh |
|
Những vườn rau Đà Lạt cuốn hút ống kính khám
phá - Ảnh: TTLinh |
Không thể tin được là ở một nơi tưởng như đã quá quen
- Đà Lạt - lại vẫn có những khung cảnh và khoảnh khắc mới mẻ
và thú vị đến vậy. Có một sáng cũng như vậy cách
đây vài năm, tôi thức giấc trong một túp lều sực mùi
cừu trên vùng thảo nguyên xa lạ.
Cái lạnh của sương sớm cùng sự mênh mang của cánh
đồng cỏ thoạt tiên mang lại một cảm giác e dè. Cảm giác
của một người lữ hành đơn độc giữa mênh mông.
Những bông hoa tí xíu như hàng triệu đôi mắt
nhỏ của thảo nguyên đang dõi theo từng tia nắng của buổi hừng đông.
Hoa mọc dưới những bụi cỏ, xen lẫn bên trong và vươn lên trên
cỏ.
Cảm giác thân thuộc cùng mùi hoa lá vùng
cao nguyên Việt ùa về, khiến bước chân thêm tự tin trên
vùng cỏ lạ. Sự e dè dần biến mất. Hoa cúc dại đủ màu:
trắng, vàng, hồng, tím. Hoa bồ công anh vàng và
trắng tròn xoe, xoay tròn khi có gió.
|
Một góc khác của Đà Lạt -Ảnh: TTLinh |
Hoa Edelweiss màu trắng thiếc như ngôi sao năm cánh bước
ra từ truyện cổ tích. Hoa tím đậm cánh chuồn đong đưa như violet
Hà Nội. Hoa vàng li ti như hoa cải vào mùa trên
những cao nguyên đá Hà Giang. Vô vàn hoa thạch
thảo trắng và hồng nhạt trong veo như những cánh sao rớt lại từ trời
đêm, nằm phơi mình trên cỏ.
Hoa theo từng bước chân. Hoa dẫn người và người theo hoa đi trên
con đường mòn bất tận, xuyên ngang cánh đồng cỏ hướng về phía
mặt trời. Cào cào, châu chấu, cánh cam xanh, vô
vàn loài bọ không biết tên, bay rào rào
theo mỗi bước chân.
Không còn ranh giới, không còn hiện thực, chỉ còn
một thế giới hư ảo, thế giới của cỏ và hoa giữa lưng chừng trời đất, ngập
tràn một mùi hương đồng nội, mùi nắng và mùi
gió đong đưa.
Buổi sáng hôm ấy trên thảo nguyên, có một điều
gì đó không xa lạ đã thức dậy trong tôi.
|
Mùa gặt - Ảnh: T.T.Linh |
“Ngụm nước từ cội nguồn sự sống“
Mỗi chuyến du hành đều không giống nhau, dù điểm đến có
thể là nơi đã quá quen thuộc. Đôi khi chỉ những phát
hiện nho nhỏ, những cuộc gặp gỡ tình cờ trên đường cũng đủ để ta thấy
rằng thật là may mắn khi ta còn thở, còn có khả năng
và điều kiện để đi và khám phá cuộc sống quanh mình.
Giữa thời buổi @ và nhịp sống không lúc nào thôi
tất bật bộn bề này, dường như những chuyến đi cũng nhuốm màu vội vã.
Vội vã từ lúc quyết định, tới khi trên đường và cả ngày
trở về. Không kịp ngấm, chẳng kịp cảm, và nếu có thì
sự cảm nhận cũng nhanh chóng rơi mất đâu đó trên đường.
Ta vội vàng mua một chuyến du lịch như mua một món hàng,
mà không cần để tâm hay tìm hiểu nhiều về nội dung điểm
đến.
Đi chơi thôi mà, sao phải nghĩ? Không tính đến những
người đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó muốn thay
đổi, đi không vì lý do hay mục đích gì, thì
đa số chúng ta có du hành vì thực sự thích thú
hay thấy có nhu cầu thôi thúc phải lên đường không?
Đi chỉ vì chưa đến nơi đó, đi chỉ vì nhiều người đã
đi, hay đi vì sự đam mê di chuyển, đi vì mong muốn tìm
cái mới cho chính bản thân mình hay đi vì cái
gì?
Hành trình của một chuyến đi thú vị hay dở hơi đã
bắt đầu ngay từ khi ý tưởng xê dịch xuất hiện trong đầu bạn.
|
Trẻ em trên mọi nẻo đường đất nước để lại những khoảnh khắc đáng
nhớ cho bạn -Ảnh: T.T.L. |
Tôi tin rằng những người tôn thờ chủ nghĩa xê dịch luôn
có cách ứng xử và hành xử với các chuyến đi khác
hẳn số đông còn lại. Họ luôn biết mình cần gì,
muốn gì, ngay ở vào thời điểm quyết định đi và chọn điểm đến.
Đi để quên hay đi để nhớ, đi để trải nghiệm hay đi để tìm lại chính
mình... tất cả đều có thể là lý do sâu xa để lên
đường, bên cạnh những lý do thông thường như vãn cảnh,
thăm thú, trải nghiệm... một vùng đất mới.
Cần tôn trọng những lý do bên trong như vậy hơn khi chọn điểm
đến cho các chuyến đi. Đương nhiên là cũng cần phải xem xét
điểm đến ấy có đáp ứng với tiêu chí mình đã
đề ra hay không.
Và khi bạn đã biết mình muốn gì rồi thì thậm
chí cả các điểm đến cũ - nhưng thỏa mãn tiêu chí
của bạn - cũng có thể mang tới cho bạn những điều thật mới mẻ, không
bao giờ giống nhau.
Một khung cảnh đồng quê ở vùng đất lạ nhưng lại mang dáng
vẻ gần gũi với nơi bạn sinh ra, những nếp nhà lá giữa mênh mông
sông nước hay con đường bạch đàn độc đạo xuyên qua những vuông
tôm trong ánh chiều tà..., tất cả đều có thể là
liều thuốc chữa lành những vết thương lớn nhỏ trong tâm hồn bạn.
Những sáng ban mai nắm tay nhau đi trên bờ biển cát trắng,
những điệu cười nắc nẻ của lũ trẻ quê khi nhìn vào ống kính
máy ảnh của bạn cũng khiến bạn nhớ lại thời thơ ấu của chính mình
hay nhớ về những đứa con đã trưởng thành. Còn nhiều lắm những
thí dụ như vậy.
|
Ngẩn người trước thiên nhiên hùng vĩ - Ảnh: T.T.L. |
Bạn không là người lữ hành đơn độc, mà chính
bạn là trọng tâm của chuyến đi, là nhân vật kết nối giữa
quen và lạ. Vấn đề chính là ở bạn.
Bạn có còn khả năng ngạc nhiên trước một vẻ đẹp không?
Bạn có còn hứng thú trước những cảnh vật, những người mình
gặp trong và qua các chuyến đi không? “Đích đến
là hành trình” cần được hiểu theo nghĩa như vậy.
Tôi luôn cho rằng muốn “cảm” được một vùng đất
nào đó, cần dành đủ thời gian cho nơi ấy, và quan trọng
hơn đừng để những thiên kiến hay định kiến hằn nếp trong đầu.
Hãy mở lòng ra, hãy “uống những ngụm nước từ cội nguồn
của sự sống”, như triết gia Hebbel người Đức đã nói. Hãy
đi như một tờ giấy trắng, để thiên nhiên và con người nơi đó
họa lên những mảng màu và biến cuộc sống của bạn thành
một bức tranh.