Từ Hà Nội theo quốc lộ 6, du khách sẽ đi hơn 70km để đến thị xã Hòa Bình. Từ nơi này, du khách có thể tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hoặc tham gia những lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Tày, Mông sống rải rác trên khắp các địa bàn của tỉnh.
Nhiều du khách lần đầu tiên đến đây, chọn thủy điện Hòa Bình tham quan trước tiên. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, trên sông Đà. Là công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam cho đến nay . Khởi công xây dựng năm 1979. Ngày 20/12/1994, sau 15 năm xây dựng công trình, nhà máy thủy điện Hòa Bình đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Công suất của nhà máy theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240.000 kilowatt. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỉ kilowatt giờ (KWh).
Đập thủy điện Hòa Bình
|
Đứng trên mặt đập ngăn sông Đà, một vùng hồ rộng mênh mông với núi non trùng điệp chập chùng, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình hiện ra trước mắt du khách. Khách có thể đi thuyền, tàu du lịch dọc theo lòng hồ ngắm cảnh non xanh nước biếc, ghé các thắng cảnh nổi tiếng, sau đó đi thăm các bản làng người dân tộc, đây cũng là tour chủ yếu của các công ty du lịch ở miền Bắc.
Ngược dòng Đài Giang (một tên gọi khác của sông Đà), ghé thắng cảnh Thác Bờ ta sẽ gặp ngôi đền cổ có từ thuở khá xa xưa. Đó là đền thờ bà Đinh Thị Vân dân tộc Mường và một phụ nữ người Dao (không rõ tên) đã có công giúp vua Lê Lợi dẹp giặc ở Sơn La. Hồ Hòa Bình có nhiều vịnh, đảo và bán đảo với rừng nguyên sinh có nhiều động - thực vật quý hiếm. Các bản Mường, Dao, Tày tọa lạc rải rác ven hồ, ven triền đồi, núi, ven các thung lũng đẹp hơn cả trong tranh vẽ. Những bãi tắm thơ mộng bên bờ hồ làm du khách phải nao lòng...
Giã từ sông Đà, du khách theo đường bộ (QL 6) ghé khu di tích cách mạng Dốc Cun, cửa ngõ vào vùng núi Tây Bắc cách thị xã Hòa Bình 7km. Bạn sẽ phải vượt qua dốc Cun dài gần 15 km. Đây là một con đường đèo cao, hiểm trở, có lúc khách tưởng như mình đang đi lạc vào một biển mây mịt mù không có lối ra, với một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cheo leo. Dốc cao và cua tay áo liên tiếp. Đến đỉnh đèo, du khách dừng lại ngắm cảnh núi rừng. Thị trấn Mai Châu và vùng phụ cận như một nàng tiên kiều diễm hiện ra trong ánh nắng vàng mơ của mùa thu Tây Bắc, giữa thung lũng xanh rờn với đồng lúa và những nếp nhà sàn bên dòng suối nhỏ, dưới bóng tre, trúc, xoan, giá tỵ... và những cây chè cổ thụ.
Một góc Mai Châu
|
Bản Lát ở Mai Châu là một nơi du lịch nổi tiếng. Sau Tết Nguyên đán kéo dài tới tháng 9 là mùa du lịch, không khí bản Lát luôn nhộn nhịp với nhiều đoàn khách đến, đi, vui như trẩy hội. Tại bản Lát, du khách sẽ có dịp khám phá đời sống và những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Thái. Những phụ nữ Thái miệt mài, cần cù bên khung cửi, dệt nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo như váy, khăn piêu, túi mang, khăn trải, khăn tay ... với hoa văn tinh xảo, nhiều sắc màu sặc sỡ. Các sản phẩm này giá cả phải chăng luôn được du khách ưa chuộng.
Đêm ở Mai Châu. Không gian làng bản chìm đắm trong sương khói núi rừng, du khách sẽ cùng bạn bè, bà con người địa phương ngồi sưởi ấm bên ánh lửa bập bùng, ăn thịt heo rừng nướng, uống rượu cần và thưởng thức những điệu múa xòe dịu dàng, uyển chuyển của những cô gái Thái xinh đẹp vận trang phục dân tộc. Trong phần giao lưu còn có nhảy sạp, hát dân ca Thái (hát khắp Thái) rất hấp dẫn.
Bà con ở Pom Coọng (Mai Châu) có nhiều người tham gia làm du lịch cộng đồng. Nhiều du khách từng đến đây đều biết ngôi nhà sàn số 28 của bác Hà Văn Phúc với 28 cột gỗ, sức chứa tới 100 người. Giá lưu trú chung là 50.000 đồng/khách (có phục vụ múa xòe).
Ở bản Lát còn có cụ Hà Văn Đội ngày xưa chuyên nghề làm nỏ (cung) và săn thú. Hiện nay cụ vẫn làm nỏ để bán cho du khách. Mỗi bộ nỏ có giá trên dưới 200.000 đồng.
Mai Châu vào những ngày nghỉ cuối tuần họp chợ phiên của người Thái. Chợ phiên tập trung nhiều hàng hóa, nông lâm sản quý của núi rừng. Đi chợ phiên vùng cao, du khách sẽ có dịp quan sát và cảm nhận sâu sắc hình ảnh sinh hoạt của bà con các dân tộc miền núi Tây Bắc.
(Báo Cần Thơ)