Chợ Sa Pa giờ đây ngày càng tấp nập và không còn là chợ của riêng người Mông, người Dao như trước đây nữa mà là điểm đến của hầu hết khách du lịch khi đến Sa Pa.
Bản Cát Cát
Chúng tôi có mặt ở Sa Pa vào một ngày thời tiết mát dịu và hơi se lạnh, trong lúc đó thời tiết ở Hà Nội đang là mùa hè nắng nóng đến 37độ C. Lần đầu tiên đặt chân đến đây nên mọi thứ đều làm chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ. Tại thị trấn Sa Pa, tình cờ chúng tôi quen được chị Tần Sa Mẩy (34 tuổi, dân tộc Dao, ngụ xã Trung Chải, huyện Sa Pa, Lào Cai) và được chị chỉ đường cho chúng tôi đi thăm bản Cát Cát, nằm ở gần thị trấn. Theo lời giới thiệu của Tần Sa Mẩy, Cát Cát là bản của người dân tộc Mông (còn gọi là người Mèo, người H’Mông) sinh sống. Ở bản Cát Cát có một thác nước rất đẹp mà theo tiếng Pháp là: CatScat. Do đó, từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện và chọn nơi đây làm khu nghỉ dưỡng cho các quan chức. Cũng từ đó, bản của người dân tộc Mông nằm bên dòng thác có tên là bản Cát Cát cho đến ngày nay.
Người Mông ở bản Cát Cát sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa trên các ruộng bậc thang, các nghề truyền thống như dệt vải, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Hiện nay, do du lịch phát triển, một bộ phận người Mông ở Cát Cát đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch. Nhiều người - đa số là người trẻ biết nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp và đi làm hướng dẫn viên du lịch. Những người lớn tuổi thì làm nương, làm rẫy, làm nghề truyền thống. Bà Vàng Thị Tòng (67 tuổi) cho biết bà làm nghề dệt vải thổ cẩm đã 30 năm nay, bây giờ cả gia đình và con cháu của bà đều làm dịch vụ du lịch. Tham quan một vòng bản Cát Cát, chúng tôi thấy có những nét hoang sơ, truyền thống của người dân tộc, xen lẫn cái hiện đại, tấp nập do du lịch phát triển.
Chiều ở Tả Van
Các xã Tả Van, Hầu Thào, Sử Pán (huyện Sa Pa) nằm trong thung lũng Mường Hoa nơi có hai bãi đá cổ nổi tiếng và con sông Mường Hoa chảy qua. Riêng xã Tả Van có cầu Mây bắc qua sông Mường Hoa. Vào những buổi sáng sớm, mây còn đọng lại trên sông làm cho chiếc cầu trở nên đẹp huyền ảo, bềnh bồng trong mây. Cái tên cầu Mây cũng xuất phát từ đó. Hiện nay, xã Tả Van được quy hoạch thành làng du lịch mang đậm nét sinh hoạt truyền thống của người Giáy, Mông, Dao. Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, chúng tôi đi bằng xe máy về Tả Van qua hơn 17km đường triền núi quanh co, khúc khuỷu (người dân tộc thường đi bộ hết từ 3 - 5 tiếng đồng hồ). Hai bên đường là những nương ngô xanh mướt đang trổ bắp, xen lẫn những thửa ruộng bậc thang trải dài lưng chừng đồi, đang mùa gieo cấy. Khung cảnh ở Tả Van càng đẹp và trở nên hoang sơ khi trời chiều dần xuống, những đứa trẻ mặt mày lem luốc bụi đất cưỡi trên lưng trâu đi về bản. Trên đường cái, từng đoàn những em nhỏ, những cô gái Mông, Dao trở về từ thị trấn, sau khi tan chợ. Tất cả đẹp hoàn hảo như một bức tranh vẽ.
Vòng qua hơn 3km đường mòn, đầy sỏi đá gập ghềnh, chúng tôi mới xuống được suối Mường Hoa và đi qua cầu Mây để sang một thác nước, tuyệt đẹp. Anh Lò Sử Mẩy cho chúng tôi biết khách du lịch có thể ngủ lại ở Tả Van trong những ngôi nhà của người dân làm dịch vụ du lịch. Không những thế, ở Tả Van đang được kinh doanh và du lịch hóa. Chúng tôi xuống sông Mường Hoa để chụp ảnh và ở trên cầu Mây cũng vậy, mỗi người đều bị thu 5.000 đồng, do một phụ nữ người Mông đứng ra thu. Ở 2 phía cầu Mây vừa đi vừa chụp ảnh và ngắm cảnh chúng tôi đều nhận được những câu mời chào của người dân: “Chụp ảnh thì xin 2 ngàn”, hoặc “Mua hàng đi, 10 ngàn 1 món” - đó là cái dây vải thổ cẩm để đeo tay dài khoảng 20cm, to bằng ngón tay trỏ.
Đi chợ Sa Pa
Chợ Sa Pa nằm ở ngay trung tâm thị trấn Sa Pa, là nơi mua bán trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng, nhưng được xem là chợ của người dân tộc Mông, người Dao, thường họp vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Theo người dân bản địa, cuối tuần là những ngày mà vợ chồng, con trai, con gái người Mông, người Dao dắt nhau xuống chợ để vui chơi, uống rượu, ca hát, hẹn hò. Những sản vật mà họ thường mang xuống chợ Sa Pa để bán lấy tiền là măng tươi, rau cải (loại rau đặc sản thường được gọi là cải Mèo), có người thì mang theo chú lợn con cắp ở nách, hay mấy con gà do họ nuôi được. Cũng chính từ những sản vật của người dân tộc mang xuống chợ đã trở thành những món ăn đặc sản trong nhà hàng của khách dưới xuôi như: thịt lợn bản, lợn cắp nách, gà bản...
Không chỉ những sản vật, người Mông còn mang xuống chợ những món hàng thổ cẩm, vòng bạc, dao, nông cụ là những vật dụng có tính đặc trưng của dân tộc mình. Còn người Dao thì mang xuống chợ những loại lá thuốc để tắm, xông hơi, chữa bệnh, đôi khi có cả những loại cây cảnh và các loại khăn, áo... Từ việc bán những sản vật do mình làm ra, số tiền thu được những người dân tộc sẽ mua đồ dùng trong gia đình như mắm, muối, đồ dùng sinh hoạt... và đặc biệt là dành tiền để uống rượu. Khi chiều xuống, những người con trai, con gái lại tụ tập ở khu vực trung tâm thị trấn Sa Pa để ca hát, múa khèn, tìm bạn. Cho đến khi màn đêm xuống thì những người có vợ chồng, con cái mới ngất ngưởng dìu dắt nhau về bản và người chồng trong tình trạng say bí tỉ. Lang thang gần một ngày ở chợ Sa Pa, chúng tôi mua được khá nhiều mặt hàng thổ cẩm, vòng bạc, đồng tiền may mắn, khăn, áo, túi xách... từ tay những người dân tộc Mông, Dao, Giáy... bán ra. Tuy nhiên, nếu không khéo chúng ta cũng có thể mua phải hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng của người dân tộc, bởi cũng dễ hiểu bởi ở đây đã bị du lịch và thương mại hóa.
Nguồn : Báo Bình Dương