Sa Nam là tên cũ của huyện Nam Đàn (Nghệ An) ngày nay, cách thành phố Vinh chưa đầy 10 cây số về phía tây. Đây là vùng đất mang nhiều dấu ấn lịch sử - văn hóa xứ Nghệ.
Đến Sa Nam là dịp viếng thăm khu lưu niệm nhà cách mạng - văn hóa Phan Bội Châu và các ngôi đình cổ Hoành Sơn, Trung Cần nổi tiếng với những điêu khắc, chạm trổ dân gian độc đáo của vùng Bắc Trung bộ.
Nhà lưu niệm Phan Bội Châu - Ảnh: Trương Điện Thắng
|
Đình cổ Hoành Sơn được xây dựng vào tháng chạp năm Nhâm Ngọ thời Hậu Lê (1763), bên dòng sông Lam thơ mộng với chất liệu chủ yếu là gạch ngói và gỗ lim. Theo lời kể của một lão nông, nhiều toán thợ có tay nghề cao đã được giao thi công, chạm khắc từng gian đình riêng, bởi vậy mà các nét chạm trổ và nghệ thuật trang trí ngôi đình có rất nhiều màu sắc. Uy minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, làm Tri châu Nghệ An năm 1041, được thờ như Thành hoàng của đình làng. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt. Ngoài ra, đình còn thờ “Tứ vị thánh nương” và Phật. Toàn bộ bái đình Hoành Sơn có 8 vì, 7 gian với 32 cột gỗ lim tròn, cao 4-5m, đường kính 0,5m, trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoanh và 42 đường xà với những nét chạm trổ tinh xảo.
Cách đình Hoành Sơn không xa, ở xã Nam Trung có đình Trung Cần. Tuy có kích thước nhỏ hơn và xây dựng vào năm 1781, nhưng đình Trung Cần là nơi ghi dấu ấn của làng với 3 người họ Nguyễn đỗ tiến sĩ vào năm đó. Đình thờ Tam tòa Đại Vương, Tứ vị Đại Vương, Cao Sơn, Cao Các và danh tướng Tống Tất Thắng, đỗ tiến sĩ năm 1505, từng có công đánh giặc mở cõi về phương Nam. Đình có 5 gian, dài 24m, có 6 bộ vì kèo với 24 cột gỗ lim, Theo các chuyên gia, nghệ thuật kiến trúc ở đình Trung Cần đạt đến trình độ tinh xảo. Mỗi góc xà, đường hạ… đều được chạm trổ hình long, ly, quy, phụng và những bản khắc gỗ dân gian sinh động.
Khu lưu niệm Phan Bội Châu là các ngôi nhà tranh hai mái, hai chái nối nhau theo hình chữ L. Từ ngõ đi vào sân là hàng dậu xanh mướt, cạnh đó là những khóm chuối, hàng cây ăn quả cùng chiếc cối giã gạo bằng đá, chày bằng gỗ lim. Bộ phản gỗ và yên thư ở gian ngoài của nhà lớn là nơi cụ Phan đàm đạo thơ văn, bàn việc nước với các sĩ phu trong vùng, là những hiện vật gây nhiều xúc động. Đến Sa Nam vào các dịp 29.10 hoặc 26.12, du khách còn có thể dự lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất và ngày sinh của cụ Phan ngay tại quê hương ông.
Nguồn : Thanh Niên