Văn Miếu Hưng Yên còn gọi là Văn miếu Xích Đằng (vì được xây dựng trên đất làng Xích Đằng), nguyên xưa là Văn Miếu của Trấn Sơn Nam (căn cứ vào Khánh, Chuông của di tích), nhưng đến năm 1831, tỉnh Hưng Yên được thành lập thì Văn miếu Hưng Yên thuộc hàng tỉnh.
Văn miếu Hưng Yên được khởi dựng từ thế kỷ XVII và được trùng tu, tôn tạo lớn vào năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839), đời vua Nguyễn Thánh Tổ (1820 - 1840), trên nền của chùa làng Xích Đằng, xã Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động xưa, nay là phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Dấu tích còn lại đến ngày nay là 2 tháp đá: Phương Trượng Tháp và Tịnh Mãn Tháp. Hiện tại Văn miếu đang thờ Đức Khổng Tử, người được suy tôn là "Vạn thế sư biểu", và các chư hiền của nho gia. Cùng thờ với Khổng Tử là Chu Văn An, người thầy giáo, người hiệu trưởng đầu tiên của Trường Quốc Tử Giám. Năm 1992, Văn miếu Hưng Yên được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử.
Văn miếu có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Tam, bao gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Hệ thống mái của các tòa được làm liên hoàn kiểu "Trùng thiềm điệp ốc". Mặt tiền Văn miếu quay hướng Nam, cổng Nghi môn được xây dựng đồ sộ, bề thế, mang dáng dấp cổng Văn miếu Hà Nội. Phía trong cổng có sân rộng, ở giữa sân là đường thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu. Khu nội tự gồm: Tiền tế, Trung từ và Hậu cung, kiến trúc giống nhau, được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn. Toàn bộ khu nội tự Văn miếu tỏa sáng bởi hệ thống đại tự, câu đối, cửa võng và hệ thống kèo cột đều được sơn thếp phủ hoàn kim rất đẹp.
Hiện vật quý giá nhất của Văn miếu là 9 tấm bia đá khắc tên tuổi, quê quán, chức vụ 161 vị đỗ đại khoa ở Trấn Sơn Nam thượng ngày xưa (trong đó tỉnh Hưng Yên có 138 vị, tỉnh Thái Bình 23 vị) thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê đến Nguyễn. Học vị cao nhất là Trạng nguyên Tống Trân (người thôn An Cầu, huyện Phù Cừ) đời Trần; Trạng nguyên Nguyễn Kỳ (người xã Bình Dân, huyện Đông An) triều Mạc; Trạng nguyên Dương Phúc Tư (người xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm) triều Lê. Chức vụ cao nhất là tiến sĩ Lê Như Hổ, Quận công triều Mạc. Ngoài ra còn có một số dòng họ đỗ đạt cao như họ Dương ở Lạc Đạo (Văn Lâm); họ Vũ, họ Hoàng ở Ân Thi; họ Lê Hữu ở Liêu Xá (Yên Mỹ)...; một số huyện có nhiều nhà khoa bảng như: Văn Giang, Ân Thi, Yên Mỹ, Tiên Lữ, Kim Động...
Văn miếu xưa kia có 2 mùa lễ hội, trọng hội là ngày 10/2 và ngày 10/8 hàng năm. Cứ vào các ngày trọng hội, các vị nho học và quan đầu tỉnh phải đến Văn miếu tế lễ để thể hiện nề nếp nho phong, tôn sư trọng đạo, làm gương cho con cháu, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ.
Ngày nay, hằng năm cứ vào ngày đầu xuân tại Văn miếu có tổ chức sinh hoạt văn hóa, đó là tổ chức tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù, từng bước khôi phục lại lễ hội xưa. Ngoài ra vào mùa thi, thanh thiếu niên, học sinh về Văn miếu tìm hiểu truyền thống hiếu học của cha ông và thắp nhang cầu mong cho sự học hành ngày càng phát triển.
Để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của con người và cũng là hòa đồng với sự phát triển chung của xã hội. Văn miếu Hưng Yên đang được quy hoạch với quy mô khá hoàn thiện với tổng diện tích gần 6 ha. Năm 2004, tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình như vốn có của di tích, được phân thành các khu chức năng khác nhau, như: Văn hóa khuyến học, khu Đền Lạc Long Quân, khu văn hóa, khu Chùa Nguyệt Đường, khu Hồ Văn, Đầm Vạc. Các công trình dần được phục hồi và tôn tạo để Văn miếu Hưng Yên trong tương lai gần sẽ trở thành một trung tâm khuyến học và điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên.
Nguồn : báo Hưng Yên