Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu và công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, huyện Củ Chi 2 lần được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; khu căn cứ địa đạo Củ Chi được Bộ Văn hoá -Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.
Từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, theo con đường nhựa đi Tây Ninh chừng 70 km, chúng tôi đến với khu di tích địa đạo Củ Chi. Địa đạo được bảo tồn tại 2 khu vực Bến Dược và Bến Đình, xã Phú Mỹ Hưng anh hùng. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hoá và sáng tạo của quân và dân huyện Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 thuộc hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ là những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trú ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu. Từ năm 1961 đến năm 1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi phát triển mạnh gây cho địch những tổn thất lớn, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Năm xã phía Bắc huyện Củ Chi đã hoàn thành đường địa đạo xương sống. Sau đó, các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường xương sống thành hệ thống địa đạo liên hoàn. Đường hầm không sâu lắm nhưng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép, những đoạn nằm sâu chống được bom cỡ nhỏ. Có đoạn cấu trúc từ hai đến ba tầng, chỗ lên xuống giữa các tầng có nắp hầm bí mật.
Trong địa đạo bố trí những nút chặn để ngăn địch tấn công hoặc phun chất độc hoá học. Dọc theo đường hầm có lỗ thông hơi và trổ lên mặt đất bằng nhiều cửa bí mật được nguỵ trang kín đáo. Phần lớn được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa rất linh hoạt gây bất ngờ đối với quân địch. Chung quanh cửa hầm lên xuống là các hầm chông, hố đinh, mìn chống tăng, mâm phóng lựu đạn chống máy bay trực thăng đổ chụp.
Liên hoàn với địa đạo còn có các hầm rộng để nghỉ ngơi khi chiến đấu; hầm làm việc của lãnh đạo; hầm nuôi dưỡng thương binh; hầm dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống và cả những hầm lớn có mái che được ngụy trang khéo léo dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ. Việc đào địa đạo hoàn toàn bằng các phương tiện thủ công như cuốc, xẻng và phải vận chuyển hàng vạn mét khối đất đào ra đổ vào các hố bom ngập nước, đắp thành ụ mối, đổ ra đồng ruộng rồi cày bừa trồng hoa màu lên nhằm bảo đảm bí mật không để kẻ thù phát hiện ra.
Với trên 200 km đường hầm toả rộng như mạng nhện trong lòng đất nối liền các xã ấp với nhau, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân xâm lược Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sức kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu đã phải thốt lên là “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”.
Suốt trong thời gian dài, địch liên tục tấn công đánh phá vùng căn cứ và hệ thống địa đạo bằng nhiều thủ đoạn: bơm nước, xả hơi độc; dùng chó béc - giê cùng đội quân “chuột cống” nổ mìn đánh sập từng đoạn; dùng xe cơ giới ủi phá địa đạo; gieo cỏ phá địa hình. Nhưng quân và dân Củ Chi chiến đấu kiên cường giữ vững địa đạo và đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 tên địch, phá huỷ trên 5.000 xe tăng và xe thiết giáp; bắn rơi, bắn hỏng 256 máy bay các loại cùng 22 tàu xuồng chiến đấu. Củ Chi trở thành đất thép thành đồng.
Nguồn : Báo Yên Bái