Nằm cách Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội) được biết đến là một trong số những ngôi đình cổ nhất Việt Nam với gần 500 năm tuổi.
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo hình chữ Nhất, vật liệu xây dựng ban đầu hoàn toàn bằng gỗ mít, trong quá trình tu bổ sau này có dùng một số gỗ lim Trường Sơn - loại gỗ hứng nhiều nắng, gió biển tạo nên thớ xoắn rất chắc chắn.
Đình Tây Đằng được dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVI, nhưng hiện nay tại đình vẫn còn lại một số hoa văn từ thế kỷ XI - XIII, nên có giả thiết đình Tây Đằng có thể được xây dựng từ trước thế kỷ XVI. Đình có 48 cột lớn nhỏ, trước kia hoàn toàn làm bằng gỗ mít - loại gỗ hàng trăm năm không bị tiêu tâm (rỗng lõi), cột cái lớn nhất có đường kính đến 80cm. Nếu như các ngôi đình khác đều có bứng ván hoặc xây tường xung quanh thì đình Tây Đằng chỉ có hệ thống cột chống dàn mái (sức chịu lực tương đương móng một căn nhà 7 tầng) tạo nên một không gian thoáng đãng, tràn đầy ánh sáng làm nổi bật những hoa văn độc đáo, giá trị trong đình.
Các đầu đao đều uốn cong có gắn long, ly, quy, phượng bằng đất nung màu gan trâu; xà, đấu, kèo, cốn đều có chạm khắc. Các hình chạm khắc rồng đều mang phong cách rồng thời Trần, chim phượng được chạm theo lối múa xòe cả hai cánh. Nét độc đáo nhất của đình Tây Đằng được thể hiện qua các bức chạm khắc mang đậm nét văn hoá dân gian trên từng cấu kiện kiến trúc, đề tài thiên về hoạt động của con người trong làng xã Việt Nam thế kỷ XVI như bơi thuyền, gánh con, đốn củi, múa hát và tuyệt nhiên không chịu ảnh hưởng của lối chạm khắc hoa văn nước ngoài, thể hiện tư duy, trí tuệ của người Việt cổ về cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân lao động...
Các bức chạm khắc mô tả sống động một quy trình khép kín cuộc sống của người Việt cổ, từ thủa sơ khai với hoạt động săn bắt, hái lượm, thuần hoá động vật hoang dã (hình tượng voi đi cày) đến cảnh đấu tranh chống giặc giã, sau đó đất nước thanh bình (hình ảnh người chồng ngồi chải tóc cho vợ dưới gốc cau), trai tráng luyện tập võ nghệ, nhân dân nô nức trong lễ hội đua thuyền đến cảnh cha mẹ, ông bà xum vầy, thầy đồ dạy học biểu tượng cho sự chăm lo tới thế hệ sau...
Các kiến trúc chạm khắc trong đình Tây Đằng hiện diện đủ các vùng văn hoá trên khắp đất nước, từ một gia đình Bắc bộ ấm cúng bên gốc cau đến người phụ nữ Nùng chơi đàn tính ở vùng cao miền Bắc hay lễ hội đua thuyền ở miền Nam. Sự tài tình của các bậc tiền nhân chính là ở chỗ toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình không hề trùng nhau một chi tiết nào và được bố trí rất hài hòa, không mang tính đối xứng như các chi tiết kiến trúc ở những ngôi đình khác...
Với những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo, đình Tây Đằng được ví như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình Tây Đằng còn là nơi thờ Tản Viên Sơn thánh (Sơn Tinh), một nhân vật anh hùng theo truyền thuyết đã chế ngự được thiên nhiên, được dân chúng suy tôn là bậc thánh và Thánh Gióng cùng vị Thần Nông. Hàng năm có rất nhiều người dân trên cả nước và du khách quốc tế lui tới viếng thăm, tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị lịch sử, văn hoá của đình.
Nguồn : Website Tây Ninh