Trải bao thăng trầm của lịch sử, với sức người cần lao gìn giữ, xây dựng, những lớp cha ông đi trước mở đường, khai hoang lập nghiệp đã để lại cho con cháu hôm nay những ruộng lúa, vườn cây, làng quê trù phú, di tích văn hoá – lịch sử… và cả những làng nghề truyền thống với nhiều nét đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ Nam Bộ.
Miền Tây đẹp hiền hòa, bình dị bên những dòng sông, những vườn cây trái trĩu nặng, những cánh đồng chạy dài bất tận... làm say lòng bao du khách. Bên cạnh đó nơi đây còn có những làng nghề truyền thống gắn bó lâu dài với người dân nơi đây. Về miền Tây sông nước hãy 1 lần thử hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân và thử 1 lần làm một người " nghệ nhân " thực thụ sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm thú vị khó quên trong đời.
Làng nghề trồng hoa kiểng Tân Qui Đông, Sa Đéc
Thiên nhiên, con người ở miệt Sa Đéc trù phú, thanh tao và phong nhã không thua bất cứ một nơi nào. Ngay như chọn cái nghề trồng hoa kiểng cũng đủ nói lên điều này. Vốn là một nghề truyền thống nổi tiếng, có tự lâu đời, làng hoa kiểng Tân Qui Đông – Sa Đéc hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách bốn phương đến tham quan. Bon sai, kiểng cổ, hoa tươi các loại du khách mặt sức thưởng ngoạn. Đặc biệt, là vào dịp Rằm đến 25 tháng Chạp hàng năm, làng hoa Tân Qui Đông lại nở rộ với đủ sắc màu lộng lẫy để tham gia vào thị trường hoa tươi ngày tết. Dưới bến thì tấp nập ghe thuyền, trên bờ hàng đoàn xe tải tất bật nối đuôi nhau chuyển hoa đi khắp mọi nẻo miền quê xuôi ngược.
Làng nghề chằm nón lá Thới Tân, Cần Thơ
Với phong cảnh sông nước hữu tình Cần Thơ đã thu hút nhiều du khách, ngoài những nét đẹp cuốn hút mà thiên nhiên, con người Cần Thơ mang lại, nó còn được biết đến với khá nhiều những làng nghề truyền thống đặc trưng và một trong những làng nghề đó là làng nghề chằm nón lá. Làng nghề chằm nón lá ở ấp Thới Tân A xuất hiện khoảng trên 70 năm nhưng không ai biết chính xác xuất hiện từ năm nào và ai là người sáng lập. Nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm là lá mật cật và cây trúc, lá mật cật mọc rất nhiều ở Phú Quốc, Cà Mau, Tây Ninh… Việc lựa chọn lá mật cật làm nón cũng không phải đều đơn giản, để cho chiếc nón thêm phần hấp dẫn, người thợ thủ công thường trang trí thêm những hoa văn, họa tiết khá độc đáo, đa phần họ thường thêu những bài thơ, cảnh vật, con người khá đẹp...hoặc hình cái bông, ngôi sao tăng thêm nét đẹp cho sản phẩm.
Làng dệt thổ cẩm Văn Giáo, An Giang
Làng dệt thổ cẩm nằm ở xã Văn Giáo huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang - nơi mà có hơn 80 % đồng bào Khmer sinh sống. Thổ cẩm Văn Giáo rất đa dạng và phong phú, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo kết hợp phong cách truyền thống & hiện tại tạo nên nét đẹp đặc trưng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Hiện nay các sản phẩm của làng dệt Văn Giáo không chỉ được khách du lịch miền Tây biết đến mà còn được xuất khẩu qua một số nước như Thái Lan, Úc, Mỹ, Campuchia,…
Làng nghề đan bàng Phú Mỹ, Kiên Giang
Sống giữa một vùng đất phèn mặn, đồng bào Khmer nơi đây đã kiên nhẫn biến cỏ bàng thành hàng hóa với các sản phẩm sinh hoạt và mỹ nghệ mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Công việc đan lát các sản phẩm từ bàng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự khéo léo, rất thích hợp cho cả phụ nữ và trẻ em tham gia. Họ làm ra các sản phẩm rất đa dạng như: đệm, túi xách, đồ gia dụng… Những sản phẩm làm ra hoa văn rất tinh xảo mà vẫn mang “cái hồn” của đồng quê chân chất. Những đường nét hoa văn cứ lần lượt hiện dần lên dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Người đan bàng không những làm hàng theo mẫu mã sẵn có mà còn tự mày mò nghiên cứu, cải tiến và thiết kế cho ra các sản phẩm với mẫu mã mới lạ, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Làng dệt chiếu Long Định, Đồng Tháp
Ở xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp trước đây và hiện nay luôn giữ được nghề dệt chiếu cha truyền con nối và phát huy được thương hiệu chiếu Long Định trên thị trường cả nước. Nghề dệt chiếu ở đây tồn tại trên dưới 50 năm. Theo thời gian cùng sự phát triển của cuộc sống xã hội và thương trường, chiếc chiếu Long Định vẫn luôn khẳng định chất lượng và tên tuổi. Sau khi được tỉnh công nhận làng nghề và đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, chiếc chiếu Long Định thật sự trở thành nguồn thu nhập chính trong đời sống của người lao động, hàng chục ngàn chiếc chiếu được đem ra thị trường vào mỗi năm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong vùng.
Làng nghề nắn nồi đất ở Hòn Đất, Kiên Giang
Nằm ở trung tâm huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có một làng nghề truyền thống đó là nghề nắn nồi, chuyên tạo ra những sản phẩm bằng đất nung như: cà ràng, nồi, om, ơ, xoong, chảo… Cũng như bao nơi khác, nguyên liệu dùng để nắn nồi là đất sét, phải có đủ các tiêu chuẩn như dễ đánh bóng, chịu nhiệt cao, tính kết dính cao… mà loại đất này có sẵn trên địa bàn huyện. Để hoàn thành một sản phẩm bằng đất phải qua nhiều công đoạn, công đoạn đầu là nắn hay còn gọi là tạo hình vì tất cả các sản phẩm đều có khuôn (khung) bằng gỗ hoặc bằng đất nung, đến công đoạn vỗ, do đất ướt chứa nhiều nước nên sản phẩm mới đầu thường biến dạng, đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật vỗ bằng các thanh tre, sau đó là công đoạn làm bóng, tạo hoa văn... để sản phẩm được nhẵn bóng hoàn chỉnh. Nếu được chứng kiến các công đoạn làm mới thấy để có được sản phẩm như ý đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật cao, bàn tay phải uyển chuyển, mềm mại, sáng tạo.
Làng nghề đóng tủ thờ Gò Công, Tiền Giang
Xã Tân Trung, thị xã Gò Công của tỉnh Tiền Giang bao đời nay nổi tiếng với nghề làm tủ thờ. Từ những ngày đầu đi khai phá vùng đất mới, các ông Trần Văn Thêm, Trần Văn Tường và Nguyễn Văn Hải mang theo nghề đóng tủ thờ gia truyền để truyền nghề cho người dân nơi đây. Trải qua nhiều thế hệ từ chiếc tủ thờ đơn sơ thuở ban đầu, ngày nay tủ thờ Gò Công với mẫu mã đa dạng, tinh xảo, khảm đá hoặc xà cừ rất đẹp đã hiện diện trong ở vị trí trang trọng nhất trong rất nhiều ngôi nhà ở Nam Bộ, đó không chỉ là tài năng khéo léo của các nghệ nhân mà đó còn là tấm lòng của họ để tưởng nhớ tới bậc tiền nhân.