Là một quận có hơn 1.200 năm lịch sử, nằm cách trung tâm thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc 55km về phía tây, Đại Túc nghĩa là “sung túc, no đủ”, có nền văn hóa lâu đời, nổi tiếng với di sản văn hóa thế là quần thể điêu khắc tượng đá Đại Túc.
Quần thể điêu khắc tượng đá Đại Túc gồm 141 điểm di tích với hơn
50.000 tượng đá của 3 trường phái Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, tập
trung ở 5 ngọn núi Bảo Đỉnh Sơn, Bắc Sơn, Nam Sơn, Thạch Môn Sơn, Thạch
Triện Sơn, được bắt đầu điêu khắc vào khoảng năm 600 sau Công nguyên và
phát triển rực rỡ vào giai đoạn từ năm 900-1300.
Là
1 trong 8 di tích điêu khắc tượng đá nổi tiếng nhất thế giới, quần thể
điêu khắc tượng đá Đại Túc là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu
khắc tượng đá ở trong hang và vách núi của thế giới giai đoạn thế kỷ thứ
IX-XIII và được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp
Quốc (UNESCO) đưa vào danh sách di sản thế giới tháng 12/1999 với nhận
xét “điêu khắc tượng đá Đại Túc là kiệt tác nghệ thuật đỉnh cao, có giá
trị lịch sử, nghệ thuật, khoa học”.
Di
tích điêu khắc tượng đá trên núi Bảo Đỉnh Sơn được điêu khắc và hoàn
thành trong giai đoạn từ năm 1174-1252 trên vách đá dài khoảng 500m, cao
từ 8-25m. Di tích điêu khắc tượng đá Bảo Đỉnh Sơn rất khác với các di
tích tương tự ở các thời kỳ trước, bởi thứ nhất đây là một đạo tràng
phật giáo mật tông rất hiếm gặp ở Trung Quốc; thứ hai, rất nhiều kinh
văn khắc trên đá không có trong Tạng Kinh vì vậy có rất có giá trị
nghiên cứu đối với điển tịch phật giáo; thứ ba các tượng đá điêu khắc
thể hiện sự tổng hòa 3 luồng tư tưởng là giáo lý nhà Phật, triết lý Nho
giáo và quan điểm Đạo giáo.
Cổng vào khu di tích điêu khắc tượng đá Bảo Đỉnh Sơn, nơi tập trung
nhiều tác phẩm điêu khắc đá đỉnh cao và được bảo tồn nguyên vẹn nhất
trong quần thể điêu khắc tượng đá Đại Túc.
“Thập đại minh vương” (hàng thứ 3 từ trên xuống) là hóa thân của
phật và bồ tát để hỗ trợ người tu hành chế ngự dục vọng, ham muốn của
bản thân.
“Địa ngục biến tướng” với ngụ ý thiên đường hay địa ngục luôn ở ngay
trước mặt để giúp chúng sinh nhận thức tu tâm, dưỡng tính, hướng thiện.
Hàng trên cùng có 10 tượng phật, trong đó tượng Địa tạng vương bồ tát
(lớn nhất) tay cầm ngọc minh châu phát ra 4 đạo hào quang, trong đó 2
đạo chiếu lên thiên đường, 2 đạo chiếu xuống địa ngục; hàng giữa là 10
vị diêm vương; hàng dưới là cảnh tượng hình phạt ở 18 tầng địa ngục.
Cụm tượng đá “Công cha nghĩa mẹ” với chiều cao 7m, rộng 14m, sâu
2,5m, là tác phẩm tiêu biểu về ca ngợi đạo hiếu của Nho giáo, miêu tả sự
vất vả và tình yêu thương của cha mẹ khi nuôi dạy con cái.
Di tích điêu khắc tượng đá Bảo Đỉnh Sơn cũng là một trong những địa
chỉ hoạt động ngoại khóa giáo dục cho các em học sinh về tình mẫu tử,
lòng biết ơn và tính hướng thiện của con người.
Du khách tham quan một hang đá vốn là đạo tràng nơi Tỳ Lô Giá Na Phật giảng kinh, thuyết pháp cho các đệ tử và chúng sinh.
Tượng đá Tỳ Lô Giá Na Phật ngồi trong bảo tháp được chạm khắc sinh động, tinh xảo.
Một hang đá hàng trăm năm tuổi phải sử dụng hệ giá đỡ cho trần hang trước tác động của thời gian.
Các thợ điêu khắc xưa đã khéo léo kết hợp địa hình sơn khê và truyền
thuyết Thích Ca Mầu Ni giáng phàm đầu thai để tạo nên tác phẩm “Chín
con rồng tắm cho thái tử”.
"Thích Ca Mầu Ni niết bàn" là bức tượng lớn nhất trong quần thể điêu
khắc tượng đá Đại Túc. Tượng Thích Ca Mầu Ni niết bàn dài 31, ở tư thế
nằm nghiêng với nửa thân trên được điêu khắc trên vách đá, nửa thân dưới
ẩn chìm vào trong lòng núi, dường như các nghệ nhân điêu khắc đá xưa
muốn thể hiện ý tưởng phật pháp vô lượng, không thể thấy hết được.
“Quan Âm nghìn tay” cao 77m, rộng 12,5m, được chạm khắc trên vách đá rộng 88m2
trong tư thế ngồi kiết già với 1.007 bàn tay chạm khắc nổi tỏa ra các
hướng, trên mỗi bàn tay là một pháp khí. Đây là 1 trong 6 bức tượng Quan
Âm lớn của Phật giáo mật tông, được mệnh danh là “kỳ quan thiên hạ”.
“Vòng luân hồi lục đạo” cao 7,8m, rộng 4,8m, sâu 3,6m, là bánh xe
luân hồi sinh tử của vạn vật chúng sinh trong tam giới lục đạo, giảng
giải giáo lý cơ bản của phật giáo về nhân quả báo ứng, luân hồi chuyển
thế...
Tượng tam thánh gồm 3 pho tượng Tỳ Lô Giá Na Phật (giữa) Phổ Hiền bồ
tát (trái) và Văn Thù bồ tát (phải) cao 7m, khoác áo cà sa đứng trên
đài sen, thân hơi ngả về phía trước, cúi đầu ngó xuống chúng sinh. Đây
cũng là kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc đá khi các nghệ nhân điêu khắc
thời xưa đã giải quyết bài toán trọng lực hàng chục tấn của bức tượng
nghiêng về phía trước bằng cách chạm khắc áo cà sa thành trụ đỡ chịu lực
mà vẫn không mất đi nét sinh động, uyển chuyển của bức tượng.
Tuy chỉ dài hơn 500m nhưng với gần 10.000 bức tượng, di tích điêu
khắc tượng đá Bảo Đỉnh Sơn là một kho tàng kiến thức về giáo lý Phật
giáo, triết lý Nho giáo, quan điểm Đạo giáo.
HỒ QUÂN
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc
Nguồn: Báo Nhân Dân