Hướng về lễ kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hòa Bình và lễ hội văn hóa cồng chiêng, từ vùng núi cao Ngổ Luông, Quyết Chiến đến trung tâm Mãn Đức của huyện Tân Lạc đâu đâu cũng rộn lên những giai điệu cồng chiêng ping…poòng…piing… mang đậm văn hóa đất Mường.
Mường Bi ở Tân Lạc, nơi sinh ra văn hóa Hòa Bình, hiện lưu giữ hơn 500 chiếc cồng chiêng và đang dần khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng đã từng bị mai một.
Theo trí nhớ truyền đời của nhiều mo làng như ông Bùi Văn Ểu, xóm Lầm, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tiếng cồng chiêng là những âm thanh “thần bí” phát ra khi vô tình chạm vào các nhũ đá trong hang động, lâu dần được con người chế tác và hoàn thiện thành nhạc cụ bằng kim loại như bây giờ.
Một dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm và trọn một vòng quay Xuân-Hạ-Thu-Đông của đất trời. Mười hai chiếc chiêng tạo ra mười hai âm sắc, đồng thời hợp thành một dàn cồng chiêng độc đáo với những bản hòa âm đã tạo dựng một “âm sắc Mường” độc đáo và riêng biệt. Những âm sắc đó đã góp phần tạo nên những giá trị đẹp cho nền văn hóa cổ truyền của vùng đất Mường Bi.
Cùng với đó, dàn chiêng 12 chiếc với 12 âm sắc khác nhau hội tụ những ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng trong đời sống văn hóa của người Mường nói chung và của người Mường Bi nói riêng. Cồng chiêng theo “Phường Bùa” mang may mắn đầu năm đến tận cửa mọi nhà, cồng chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới, cồng chiêng thành khẩn đưa người về với cõi “Mường ma,” cồng chiêng thúc giục người dân đi trẩy hội Xuống đồng, cồng chiêng gọi nhà nhà đến chia vui lễ Cơm mới...
Dẫu vậy, không gian văn hóa cồng chiêng ở Mường Bi đã có những lúc tưởng như mai một. Nhận thấy nguy cơ đó ngày càng rõ nét, những người như ông Ểu và nhiều người nữa không thể kể hết ra đây vẫn đang âm thầm, tự nguyện truyền dạy cho lớp trẻ với ước nguyện gìn giữ sự kỳ diệu của “mười hai âm sắc” mãi là cái hồn Mường.
Trong dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh và lễ hội cồng chiêng Hòa Bình lần thứ nhất, những diễn viên Mường Bi được các mo làng dạy bảo, truyền nghề sẽ trình diễn những giai điệu đặc sắc, độc đáo nhất, nguyên bản nhất theo giai điệu, biểu diễn đúng với phong cách trình diễn của không gian văn hóa cồng chiêng cổ, ngân lên sức sống, làm sống dậy cái hồn phách của xứ Mường Bi.
Đó sẽ là nét đặc sắc nhất mà những diễn viên Mường Bi đem đến ngày hội một không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên đất Mường được các cấp chính quyền quan tâm.
Có thể nói, một không gian âm nhạc mở ra một không gian văn hóa. Một thứ âm thanh không chỉ đơn thuần phát ra từ một loại nhạc khí đơn thuần, mà đã trở thành thứ âm thanh mang cái hồn linh thiêng của núi rừng; là ngôn ngữ giao tiếp của con người với thế giới siêu nhiên, thứ âm thanh được thần thánh hóa để “nối” cõi thực với cõi vĩnh hằng của ngàn đời.
Thứ âm thanh đó của Mường Bi cũng như không gian văn hóa xứ Mường tượng trưng cho đức tín của cả một dân tộc, vừa giao hòa gần như tuyệt đối với thiên nhiên, vừa như tách ra để được vang âm trọn vẹn giữa đất trời.
Nguồn : Vietnam+