Xã Du Già (huyện Yên Minh) nằm cách thành phố Hà Giang chừng 70km, thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Quãng đường tuy không quá dài nhưng để đến được Du Già, du khách sẽ phải mất khá nhiều thời gian bởi địa hình phức tạp, liên tục phải đổ đèo vượt dốc. Bù lại, thiên nhiên hoang sơ và cảnh vật yên bình nơi đây là món quà xứng đáng khiến du khách chỉ muốn lưu lại mãi...
Du khách quốc tế trải nghiệm tham quan Du Già bằng xe máy.
Bình yên thôn bản
Để đến Du Già, từ thành phố Hà Giang, du khách sẽ phải mất khoảng 2,5 đến 3 giờ di chuyển. Cung đường đến Du Già mang lại cho du khách rất nhiều trải nghiệm thú vị, trong đó, việc thử cảm giác “phượt” bằng xe máy trên những đoạn đèo dốc hay cua chữ M, qua lớp lớp dãy núi đá tai mèo, núi đất xếp chồng, bên dưới là các thung lũng, bản làng xinh đẹp khiến du khách phải lặng người xúc động.
Du Già là một trong những trường hợp khác biệt ở Hà Giang, khi là cái tên quen thuộc với dân “phượt” trong nước và quốc tế nhưng lại khá xa lạ trên các phương tiện truyền thông. Đến Du Già, người ta thường xuyên chứng kiến cảnh từng đoàn khách du lịch quốc tế ngồi sau xe máy của các chàng trai bản địa để thăm thú bản làng hay khung cảnh hùng vĩ của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Du khách người Irelands Gary Galway, lần đầu đến Hà Giang, chia sẻ: “Tôi chưa từng có những cung bậc cảm xúc tuyệt vời như khi đến Hà Giang. Khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, hùng vĩ và yên bình, khiến tôi “phải lòng” vùng đất này”.
Bên cạnh giá trị cảnh quan thiên nhiên, Du Già còn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Cao Lan... Gắn bó với vùng biên viễn này từ lâu đời, đồng bào các dân tộc thiểu số hiện còn lưu giữ được những phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống đặc sắc như: Lễ cấp sắc, Lễ hội Gầu tào, Lễ hội cầu mùa, hay chợ phiên Du Già họp vào thứ sáu hằng tuần. Hòa mình vào các phiên chợ nhộn nhịp sắc màu của trang phục thổ cẩm và tiếng người lao xao xuống chợ mua bán, giao lưu gặp gỡ, du khách sẽ cảm nhận được hơi thở truyền thống với những giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc sống của con người Du Già hôm nay. Đặc biệt, du khách không nên bỏ lỡ phiên chợ “phong lưu” mỗi năm chỉ có một lần ở Du Già vào tuần thứ hai của tháng Ba, nơi các đôi trai gái từ các thôn làng xa xôi về tụ hội và tìm bạn trong tiếng khèn da diết.
Hạt nhân đột phá phát triển du lịch
Độ “phủ sóng” của Du Già còn hạn chế so với các vùng khác ở Hà Giang, nhưng chính điều đó đã giúp Du Già giữ được nét hoang sơ, thu hút du khách trẻ quốc tế. Đặc biệt, mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Cốc Pảng (xã Du Già) đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo của một thôn từng có số hộ nghèo chiếm tới 80% tổng số hộ, nay giảm còn dưới 5%.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Du Già Thào Mí Chá, mô hình Làng Văn hóa du lịch cộng đồng gắn với phát triển dược liệu thôn Cốc Pảng được thành lập từ năm 2019 đã góp phần giúp diện mạo kinh tế - xã hội trên địa bàn đổi thay. Xã Du Già gồm 14 thôn, có trên 1.600 hộ và gần 9.000 khẩu. Người dân trước đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô và chăn nuôi. Từ khi phát triển du lịch, nhiều hộ đã chuyển sang kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú homestay... Hiện nay, thôn Cốc Pảng có 26 hộ kinh doanh homestay, trong đó có 21 hộ hoạt động theo quy mô gắn kết 2 - 3 nhà. Đời sống của người dân Du Già ngày càng được cải thiện, mỗi cơ sở homestay đều nhận từ 3 - 5 lao động địa phương vào làm việc, giúp bà con có thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.
Giữ nguyên nụ cười tươi tắn trên môi sau khi tham gia các điệu dân vũ truyền thống cùng người dân bản địa tại Peace homestay, du khách người Mỹ Heather Bort Olussi (20 tuổi) chia sẻ: “Tôi đã được theo bố mẹ đi qua gần 20 quốc gia. Việt Nam là đất nước thứ 5 ở khu vực châu Á mà tôi đặt chân đến nhưng nơi đây để lại cho tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc nhất. Tôi rất yêu nơi này, nơi những người bản xứ thân thiện đã thết đãi gia đình tôi những món ăn chưa bao giờ ngon như thế. Tôi cũng ấn tượng với phong cảnh thiên nhiên yên bình và đặc biệt là trải nghiệm tắm suối, chơi đùa cùng lũ trẻ trong thôn”.
Ngoài những trải nghiệm về lưu trú, tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương, du khách đến thôn Cốc Pảng còn được trải nghiệm thăm vườn dược liệu, tìm hiểu các loài cây có tác dụng chữa bệnh; thư thái trekking qua quãng đường 3km đến với thác Ba Tiên trong vắt chảy từ suối Thâm Luông; ghé thăm Vườn quốc gia Du Già - nơi có các loại động, thực vật quý hiếm nằm trong danh sách được bảo vệ như thông đỏ, voọc mũi hếch...
Du Già được xác định là một trong những “hạt nhân” tạo nên bước phát triển đột phá về du lịch trong năm 2023. Vừa qua, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 24 thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch xã Du Già với quy mô 6.923ha; xác định mục tiêu phát triển xã Du Già theo hướng Công viên hạt nhân - Công viên Du Già; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Khu đô thị du lịch; Trung tâm dược liệu, chăm sóc sức khỏe; Khu trang trại nghỉ dưỡng kết hợp homestay; Bảo tồn và khai thác các giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa dân tộc theo hướng bền vững. Đây là điểm tựa vững chắc để Du Già trở thành một trong những điểm đến đặc sắc, ấn tượng của tỉnh Hà Giang và cả nước nói chung.
Theo Hanoimoi