Đồng Tháp có nhiều tiềm năng du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch nhân văn, mà tiêu biểu là các địa danh, như: vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim - Tam Nông, khu di tích gò Sa Đéc, bãi tắm An Hoà, Cồn Tiên, hơn 44 làng nghề nằm trải dài qua các huyện: Lai Tháp, Xẻo Quýt, khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, làng hoa kiểng Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Tân Hồng, Hồng Ngự.
Với các lễ hội truyền thống như: lễ giỗ Đốc Binh Vàng, lễ vía bà Chúa Xứ; các món ăn đặc sắc như: nem Lai Vung, hủ tiếu Sa Đéc, bánh phồng tôm Sa Giang, quít hồng Lai Vung... ngành du lịch của Đồng Tháp hứa hẹn sẽ mang đến sự hài lòng của du khách và hấp dẫn trong việc thu hút nhà đầu tư phát triển mạnh ngành du lịch Đồng Tháp.
Tận dụng lợi thế tiềm năng đặc thù trên, Đồng Tháp đã lập quy hoạch tổng thể phát triển 19 khu - điểm du lịch trong đó 5 khu, điểm du lịch trọng điểm thuộc cấp tỉnh quản lý và ưu tiên đầu tư; Còn lại là các khu, điểm du lịch thuộc các huyện, thị quản lý, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng bước đầu một số đã khai thác và đón khách du lịch. Trong những năm qua, kinh tế du lịch của Đồng Tháp ngày càng phát triển, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề hỗ trợ khác, đặc biệt, văn hóa bản địa đặc thù của Đồng Tháp có cơ hội được quảng bá, giao lưu với văn hóa vùng, miền trong cả nước và khu vực. Số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đồng Tháp ngày càng tăng. Năm 2010, du lịch Đồng Tháp đã đón tiếp trên 1,1 triệu lượt khách, trong đó có gần 21.000 khách nước ngoài với tổng doanh thu đạt khoảng 118 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, Đồng Tháp đón 1,55 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 107,4 tỷ đồng.
Các khu di tích như Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở thành phố Cao Lãnh; Khu di tích Gò Tháp ở huyện Tháp Mười; lễ hội kỷ niệm ngày giỗ hai vị anh hùng Đồng Tháp Mười là Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều... là những điểm đến và sự kiện thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan hàng năm. Ngoài ra, những ngôi nhà cổ ở Sa Đéc và các loại hình du lịch sinh thái ở Gáo Giồng, Xẻo Quít, Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng đang ngày càng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt vườn quốc gia Tràm Chim (thuộc huyện Tam Nông tỉnh Đồng Tháp) cũng vừa được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc và Bộ Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục với Ban Thư ký Công ước Ramsar đăng ký Vườn quốc gia Tràm Chim vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (danh sách Ramsar). Vườn có diện tích hơn 7.500ha, là vùng đất ngập nước, sinh cảnh duy nhất còn sót lại ở Đông Dương và là 1 trong 8 vùng bảo tồn chim quan trọng nhất của Việt Nam.
Bên cạnh đó, phát triển làng nghề gắn với du lịch đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong tiến trình phát triển du lịch ở tỉnh Đồng Tháp bởi nó thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của mỗi ngành nghề ở từng khu vực và được nhiều du khách quan tâm khám phá. Hiện nay, Đồng Tháp có 44 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có nhiều làng nghề đã trở thành tiêu điểm chú ý gắn với hoạt động du lịch thu hút du khách đến tham quan như làng hoa kiểng Sa Đéc, Làng dệt chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò), làng làm nem (huyện Lai Vung), làng gốm sứ An Hiệp (huyện Châu Thành)... Đặc biệt làng nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc có trên 1.500 chủng loại thu hút khách về đây tham quan du lịch rất đông đặc biệt là du khách quốc tế.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Đồng Tháp cũng gặp không ít khó khăn, trước hết là hạn chế về cơ sở hạ tầng; Nguồn kinh phí đầu tư phát triển cho du lịch còn dàn trải, chất lượng dịch vụ thấp. Hệ thống giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch chưa đồng bộ cũng tạo nên lực cản lớn, làm giảm tính hấp dẫn trong thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư. Hiện nay trên địa bàn Đồng Tháp có 23 khách sạn đang hoạt động, trong đó chỉ có 1 khách sạn 3 sao; 11 khách sạn từ 1 đến 2 sao; Hệ thống cơ sở ăn uống chỉ có 6 nhà hàng nằm trong khách sạn, 2 nhà hàng tại 2 khu du lịch, ngoài ra là hệ thống cơ sở ăn uống chuyên doanh nằm ngoài hệ thống du lịch…; Hầu hết các chủ cơ sở và nhân viên phục vụ chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nhà hàng, làm theo kinh nghiệm thực tế nên chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phục vụ du lịch chất lượng cao… Nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch hạn chế, nên bản thân các khu di tích và nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian, như: lễ hội, hoạt động của các làng nghề thủ công truyền thống..., cũng chưa được đầu tư, tôn tạo và phát triển đúng mức. Vấn đề vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt còn bất cập, thực trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có trình độ quản lý, tổ chức, phục vụ du lịch... cũng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của ngành du lịch Đồng Tháp.
Để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, tỉnh Đồng Tháp chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách, nâng cao chất lượng phục vụ và các dịch vụ kèm theo. Đồng thời, Đồng Tháp cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch theo quy hoạch, các hạng mục hạ tầng thiết yếu tại những địa điểm này và công trình hạ tầng kết nối đến các khu, điểm du lịch, trong đó ưu tiên bố trí vốn ngân sách đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào Khu du lịch Xẻo Quýt và Gáo Giồng. Ngoài ra, ngành du lịch cần tổ chức khai thác có hiệu quả các khu du lịch trọng điểm của tỉnh, du lịch biên giới, nối tuyến sang Campuchia…
Đồng Tháp đang mở rộng cánh cửa để đón các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào du lịch, nhằm từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh và phát triển mạnh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.
Nguồn : VEN