Đó là thực trạng được nhiều đại biểu “gióng” lên tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL” do Tổng cục Du lịch, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức vào sáng 01.10.2018 tại TP Long Xuyên.
Theo Tổng cục Du lịch, với ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mekong, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử từ vùng đất cộng cư nhiều dân tộc anh em chung sốngđã tạo cho ĐBSCL lợi thế về sản phẩm du lịch độc đáo.
Trong đó, các hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước đã trở thành sản phẩm chủ đạo để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nông nghiệp được hiểu theo khái niệm là loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tuy nhiên tại hội thảo, đại diện các địa phương trong khu vực thống nhất cho rằng du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL phát triển chưa xứng tiềm năng.
Nhiều người còn ví von là “Vốn một núi, nhưng túi chỉ mới có một đồng”. Cụ thể là tăng trưởng khách, doanh thu, mức đầu tư, tính chuyên nghiệp chưa có được bước đột phá, tốc độ tăng trưởng còn thấp so các cùng khác. Thí dụ năm 2017, ĐBSCL đón 20 triệu lượt khách, tăng bình quân 9%, nhưng lượng khách lưu trú lại rất thấp, dẫn đến chi tiêu cũng thấp. Bình quân chỉ khoảng 22USD/khách/ngày, thấp hơn so mức bình quân của khách du lịch Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như: Sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, còn đơn điệu về dịch vụ, thiếu tính chuyên nghiệp... còn phải kể đến những hạn chế do chính sách đầu tư, như nguồn nhân lực, kết nối giao thông thiếu và yếu. Vì vậy để hướng tới mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp một cách bền vững, theo các đại biểu cần tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng cao được làm ra bởi nguyên liệu và con người tại chỗ và mang bản sắc của nền văn hóa ĐBSCL.
Cụ thể là phải lựa chọn khu vực sản xuất, nuôi trồng sản vật mang đặc trưng địa phương trên cơ sở bảo tồn được phương thức canh tác truyền thống , đảm bảo được tiêu chí thân thiện với môi trường và an toàn về vệ sinh thực phẩm. Đồng thời kết nối với các hoạt động du lịch, bổ sung các dịch vụ tăng thêm, các giá trị vô hình để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch.
Để làm được điều này, bên cạnh việc xác định sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh và tạo ra được sự khác biệt.., các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ du lịch với những quy hoạch có khả năng đáp ứng sản phẩm du lịch có giá trị cốt lõi, tránh nạn “trăm hoa đua nở” với những sản phẩm giống nhau. Trong đó cần chú trọng bảo tồn không gian văn hóa. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư đồng bộ, có hệ thống về đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thông, tạo liên kết giữa các ngành, quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ...