Đồng Tháp nằm ở phía tây nam Tổ quốc, thuộc khu vực ĐBSCL, là một trong 3 tỉnh của vùng Đồng Tháp Mười. Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, sản xuất nhiều lương thực và các loại nông, thủy sản có giá trị xuất khẩu.
Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng Tháp có trên 48km đường biên giới với tỉnh Prâyveng (Campuchia) và 7 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế: Thường Phước và Dinh Bà, có khu kinh tế cửa khẩu. Bắt nguồn từ sông MêKông, hai nhánh sông Tiền và sông Hậu như hai động mạch chính mang phù sa bồi đắp hàng năm cho vùng đất trù phú này. Sông Tiền chảy dọc từ Bắc chí Nam với chiều dài 132km, sông Hậu bao bọc phía tây nam của tỉnh, cũng là ranh giới giữa Đồng Tháp với An Giang và Cần Thơ. Giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy là tiềm năng to lớn tạo nên các khu, điểm du lịch đặc trưng - nền tảng để du lịch Đồng Tháp trở thành cầu nối trong liên kết phát triển du lịch của vùng.
Quýt hồng ở Lai Vung - Đồng Tháp, địa chỉ đỏ của du lịch miệt vườn ĐBSCL.
Đồng Tháp là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử: Khu di tích Gò Tháp, căn cứ địa của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, Xứ ủy Nam Kỳ trong kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt, nơi đây có di chỉ của nền văn hóa óc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam đang được khai quật, Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Xẻo Quýt - căn cứ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ được che phủ bởi rừng tràm nguyên sinh rộng 20ha; hệ sinh thái đa dạng và phong phú, tiêu biểu là vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Ngoài ra còn nhiều đình, chùa cổ được công nhận di tích: chùa Kiến An Cung, chùa Thiên Hậu, đình Long Khánh. Các làng nghề truyền thống: Làng hoa kiểng Sa Đéc; làng bột Tân Phú Đông; làng nem, quýt hồng Lai Vung; làng sen Tân Hội Trung.
Sông Tiền, Sông Hậu và mạng lưới kênh rạch chằng chịt thuận lợi cho giao thông thủy, nối trung tâm du lịch TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL và sang Campuchia. Cửa khẩu Thường Phước nằm trên sông MêKông rất thuận lợi cho khách xuất nhập cảnh từ Việt Nam sang Campuchia bằng đường thủy. TP. Cao Lãnh đã quy hoạch khu vui chơi giải trí tổng hợp và nghỉ dưỡng Cầu Bắc Cao Lãnh rộng 48ha, đang kêu gọi đầu tư. Thị xã Sa Đéc đang quy hoạch khu du lịch Cồn Đông Giang nằm trên sông Tiền với diện tích 498ha, loại hình sản phẩm làng văn hóa du lịch và huyện Thanh Bình đang lập quy hoạch Khu du lịch Cồn Tô Châu để kêu gọi đầu tư; Cty CP Du lịch Đồng Tháp đã lập xong quy hoạch, dự án 2 Khu du lịch: Cồn Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh và khu du lịch MêKông, huyện Hồng Ngự, đang kêu gọi hợp tác đầu tư. Sau khi các khu du lịch này được đầu tư khai thác thì đây cũng là những điểm để kết nối phát triển tuyến du lịch đường sông của tỉnh và khu vực.
Để thúc đẩy việc phát triển hoạt động du lịch đường sông ở Đồng Tháp, ngành Du lịch Đồng Tháp cần tăng cường liên kết với các công ty du lịch ở TP. HCM và khu vực ĐBSCL, xây dựng tour du lịch đường sông kết hợp nghỉ dưỡng cuối tuần hoặc kết hợp thủy bộ trên cơ sở lợi thế sông nước dọc sông Tiền, sông Hậu để phục vụ khách trong nước và quốc tế; xây dựng các chương trình du lịch đường sông trên cơ sở phù hợp với tài nguyên và lợi thế của từng vùng, từng địa phương và thị hiếu, nhu cầu khách du lịch quốc tế; cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch các tỉnh trong việc liên kết với nhau và với các điểm đến, điểm dừng chân. Trong liên kết phải có trách nhiệm trong hoạt động đưa đón khách, tiếp thị điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ. Đồng Tháp cũng cần đầu tư phát triển một số loại hình du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, Gò Tháp: Tái hiện lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân Đồng Tháp Mười: Giăng câu, thả lưới, trồng sen, súng, lúa ma, cỏ năn… để du khách có thể trải nghiệm tại nhà dân trong một vài ngày…
Gần đây, Đồng Tháp đã lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sông nước miệt vườn chung của vùng ĐBSCL, với quan điểm là vùng trọng tâm du lịch về sinh thái, văn hóa, lịch sử và sông nước, lấy trọng tâm là Sông Tiền, Sông Hậu; liên kết định hướng phát triển với TP. HCM, Đông Nam Bộ và các nước vùng sông MêKông, trước nhất là Campuchia. Đồng Tháp cũng cần có chính sách cho phát triển du lịch vùng sông nước: Về vốn đầu tư phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, khôi phục các làng nghề truyền thống, các vùng còn nguyên sơ mang tính đặc trưng: Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch... Làm tốt những điều này, Đồng Tháp sẽ là một trong những tỉnh có doanh thu cao về ngành du lịch của vùng và cả nước.
Nguồn : Báo Đất Mũi