Nằm hút sâu trong vùng Xuân Thọ hẻo lánh của huyện Đơn Dương – thành phố Đà Lạt, Thác Cọp từ lâu được xem là điểm đến du lịch hấp dẫn nhưng cũng rất nguy hiểm của vùng Nam Tây Nguyên.
“Nếu du xuân tới Đà Lạt, nên đến Thác Cọp”, những ai từng tới Thác Cọp về cũng nói như thế. Bản thân cái tên thác đã cuốn hút “máu xê dịch” của nhóm phóng viên chúng tôi. Trời xuân hè dịu mát, chúng tôi tìm về Xuân Thọ, quyết chinh phục dòng thác được xem nguy hiểm bậc nhất vùng phía nam cao nguyên Liang Biang này.
Mưa Đà Lạt lây phây, đường về Xuân Thọ âm u, ảm đạm. Băng qua những cánh rừng thông sơ nguyên, vườn mai anh đào lộc xuân xanh cả một vùng. Xa xa, những ruộng rau bậc thang chìm dưới những làn mưa sương trắng đục, bồng bềnh lưng chừng đèo… Từ thành phố Đà Lạt, cứ đi theo con đường quốc lộ 22 về xứ Cầu Đất, Dran (Đơn Dương). Mất khoảng 30 phút đi xe máy, con đường không quá khó khăn như trước đây nhiều người vẫn nói về nó: “hẻo lánh, âm u và nguy hiểm”. Từ đèo Trại Mát nằm trên tuyến hành trình, bạn sẽ thấy những ngôi nhà kiếng trồng hoa chất lượng cao của người dân. Phóng tầm mắt ra xa, trong thấp thoáng cao nguyên, Đà Lạt như một nàng thiếu nữ nằm e ấp cùng sương, thông và hai ngọn núi mẹ Lang biang. Qua Trại Mát, con đường nhỏ dẫn chúng tôi vào thác Hang Cọp. Đường vào thác quanh co, đá cuội lởm chởm giữa bạt ngàn rừng thông. Xe chúng tôi phải đi chậm nhất có thể, phần vì cơn mưa bất chợt nặng hạt hơn, phần vì xe phải bò xuống thung lũng, men theo con dốc ngày mưa khá trơn trượt, mức độ nguy hiểm đến rợn người. Thác Hang Cọp đón chào chúng tôi trong tiếng thác ầm ầm vang vọng.
Theo truyền thuyết kể lại, thác Hang Cọp xưa kia được coi là lãnh địa, là vùng đất của “chúa tể sơn lâm” và người Cill (người bản địa xưa kia – người K’ho) rất sợ vào vùng đất này. Thấy người dân trong buôn làng mình đã khổ, lại thêm nỗi sợ cọp mỗi khi đi rẫy, một chàng trai đã cầm nỏ theo dấu vết đi tìm cọp. Khi đến dòng thác, chàng bèn bắn mũi tên từ bên kia dòng thác vào chỗ cọp nằm, mũi tên trúng chân cọp, làm “chúa tể sơn lâm” sợ bỏ chạy vào rừng, không dám về buôn làng phá quấy bà con nữa. Dòng thác hùng mạnh từ đó có tên Thác Hang Cọp.
Theo dấu truyền thuyết, đi qua những bậc cầu thang rêu phong, phủ kín, những hành lang cầm tay như không còn nguyên vẹn do sự tàn phá của thời gian, chúng tôi lần bước đi theo con đường mòn qua những bụi cây chắn ngang đường, những hòn đá sừng sững hai, tiến gần đến nơi đang sở hữu “tiếng hát của rừng sâu”.
Giữa đại ngàn thâm u, bí hiểm, thác Hang Cọp hiện ra sừng sững với độ cao hơn 50m. Sự hùng vĩ, hoang sơ của thác khiến cho những mệt mỏi suốt chặng đường, những muộn phiền thường nhật trong chúng tôi dường như tan biến. Cách đỉnh thác không xa, hang cọp được tái dựng cùng hình ảnh “Ông ba mươi” bị thương ở chân. Từ độ cao ấy hàng ngàn khối nước bất chợt đổ ập xuống va mạnh vào vách đá tung bọt trắng xóa, âm thanh phát ra như tiếng cọp gầm. Thác nước như dòng lũ bị đổ dốc ngược xuống, mang hơi nước mát lạnh phả vào chúng tôi. Trên đỉnh ngọn thác, chiếc cầu treo vắt vẻo tạo điều kiện cho du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp oai hùng của thác nhìn từ trên cao. Nơi đây được xem là địa điểm lui tới khá thường xuyên của các bạn trẻ đam mê picnic, khám phá thiên nhiên hay thể nghiệm kỹ thuật, sự sáng tạo của mình qua những bức ảnh. Hai dòng thác nhỏ uốn quanh phía dưới chảy hiền hòa, mềm mại tựa dòng tóc. Bao quanh ngọn thác là khu rừng nguyên sinh rậm rạp. Bất chợt có tiếng gà rừng gọi bạn. Trên những nhánh cây khô có những nhánh lan tươi tốt. Bên dòng thác có hình tượng người anh hùng dân tộc Cill (K’ho) có công diệt thú dữ bảo vệ buôn làng và tượng “chúa tể sơn lâm” dũng mãnh, cao khoảng 5 m, dài 10 m nằm trong khuôn viên của thác. Dưới chân chúng tôi, suối nước chảy hiền hòa, trong vắt…
Không thể diễn tả được hết vẻ hùng vĩ, nguy hiểm nhưng rất cuốn hút du khách của thác Hang Cọp, nhưng chắc chắn rằng, thác Hang Cọp luôn là một điểm đến thú vị đối với những người ưa mạo hiểm, muốn khám phá thiên nhiên.
Nguồn : SVDL