Trời nóng nực, ghé khu resort Xanh (Forevergreen) ở xã Phú Túc (Châu Thành, Bến Tre), cách cầu Rạch Miễu chừng 6km, hỏi có gì “độc và lạ” thì nghe giới thiệu ngay: “Đi chơi đêm trong rừng bần”.
|
Thư giãn hóng gió bên rừng bần - Ảnh: Phan Lữ Hoàng Hà |
Vậy là sau bữa cơm tối, xuất phát từ ngọn rạch Cả Chắc (ấp Phú Khương) trên chiếc ghe đóng theo kiểu đò chở khách, chúng tôi bắt đầu hành trình.
“Đêm hoa đăng”
Ghe đi chầm chậm qua con rạch ngoằn ngoèo. Hai bên bờ, bần mọc rậm rạp, tán de ra tận mé rạch, múa may trong gió như bóng người đang phất cờ. Lẫn trong bần là hàng dừa nước lao xao, lá cọ vào nhau rì rào. Không gian yên ắng, tĩnh lặng tới nỗi nghe được hơi thở của người bên cạnh.
Trời tối đen như mực.
Qua một khúc quanh, bỗng từ mũi ghe có tiếng reo: “Trời ơi, đẹp quá!”. Tất cả chồm hết về phía trước. Hai bên bờ, dưới tán bần, hàng ngàn ánh sáng nhỏ xíu lập lòe chớp tắt và di chuyển liên tục giống như ánh đèn trang trí trên cây thông Noel. Lại có tiếng la lớn như phát hiện điều thú vị: “Đom đóm. Trời ơi, đom đóm nhiều quá!”. Nhiều người trên ghe có lẽ lần đầu tiên trong đời được thấy đom đóm nên cứ xuýt xoa, giương mắt ra nhìn.
Ghe từ từ dừng lại trước một gốc bần. Ai cũng ráng bắt một con đom đóm bụm trong tay ngắm nghía coi nó chớp tắt ra chiều thú vị. Có người không biết kiếm đâu ra chai nước suối rỗng, nhanh nhảu bắt đom đóm bỏ vô, làm thành cái đèn chai lấp lánh sao. Giữa đêm đen, cả ngọn rạch đồng nhất một màu sáng lập lòe như hàng ngàn ngọn hoa đăng tí hon nhấp nháy. Mải mê nhìn, tới khi ghe ra tới sông cái, gió mát thổi lồng lộng, mọi người mới sực tỉnh, tiếc rẻ.
Anh Võ Văn Nghi, hướng dẫn viên du lịch của khu resort Xanh, kể có du khách nước ngoài không hề biết con đom đóm là gì, không thể dịch đúng nghĩa nên phải tạm gọi là con... ruồi đèn. Anh cho biết trước đây chưa ai nghĩ ra tour du lịch kỳ thú này, sau do một nguời khách Singapore vô tình dạo chơi và tỏ vẻ vô cùng thích thú nên lãnh đạo khu resort mới làm thành tuyến đi chơi thực thụ. Tới nay, đó là những đêm hội hoa đăng không thể thiếu trong chặng nghỉ của du khách khi ghé qua nơi này.
Lẩu canh chua bần
“Ví dầu bắt cá nấu canh/Dầm bần thêm ớt cho thanh cho nồng/ Mai sau thành vợ thành chồng/Đừng làm bần, ớt hết nồng hết chua”. Muốn ăn món này phải ra tuốt ngoài vàm Trà Vinh. Đi đò băng ngang sông cái (Cổ Chiên) tới cồn Bàn (cù lao Long Trị), rồi đi xe ôm về phía hạ lưu khoảng 4km nữa. Khách Tây, ta muốn ăn lẩu canh chua bần đều rủ qua đây.
Hỏi nhà chị Tư Cúc ai cũng biết. Nhà chị nằm sát bờ sông, xung quanh là hàng bần xanh mượt, tán bần che mát cả khu vườn, trái bần chín đong đưa trong gió như mời gọi. Khách có thể ra tận nhánh bần với tay hái trái, chấm muối ớt rồi cắn cái “bụp” để thưởng thức vị chua chua, chát chát, mằn mặn tê cay đầu lưỡi. Sang hơn thì xắt trái bần thành miếng, kẹp vô miếng mắm sặt rồi bỏ vô miệng nhai. “Đã” không thể nào tả xiết!
Nhưng “bén” hơn hết vẫn là món lẩu canh chua bần. Đồ nấu của chị Tư Cúc có khác. Rau muống thì hái ngay dưới ao nước trong leo lẻo, bắp chuối ngay sau hè. Các loại rau quế, giá, ngò om, bạc hà đều “đồ” vườn. Cá đủ loại: ngát, thòi lòi, kèo, tra... cũng đều bắt từ sông - người dân quanh vùng bán, chị đặt mua để phục vụ khách. Đặc biệt, món nêm nếm để có vị chua - theo lẽ thường dùng me, lá giang hoặc cơm mẻ thì chị dùng cái món mộc mạc nhưng hết sức độc đáo: trái bần.
Trái bần chín bỏ vô nồi nước sôi cho chín rồi vớt ra dầm lấy nước chua, gạn bỏ bã. Nước chua từ bần dùng để nêm sau khi cá chín. Nồi lẩu dọn ra bàn, đặt dưới tán bần mát rượi. Trong nồi là đầu cá ngát bự, xung quanh là nước mắm cá linh nguyên chất dầm ớt đỏ tươi. Cá chín vớt ra để vô dĩa nước mắm, rau thả vô lẩu nước đang sôi rồi vớt ra liền. Tất cả nóng hổi, bốc khói. Mọi người chan nước lẩu vô chén cơm húp ào ào, gắp miếng cá chấm nước mắm đưa lên miệng, sau khi làm một ngụm rượu đế đặc sản Xuân Thạnh cay nồng...
Lúc ra về, ai cũng đem theo một vài keo bột bần do chị Tư Cúc chế biến sẵn, phơi khô, tán nhuyễn, có dán nhãn hiệu “lẩu canh chua bần” hẳn hoi. “Để nấu lúc nào cũng được, dù đang ở Sài Gòn hay Hà Nội, thậm chí ở Mỹ, Đức, Singapore để đừng quên hương vị quê nhà” - chị Tư Cúc bộc bạch như vậy.
Nguồn : Tuổi trẻ