Mai này không biết có còn thấy được những người đàn bà thong thả nhai trầu. Song chút hương xưa, chút duyên thầm của nét văn hóa này vẫn như một mạch ngầm lan tỏa trong dòng máu của người Việt Nam không dễ gì mai một.
Với người Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục mà còn là một nét đẹp của giá trị văn hóa, của triết lý và giao tiếp Việt Nam truyền thống...
Triết lý âm dương
Tương truyền, phong tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một câu chuyện cổ tích nổi tiếng: Chuyện Trầu Cau.
GS. Trần Ngọc Thêm từng nói, tục ăn trầu cau tiềm ẩn một triết lý về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau: Cây cau vươn cao là biểu tượng của trời (dương) , vôi biểu tượng của đất (âm), dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cau, biểu tượng cho vai trò trung gian hoà hợp. Trầu cau nhai làm một, miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của rễ... tất cả tạo nên một chất kích thích, làm cho thơm mồm, đỏ môi và khuôn mặt người ăn bừng bừng như say rượu.
Ăn trầu có nhai mà không nuốt, nó không thuộc loại ăn, không thuộc loại uống, cũng không thuộc loại hút, nó thể hiện một sự linh hoạt hiếm thấy trong ẩm thực và đặc biệt hơn, trầu cau đã trở thành một biểu tượng văn hóa, chuyển tải nhiều thông điệp của đời sống tâm linh.
Miếng trầu còn tàng ẩn tình nghĩa anh em ở sự tích trầu - cau - vôi: Sống mà chia rẽ anh em là chết. Sự hối hận đền bù cho cái chết, bằng cái chết... Chết rồi nhưng vì biết hối hận nên lại sống lại, hóa thân nơi trầu - cau - vôi, hòa hợp nơi miếng trầu. “Một triết lý nhân sinh huyền nhiệm, tuyệt vời, không cần rao giảng rườm lời như triết lý Tây, không cần "thiên kinh địa nghĩa" như triết lý Tàu. Triết lý Việt Nam thường là "triết lý vô ngôn" mà hay, mà mầu nhiệm, mà đầy tính "hiệu quả"!”, cố GS Trần Quốc Vượng từng nhận định như vậy.
Trong văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, hòa hợp âm-dương là một hướng tới của sự phát triển bền vững. Vì lẽ đó, như một yêu cầu của phong thủy, ở không gian hoàn thiện của một ngôi nhà tại các làng quê Việt Nam, phía trước sân nhà bao giờ cũng là hàng cau và giàn trầu (trước cau, sau chuối). Trầu cau đứng đó mang bao ý nghĩa tâm linh, minh chứng cho một gia đình viên mãn và vững bền.
Cái duyên và giá trị văn hóa
Khi người Việt chưa biết làm duyên bằng son phấn, thì cái duyên trầu cau đã làm đẹp cho bao cô gái, bao thiếu phụ và cả những bà già mắt đã mờ, chân chậm ngồi trầm ngâm lơ đãng nhìn trời mưa, tay cầm chiếc cối đồng nhỏ xíu, chầm chậm nghiền miếng trầu cho nhuyễn, nghe tháng năm râm ran chạy từ chót lưỡi lên đôi má. Rồi phút chốc, mắt họ long lanh, môi họ thắm đỏ và một mầu hồng nâu say say ửng trên đôi má. Ấy là khi trầu đã bén duyên cau! Và vôi, và vỏ, và chút thuốc lào gợn dưới vành môi nhẹ cong lên một chút, như mọng hơn, như hờn dỗi, để làm lung linh thêm cái duyên nghĩa trầu cau.
Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. “Miếng trầu là đầu câu chuyện” và với các nam thanh nữ tú xưa thì nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát mời trầu, để vào với hội làng. hội nước. Bên cạnh những "vôi nồng", "miếng trầu cánh phượng", "cau bổ bốn bổ ba", là những "trầu giải yếm giải khăn", "trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình" là những "trầu tính trầu tình", "trầu nhân, trầu ngãi"... để rồi thành "trầu mình lấy ta", "trầu nên vợ nên chồng".
Ngoài việc phục vụ tục ăn trầu của người Việt, trầu cau còn là lễ vật không thể thiếu trong các lễ lạc, giỗ, chạp. Dân gian có câu "Sửa cơi trầu, đĩa hoa dâng cụ" để tưởng nhớ tổ tiên, để ghi nhớ công ơn nuôi nấng sinh thành của bậc tiền nhân.
Bất kỳ giỗ, chạp lớn hay nhỏ cũng phải có đĩa trầu cau đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên, ông bà. Trong ngày Tết luôn luôn có đĩa trầu cau trên các bàn thờ để cầu tài lộc cho năm mới. Ngoài ra trầu cau còn để tiếp khách đến chúc Xuân đầu năm. Ở nhiều địa phương vào sáng Mồng Một Tết có bà già gánh trầu cau đi bán, khi nghe tiếng rao “Ai mua lộc đầu năm đây!” thì nhà nhà đều nhanh chân chạy ra chọn mua, không trả giá mà tùy lòng hảo tâm của mỗi người.
Trong phong tục cưới hỏi, trầu cau càng quan trọng hơn. Có hẳn một lễ riêng gọi là “Lễ hỏi/bỏ trầu cau”. Lễ này từ nhà trai mang đến nhà gái, gồm có tiền, vàng, bánh trái,... và không thể thiếu trầu cau. Lễ này ghi nhận sự thoả thuận thống nhất giữa 2 nhà trai- gái kết tình thông gia. Ở lễ cưới, quả (mâm) trầu cau phải được phủ khăn đỏ thể hiện sự may mắn và luôn đặt ở vị trí đầu tiên trong các vật phẩm làm lễ (bánh trái, trà, rượu, tiền vàng,...).
Miếng trầu đơn giản thế thôi: Trầu, cau, vôi, nếu có thể thêm tí vỏ, viên thuốc lào (với người ăn "trầu thuốc") ấy thế mà chở nặng tình, nghĩa khiến người thời nay vẫn âm thầm nhớ, da diết nhớ cái duyên trầu cau, dẫu đa số chẳng còn ăn trầu.
Theo bà Nguyễn Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, văn hóa trầu cau là đề tài nghiên cứu ở nhiều bảo tàng. Thói quen ăn trầu hiện chỉ còn tồn tại ở thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở nông thôn. Dẫu có mai một, không xuất hiện thường xuyên nhưng tục ăn trầu vẫn được tiếp nối trong việc hiếu, việc hỉ khởi đầu cho bao mối lương duyên.
Nguồn : quehuongonline