Sau những tháng mùa mưa kéo dài, mặt trời bắt đầu ló ánh rạng mỗi ngày trên đỉnh Hàm Rồng theo vòng tuần hoàn tự nhiên để tiếp sinh khí cho đất trời Gia Lai bung nở từng vạt đồi hoa cỏ dại giữa nắng gió đại ngàn.
Dã quì trên đỉnh Chư Đang Ya
Đã trở thành biểu tượng chung của Tây Nguyên, hoa dã quì là loài cây dại có mặt ở khắp mọi nơi trên cao nguyên Pleiku. Đặc biệt, người ta biết nhiều đến miệng núi lửa Chư Đang Ya (xã Chư Đang Ya, Chư Păh) vì nơi đây dã quì mọc thành những vạt hoa vàng đến mút tầm mắt. Đất đai quanh miệng núi lửa khá màu mỡ nên được người dân bản địa dùng để canh tác nhiều loại cây lương thực xanh tốt quanh năm.
Địa điểm này nằm cách trung tâm thành phố Pleiku 30km, dù nằm cách khá xa thành phố nhưng đường đi đến đây khá thuận tiện. Trên đường đi du khách có thể tiện ghé thăm những thắng cảnh du lịch khác như khu di tích Biển Hồ, đường thông “trăm tuổi”, đồi chè Nghĩa Hưng, đập Tân Sơn…. Trong tháng 11.2017, Chư Đang Ya lần đầu tiên được biết tới rộng rãi với việc tổ chức “ Lễ Hội Hoa Dã Quỳ - Núi Lửa Chư Đăng Ya”. Trong lễ hội, du khách ngoài việc leo núi nhìn ngắm hoa dã quì khoe sắc vàng dưới nắng còn có thể tham gia các hoạt động văn hóa ẩm thực và trình diễn cồng chiêng của người Jơ rai sinh sống ở khu vực quanh chân núi.
Trăm loại hoa cỏ trên miệng núi lửa Chư Dang Ya. Video: Hòa Carol
Hoa muồng Bàu Cạn
Từ trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai), ta mất gần 20 phút đi xe máy để đến được đồi chè tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông. Trong những năm 20 của thế kỉ trước, người Pháp đã đặt chân đến đây, nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp mà họ đã lập nên đồn điền Bàu Cạn với những vườn chè đầu tiên. Đến nay, muồng đen vẫn được giữ lại trồng trong các lô cà phê, giữa đồi chè để lấy bóng mát hay làm cây trụ phục vụ trồng hồ tiêu.
Người dân ở nơi đây thường gọi cây muồng đen với cái tên quen thuộc: cây a-xia. Hoa a-xia nở rộ vào khoảng cuối tháng 9, khi tiết trời Gia Lai bước vào những ngày dễ chịu nhất trong năm, những cơn mưa thưa dần, nắng vàng nhẹ nhàng nhuộm óng những vạt chè. Từ xa, những tán hoa muồng đen bồng bềnh tựa như đang trôi nhẹ giữa một màu xanh của trời thu, của đồi chè Bàu Cạn bạt ngàn. Và cũng chính nhờ vẻ đẹp “hữu xạ tự nhiên hương” này, mà người dân nơi đây đã quá quen mới một màu vàng giản dị, hòa vào vẻ đẹp hài hòa của cây cỏ.
Thung lũng cỏ hồng Đăk Đoa
Vào đầu tháng 11, có một loại cỏ dại mọc giữa các rừng thông bắt đầu chuyển sang sắc hồng hồng, tím tím bao phủ cả một vùng đất banzan dài vô tận. Dựa vào màu sắc mà người ta thường gọi nó bằng cái tên: cỏ hồng.
Tại Gia Lai, đồi cỏ hồng thường mọc ở một số nơi như: Núi đá (TP.Pleiku), dọc hai bên rừng thông trên QL19 theo hướng đi Cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ)…Đặc biệt khu vực đồi cỏ hồng đẹp nhất là ở những cánh rừng thông thuộc xã Glar (huyện Đăk Đoa).
Cỏ hồng là loài thân thảo, hoa nở nhanh và chóng tàn. Sáng sớm là thời điểm ngắm cỏ hồng đẹp nhất khi nắng bắt đầu xuyên những ánh vàng qua tán thông, màu hồng của cỏ hoa vào màu của sương sớm làm cho không gian trở nên tĩnh lặng, mơ hồ như ta đang lạc vào một giấc mơ.
Bãi cỏ đuôi chồn xã Gào
Từng xuất hiện khá nhiều trong những bộ ảnh cưới chụp tại Gia Lai, bãi cỏ đuôi chồn xã Gào cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 15 phút đi xe máy. Thời điểm loài cỏ đuôi chồn nở hoa trùng với khoảng tiết trời vào đông, có gió hanh. Khi hoa tàn, màu thân lá chuyển sắc vàng úa, thân ngả rạp bao phủ khoảng đồi trọc rộng lớn.
Trong những năm gần đây, đồi cỏ xã Gào không còn để đất hoang mà đã được người dân sử dụng để canh tác chanh dây. Một vùng đồi rộng lớn ngập sắc vàng của cỏ đuôi chồn nay chỉ còn xuất hiện trong những tấm ảnh, để lại sự tiếc nuối cho rất nhiều người biết đến mà chưa có cơ hội đặt chân đến đây.
Diệp anh đào bên hồ Tơ Nưng
Tháng hai trên cao nguyên Pleiku, trời chuyển mù, trầm buồn trước khi đón ánh nắng đầu tiên của mùa xuân. Hoa diệp anh đào mọc dại quanh hồ Tơ Nưng kết thành những chùm trắng hồng thanh khiết, vươn nhành thẳng lên trời.
Hoa được dân gian cho “gia nhập” vào họ mai, đào là bởi có nhiều điểm khá tương đồng: là loài thân gỗ, hoa có màu hồng nhạt và trắng, lại nở trúng vào mùa xuân sau khi trút bỏ hết những lớp lá đã trọn một năm khó nhọc đón nắng cho cây. Nhìn xa, loài hoa này khá giống với hoa anh đào của Nhật Bản.
Vào những ngày trước tết, ghé thăm Biển Hồ du khách có thể chiêm ngưỡng sắc diệp anh đào trên con đường xuống Nhà máy nước Pleiku.