Mùa xuân miền Bắc, đặc biệt là mùa xuân Hà Nội luôn là đề tài hấp dẫn với các nhiếp ảnh gia. Dù mỗi người sẽ có cách thể hiện khác nhau, nhưng đều phác họa lên một Hà Nội cổ kính với những nét trầm tích qua hình ảnh phố xưa, nhà cũ…
Trong quan niệm của người Việt, mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, mùa báo hiệu cho sự sống và sự sinh sôi nảy nở. Dấu hiệu để nhận biết xuân về là khi tiết trời se lạnh bỗng lất phất mưa bay, khi hoa đào bắt đầu nở và những chậu cây cảnh, quất cảnh được bày bán khắp các con phố.
Mùa xuân đẹp là vậy, nhưng ai đã từng có khoảng thời gian đón xuân, đón Tết ở miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng mới cảm nhận được hết sự thiêng liêng của những ngày xuân. Xuân về, các con phố Nghi Tàm, Nhật Tân lại rợp trong sắc hồng của những cành hoa đào. Những khu chợ hoa nổi tiếng của Hà Nội như chợ hoa Quảng Bá hay chợ hoa Hàng Lược (phiên chợ cổ nhất Hà Nội, chỉ họp một lần trong năm, bắt đầu từ 23 tháng Chạp đến hết ngày 30 Tết) cũng trở nên đông đúc và tấp nập hơn bao giờ hết.
Với mong muốn phác họa lại không khí đầm ấm và thiêng liêng mỗi dịp Tết đến – xuân về, NAG Cao Anh Tuấn đã ghi lại bộ ảnh thiếu nữ du xuân phố cổ như một cách thể hiện tình yêu với mảnh đất kinh kì. Hình ảnh cô gái cầm trên tay cành đào tết, khuôn mặt rạng rỡ trong trang phục áo dài đỏ dễ khiến người ta liên tưởng đến mùa xuân Hà Nội những năm 90. Hà Nội khi đó vừa có chút thâm trầm cổ kính lại vừa duyên dáng, đáng yêu, khác hẳn với nhịp sống ồn ào hiện tại.
Chia sẻ về bộ ảnh này, tác giả Cao Anh Tuấn cho biết: “Xuân Hà Nội không chỉ là cảnh mà còn là người. Việc kết hợp giữa hình ảnh người con gái hiện đại với nét trầm mặc cổ kính của Hà Nội vào xuân nhằm mục đích nhắc nhở giới trẻ biết yêu và gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống, đặc biệt là vào dịp Tết. Một chút tinh tế, sâu lắng, bình yên là những gì tôi muốn mọi người cảm nhận về mùa xuân Hà Nội”.
TimeoutVN