Cùng với Thổ Hà và Bát Tràng, xã Phù Lãng ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, là một trong 3 trung tâm gốm cổ đã tồn tại và phát triển ở phía Bắc Việt Nam.
Theo sử sách thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú - người vào cuối thời Lý được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc đã học được nghề này rồi truyền dạy cho dân ở 3 làng trung thôn, thượng thôn và hạ thôn trong xã. Kết quả khảo sát bãi gốm cổ ở đầu làng An Trạch vào tháng 12 năm 1996 đã phát hiện có những mảnh gốm cổ vào thế kỷ thứ XIII, chứng minh rằng dòng gốm Phù Lãng phát sinh từ thời Trần là có cơ sở.
Gốm Phù Lãng có những sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu...mà người ta quen gọi chung là men da lươn. Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng với những hình khối đa dạng, phong phú . Tuy nhiên, có thể qui vào hai phương pháp cơ bản là tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại.
Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng kĩ thuật đắp nổi theo hình thức chạm bong hay còn gọi là chạm kép, mang màu men tự nhiên, bền, đẹp, lạ mắt. Dáng gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa và mang đậm nét của điêu khắc tạo hình.
Sản phẩm chính của gốm Phù Lãng xưa tập trung vào 3 loại hình là gốm dùng trong tín ngưỡng dân gian (lư hương, đài thờ, đỉnh), gốm gia dụng (lọ, bình, ang, bình vôi, ống điếu), gốm trang trí (bình, ấm hình thú như voi, ngựa).
Thời kỳ hiện đại, cùng với sự thay đổi lớn về sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống xã hội, gốm Phù Lãng rơi vào tình trạng khó khăn, dần dần mai một. Vào những năm đầu thế kỉ 21, Phù Lãng chỉ còn năm bảy gia đình còn cố giữ lấy nghề. Hàng nghìn thợ thủ công đã phải bỏ làng, tìm nghề khác kiếm sống hoặc lang bạt đi khắp các địa phương trong Nam ngoài Bắc buôn bán, chạy chợ, làm thuê, ít người có được niềm tin một ngày nào đó làng nghề hồi sinh trở lại. Đảng ủy, chính quyền tuy đã dồn sức, tìm kiếm giải pháp khôi phục sản xuất, đầu tư tiền vốn, kĩ thuật...nhưng nghề gốm này vẫn cứ ngày một lụi tàn.
May mắn cho dòng gốm cổ này, vào những năm 2003-2004, một số thanh niên trong làng tốt nghiệp ở trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã quyết chí làm sống lại nghề cha ông để lại. Họ trăn trở, suy tư, tìm hướng chuyển đổi sản xuất sao cho phù hợp. Xu hướng làm gốm nghệ thuật ra đời đánh dấu một bước tiến mới và từ đây một sự phát triển bắt đầu.
Những nghệ nhân như Vũ Hữu Nhung, Trần Mạnh Thiều gắn liền với những cái tên gốm Nhung, gốm Thiều đã như thổi hồn vào đất, sáng tạo ra những sản phẩm mới kế thừa tính chất tinh hoa của gốm cổ truyền. Bằng nghệ thuật tạo hình khối, hoa văn...hàng loạt sản phẩm như tranh gốm, lọ hoa, bình hoa các loại, ấm chén, gốm trang trí, gốm ốp tường nhà, lư hương, hòn non bộ...có chất lượng, mẫu mã đẹp đã được đông đảo du khách, các doanh nhân, các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm, đón nhận, đánh giá rất cao.
Không ít lô hàng, sản phẩm đơn lẻ đã được khách trong nước đặt mua hoặc sản xuất nhiều đưa ra xuất khẩu, đem lại nguồn lợi hàng năm nhiều tỷ đồng. Hàng chục cơ sở đã liên tục hoạt động, thu hút hàng trăm lao động vào quá trình sản xuất kinh doanh. Nhiều hộ dân trước đây từng gặp khó khăn bây giờ lại ăn nên làm ra, kinh tế gia đình khá lên rõ rệt.
Sản phẩm của làng với nguồn nguyên liệu đất sét có màu vàng nhạt qua nhiều công đoạn chế biến, tạo dáng, tạo hình đã trở thành sản phẩm độc đáo tân tiến nhưng vẫn mang đầy đủ tính chất đặc trưng của dòng gốm cổ có niên đại cách ngày nay hàng nghìn năm.
Gốm Phù Lãng đang hồi sinh. Cả ngôi làng lại nhộn nhịp làm gốm, đón đưa kẻ đi, người đến mua bán rộn rã, hứa hẹn một triển vọng phồn thịnh như thời xa xưa.
Nguồn : TTXVN