Nằm chênh vênh ở độ cao 1.068m với nhiều di tích tâm linh, thắng cảnh, quần thể di tích núi Yên Tử được ví như vùng “đất thiêng” lưu luyến biết bao lữ khách phương xa tìm về.
Hành trình viếng thăm “Mảnh đất tổ của Phật giáo Việt Nam” - Yên Tử đi qua tuy nhiều cung đường dốc đá cheo leo nhưng lại được "bù đắp" bằng những vãn cảnh mộng mị làm nao lòng du khách.
1. Làng Nương – Mở đường lên non thiêng
Cung đường hành hương lên non thiêng Yên Tử nên bắt đầu từ việc ghé thăm Làng Nương nằm ngay dưới chân núi. Tương truyền rằng, ngày trước khi vua Trần Nhân Tông quyết đến Yên Tử tu hành, rất nhiều phi tần, mỹ nữ đã đi theo để can ngăn ông nhưng bất thành. Để tỏ lòng trung nghĩa với vua, họ đã trầm mình dưới một con suối nhỏ, chính là Suối Giải Oan ngày nay. Một số cung phi khác vẫn một lòng trụ lại dưới chân núi để sinh sống, hình thành lên những ngôi làng được gọi với nhiều cái tên như làng Nương, làng Mụ.
Ngày nay "Làng Nương" được tái hiện với khoảng 50 nóc nhà, bao bọc bởi 2 dãy phố mang phong cách xóm làng thời nhà Trần. Các ngôi nhà được xây dựng dựng chủ yếu bằng gạch đất nung, kết hợp với hệ thống cổng, cửa bằng gỗ lim. Điểm nhấn của “làng Nương” là ngôi đình nằm ở trung tâm cao 2 tầng, là nơi tổ chức hát chèo, hát xẩm, quan họ phục vụ du khách…
2. Suối Giải Oan – Thanh lọc bụi trần
Rời khỏi Làng Nương, một khung trời mới xanh mát của dòng Suối Giải Oan lại được mở ra trước mắt du khách. Ai ai qua đây cũng dừng chân đứng lại, một cảm giác hư hư thực thực vây quanh khiến người ta muốn rũ bỏ bụi trần mà lưu lại mãi nơi tiên cảnh. Cách con suối chừng 100m, chùa Giải Oan cũng là một địa điểm mà khách hành hương nhất định phải đến viếng, đốt vài nén nhang trầm mặc niệm người xưa, đồng thời kiếm tìm thêm chút an yên, thanh tịnh cho tâm hồn.
3. Chùa Đồng – Ba hồi chuông thiêng
Chùa Đồng là nơi dừng chân cao nhất của du khách. Được mệnh danh là ngôi chùa làm bằng đồng cao nhất Châu Á, lối kiến trúc có kết cấu bằng đồng và nhiều tượng Phật, chuông đồng…khiến hàng triệu người ngưỡng mộ, sùng bái.
Chùa Đồng tọa lạc trên triền dốc nghiêng phía Đông, hướng về phía Tây Nam. Địa thế bao quanh chùa có dáng vóc của một đài sen khổng lồ với mỗi phiến đá được tạc như một cánh sen nở rộ quanh năm.
Mây – Mưa - Gió chính là nguồn sinh khí vô biên giúp cho cây cối xanh tươi, đời sống ấm no, nhà nhà an lạc. Và đỉnh núi thiêng Yên Tử – nơi có ngôi chùa Đồng ngự trị chính là mảnh đất mà nguồn sinh khí đó hội tụ. Chùa có chuông mây, chuông gió, chuông mưa. Mỗi lần thỉnh chuông là mây, mưa, gió kéo về rất linh nghiệm. Hành trình từ chân núi lên đỉnh non thiêng Yên Tử là một chặng đường tuy có nhiều thử thách sự kiên nhẫn và lòng thành tâm, nhưng sẽ là những hoài niệm đáng nhớ của du khách vãn cảnh mong muốn được thỉnh ba hồi chuông giữa chót vót mây vờn, sương cuộn, tìm về bản ngã của nhân sinh.