Thành phố Hạ Long nằm trong tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có quan hệ mật thiết về các hoạt động kinh tế, khoa học và văn hoá xã hội với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh đồng bằng sông Hồng và ven biển; có mối quan hệ về kinh tế với thị trường quốc tế và khu vực rộng lớn, thông qua khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái tạo nên mối liên quan giao lưu, gần gũi giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Hạ Long cũng có khả năng thiết lập mối quan hệ hàng hải và hàng không với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và thế giới.
Vịnh Hạ Long là một kỳ quan thiên nhiên có một không hai của thế giới, là thắng cảnh số một của Việt Nam đã hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đó là sự khẳng định giá trị ngoại hạng và toàn cầu, vì lợi ích của toàn nhân loại. Vịnh Hạ Long có diện tích 1553 km2, gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 889 hòn đảo đã được đặt tên; có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 đến 280 triệu năm. Vùng vịnh được bảo vệ tuyệt đối gồm 434 km2 với 775 hòn đảo, trong đó có nhiều đảo đẹp như đảo Ti Tốp, đảo Tuần Châu, có những hòn cù lao bằng đá vôi đẹp nổi tiếng như hòn Lư Hương, hòn Đầu Người, hòn Lã Vọng, hũn Đũa. Riêng hòn Gà Trọi (còn gọi là hòn Trống Mái) là kiệt tác trong những kiệt tác lỗi lạc nhất của tạo hóa. Những hang động huyền ảo lung linh đẹp vào loại nhất là hang Đầu Gỗ, hang Trinh Nữ hay Sửng Sốt, hang Bồ Nâu, là động Thiên Cung, động Tam Cung, động Mê Cung... Cả một quần thể những di tích tuyệt mỹ ấy lại tập trung nằm trong phần vịnh Hạ Long thuộc thành phố Hạ Long.
Với hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của Thành phố đó được Chính phủ và tỉnh Quảng Ninh đầu tư nâng cấp về cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Hạ Long từ nhiều hướng. Thành phố có nhiều khu du lịch, khách sạn, nhà hàng hiện đại được đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao như khu du lịch quốc tế Tuần Châu, Hoàng Gia, các khách sạn như Sài Gòn - Hạ Long, Novotel, Hạ Long Dream, Bưu điện, Hạ Long Pearl, Hạ Long Plaza, Vân Hải, Bặch Đằng... cùng với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao, tàu du lịch có khả năng đón hàng vạn khách mỗi ngày. Lượng khách du lịch tăng dần, bình quân mỗi năm tăng 24,5%. Năm 2010, số khácch du lịch đến Thành phố ước tính 3 triệu lượt, bằng 1,7 lần so với năm 2005, trong đó có trên 1,7 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 1,8 tỷ. Các chợ và khu thương mại được nâng cấp và xây dựng mới, phục vụ một phần nhu cầu mua sắm thiết yếu của khách du lịch.
Cùng với việc nâng cấp đường bộ, các bến xe, các bến tàu, tạo thuận lợi cho khách du lịch đến Thành phố bằng cả đường bộ và đường biển, Thành phố đã mở rộng không gian du lịch đưa khách đến tất cả các điểm du lịch trên vịnh Hạ Long và các khu vực khác thuộc địa bàn Thành phố. Thành phố cũng mở rộng không gian về các hướng, như hướng Đông Nam ra vịnh Hạ Long, bổ sung các điểm du lịch Đầu Bê, Hang Trai, Cống Đỏ; hướng Đông Bắc kết nối với khu du lịch Bái Tử Long và Vân Đồn, hướng Tây Nam bổ sung khu vực hồ Yên Lập... Các công ty lữ hành của Thành phố cũng liên tục tổ chức các chuyến đi ngắn ngày, dài ngày cho khách du lịch ở thành phố Hạ Long và các huyện thị lân cận tới hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng ở các nước trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á. Những thành tựu đó đã góp phần làm cho ngành du lịch phát triển, phục vụ được nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế, biến du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững.
Nhận thức rõ lợi thế của du lịch, trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hạ Long trình Đại hội Đại biểu lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã chỉ rõ cần tăng cường quảng bá Vịnh Hạ Long trên trường quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển, thúc đẩy thu hút đầu tư theo quy hoạch phát triển thành phố.
Nguồn : Vccinews