Tại vùng đất Hà Nội, nếu lấy địa điểm ở điện Kính Thiên ngay sát cột cờ làm trung tâm, để từ đó nhìn ra tám phương, theo góc nhìn của thuật phong thủy, ta nhận thấy tám phương của Hà Nội hội tụ được đầy đủ các yếu tố tự nhiên của Bát quái Hậu thiên.
Bát quái Hậu thiên là loại bát quái có tám quái tương ứng với tám phương vị ở trên mặt đất, mỗi quái tương ứng với mỗi phương có một đặc điểm nhất định phù hợp với tính chất của phương đó. Nếu con người hay vạn vật sống ở trong phương đó sẽ chịu ảnh hưởng bởi những đặc điểm của quái (cũng giống như môi trường) của phương đó. Ví dụ như phương có quái Càn được gọi là "Chiến hồ Càn" tức là nói ở phương Tây Bắc thường thiên về các ngành thuộc về võ thuật hay các ngành quân sự.
Rồng đá ở Điện Kính Thiên |
Từ xa xưa Bát quái Hậu thiên đã được ứng dụng vào mọi người, mọi việc ở trên mặt đất, đặc biệt là việc ứng dụng xây dựng nhà cửa để ở, xây dựng các công trình chung cho một làng hay một xã như đình chùa, đền miếu, xây dựng các làng nghề, các cơ quan hành chính quản lý như cơ quan hành chính của một xã, cơ quan hành chính của một huyện, của một tỉnh, hay cơ quan hành chính (tức Kinh đô) của một nước.
Những vùng đất tự nhiên theo tám phương ở Hà Nội có sự trùng hợp đến kỳ diệu với Bát quái Hậu thiên, khiến cho người ta cảm nhận hình như ở mỗi phương đã có bàn tay sắp đặt của tạo hóa vậy.
Để thấy được ý nghĩa cụ thể của tiêu chí nêu trên, xin bắt đầu xuất phát từ gần trung tâm cột cờ, nơi có điện Kính Thiên nhìn ra hướng Nam, nên Tử cấm thành của Hà Nội xưa đã lấy hai phương Bắc-Nam làm trục chính.
Tử cấm thành của Hà Nội nhìn về phương Nam, nơi có Nội minh đường là hồ Bảy Mẫu, bên trái gọi là Thanh Long có hồ Hoàn Kiếm, bên phải gọi là Bạch Hổ có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hai bên Long Hổ cân đối theo đúng thuật phong thủy, tức là tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Phía sau Tử cấm thành là hồ Trúc Bạch và hồ Tây được gọi là Huyền vũ, phía trước có hồ Bảy Mẫu là Minh đường, theo đúng cơ chế của thuật phong thủy.
Các phương của Hà Nội xưa cũng có những điểm trùng khớp với những đặc điểm của Bát quái Hậu thiên, bởi những đặc điểm của từng phương rất phù hợp với đặc điểm của từng quái, cụ thể: Phương Bắc sau Tử cấm thành tương ứng với quái Khảm được Bát quái Hậu thiên gọi là "Lao hồ Khảm," là phương sẽ tạo ra những suy nghĩ sâu xa nên có thể định ra những đường lối chiến lược và luôn có những suy nghĩ về tương lai đến mức lao khổ và không biết mệt mỏi.
Phương Bắc sau Tử cấm thành xưa là hồ Trúc Bạch và hồ Tây, nên có thể xem đây chính là bộ não của Tử cấm thành, vì từ đây sẽ định ra được các đường lối chiến lược cũng như các sách lược lâu dài để chống giặc ngoại xâm và kiến thiết đất nước.
Phương Nam tương ứng với quái Ly, tức là lửa, tượng cho sự nóng vội, sự bồng bột thất thường. Phương Nam của Tử cấm thành là hồ Bảy Mẫu, hồ Yên Sở và một loạt các hồ kéo dài trên cánh đồng bằng Bắc bộ thuộc hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Sự xuất hiện nhiều hồ ở phương Nam chủ yếu để kiềm chế sự bốc của hỏa, để có cách suy nghĩ chín chắn, cách nhìn thân thiện, đoàn kết được mọi dân tộc từ Bắc chí Nam cùng nhau giữ nước, đó chẳng phải là ứng vào quái Ly với tên gọi "Tương kiến hồ Ly" (tức là gặp gỡ, trao đổi ở Ly) hay sao?
Phương Đông là quái Chấn, tượng cho sự cổ động, sự bắt đầu, sự khởi đầu. Phương Đông của Hà Nội xưa giáp sông Hồng, đây là một con sông bắt nguồn từ cuối dãy núi Hymalaya của Trung Quốc chảy vào Việt Nam theo hướng Tây Bắc-Đông Nam, vào đến Việt Nam dòng sông này lại chảy dọc theo dãy núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam.
Như vậy con sông này đã có được hai vùng thiên nguyên khí của hai dãy núi chuyền xuống, nước sông là môi trường chuyển tải nguyên khí đi đến vùng Hà Nội thì khúc sông này chảy bao vòng làm cho nguyên khí tụ lại ở vùng Hà Nội.
Quái Chấn ở phương Đông được gọi là "Đề xuất hồ Chấn," tức vạn vật bắt đầu từ Chấn, nên nguyên khí tụ lại ở vùng Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho vạn vật phát sinh và phát triển. Chấn còn có tượng là Sấm, là sự cổ động, nên phương Đông của Hà Nội còn có chùa Thạch Cổ (tức trống đá) dùng để cổ vũ tinh thần cho toàn dân tộc.
Phương Tây của Hà Nội tương ứng với quái Đoài trong Bát quái Hậu thiên, quái Đoài ở phương Tây được gọi là "Thuyết ngôn hồ Đoài," ứng với sự ngoại giao mềm mại uyển chuyển (như thiếu nữ) nhưng lại rất cương quyết cứng rắn đầy uy lực (như mãnh hổ).
Phương Tây Bắc tương ứng với quái Càn được gọi là "Chiến hồ Càn," tức là sự giao chiến, sự chiến đấu, cho nên phương này rất hợp với sự huấn luyện về quân sự hay đào tạo các ngành nghề thuộc về quân đội. Chính vì thế mà phương Tây Bắc của Hà Nội xưa mới có Giảng Võ đường chuyên dùng để rèn luyện võ nghệ cho quân sỹ, có làng Hữu Tiệp là nơi nhận các tin tức từ mặt trận báo về.
Phương Đông Nam tương ứng với quái Tốn được gọi là "Tề hồ Tốn" là sự hiện diện, sự quy tụ. Phương này của Hà Nội đã hội tụ được đầy đủ kỹ thuật canh tác của nghề trồng lúa nước trên cánh đồng bằng Bắc Bộ từ Hà Nội kéo dài ra đến Biển Đông.
Phương Tây Nam tương ứng với quái Khôn được gọi là "Chí dịch hồ Khôn" tức là sự cần cù nhẫn nại, sự khắc phục mọi khó khăn, chịu đựng gian khổ. Vì vậy mà các ngành nghề trong nông nghiệp và thủ công nghiệp như nghề rèn, nghề dệt lụa, chế biến lương thực và thực phẩm, đều phát triển mạnh ở các vùng đất thuộc phương Tây Nam của Hà Nội.
Phương Đông Bắc tương ứng với quái Cấn được gọi là "Thành ngôn hồ Cấn" tức là mọi việc đã hoàn thành, cần được nghỉ ngơi dưỡng sức. Vì vậy mà phương Đông Bắc của Hà Nội mới phát triển các nghề thuộc về văn hóa nghệ thuật, như nghề trồng hoa, trồng cây cảnh, nghề vẽ tranh, nghề đúc đồng, đó là đào, quất Nhật Tân, đồng Ngũ Xã, tranh Đông Hồ...
Có thể thấy rằng từ xa xưa cho đến ngày nay, điều kiện phong thủy môi trường vẫn đóng góp một phần quan trọng trong việc phát sinh phát triển và tồn tại cho vạn vật. Từ con người, các ngành nghề đến nền văn hóa, luôn luôn phù hợp với điều kiện sống của tự nhiên, và con người cũng đã biết dựa vào đó để phát triển tư duy sáng tạo của mình.
Trên thực tế xét riêng về mặt phong thủy khu vực Hà Nội, vẫn lấy hai phương Bắc Nam làm trục chính, Hà Nội vẫn là vùng đất tọa Bắc hướng Nam, thì Hà Nội từ xa xưa hay Hà Nội ngày nay vẫn là một vùng đất nằm gọn trong một cái ngai có ba bên là núi, một bên là đồng bằng.
Bên trái Thanh Long là dãy núi Tam Đảo, đối diện với bên phải Bạch Hổ là dãy núi Ba Vì, đằng sau Huyền vũ là dãy núi Nghĩa Lĩnh, phía trước là cánh đồng bằng Bắc Bộ chính là một Minh đường rộng lớn. Cánh tay Thanh Long vươn ra đến tận Hòn Gai, cánh tay Bạch Hổ vươn ra đến tận Thanh Hóa, tạo nên hai cánh tay giang rộng ra để đón nguyên khí tốt từ hai bên dẫn truyền tới Hà Nội.
Có dòng sông Hồng chuyển tải nguyên khí tổng hợp cho Hà Nội, vì dòng sông Hồng trước khi chảy vào Hà Nội còn hội tụ được hai dòng nguyên khí của hai con sông là sông Đà và sông Lô từ bên trái và bên phải hợp lại, các dòng nguyên khí này cùng hội tụ ở vùng trên Hà Nội rồi mới đi vào Hà Nội, làm cho vùng Hà Nội luôn chọn lọc được các dòng nguyên khí mới và tốt, loại trừ được các dòng khí xấu, do đó mà Hà Nội trở thành một vùng đất địa linh có nguyên khí tốt tồn tại đến muôn đời.
Địa giới Hà Nội dù là ngày xưa hay ngày nay vẫn ở trong vòng của ba dãy núi kể trên, thế cho nên quái Khảm của Hà Nội ngày nay là sân bay Nội Bài, nơi đầu mối giao thông quốc tế, là đền thờ và tượng đài Phù Đổng Thiên Vương ở Sóc Sơn.
Quái Chấn có đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mới, có khu công nghiệp với hàng chục nhà máy từ Gia Lâm qua Hải Dương đến Hải Phòng, góp phần cho nền công nghiệp phát triển.
Quái Cấn không chỉ có tranh Đông Hồ mà còn có Quan họ Bắc Ninh từ ngàn xưa để lại. Quái Càn thì có các trường sỹ quan, các trường quân sự ở Sơn Tây, Vĩnh Phúc (Sơn Tây cũng là đất võ từ nghìn xưa).
Quái Đoài, quái Khôn cũng là những vùng đất đang phát triển mạnh các ngành thể thao, văn hóa như khu phát triển hệ thống trường đại học ở Láng-Hòa Lạc, khu thể thao liên hợp Mỹ Đình, các làng nghề ở đây cũng đang được hồi phục trở lại.
(Theo Báo Tin Tức/Vietnam+)