Giữa trưa, tại một nơi mà đám thanh niên vẫn hay gọi là bến tình yêu, bến Hàn Quốc, có mấy thanh niên đến đây không phải vì tình yêu với con người mà vì con… vật. Nói một cách chính xác, họ đến rình le le, sâm cầm.
Câu chuyện của họ xét ra thì không có gì quá lạ, nhưng cũng đủ thấy đang có một chuyển biến trong giới cầm máy ảnh. Thay vì phong trào tìm người đẹp chụp mẫu thì họ tìm đến với cái đẹp của thiên nhiên, hướng tới bảo vệ môi trường.
Đàn le le 100 con hiếm hoi của Hà Nội
Chuyện tìm ra một đàn le le đang sống đầy sinh động tại Hồ Tây của nhóm nhiếp ảnh yêu động vật khá là tình cờ. Chuyện bắt đầu từ anh Cao Mạnh Tuấn, hiện là chủ website Thegioidongvat.org khi anh này muốn có chùm ảnh các loài chim ở Hà Nội. Là một người thường xuyên lang thang ở Hồ Tây, anh biết vẫn sẽ còn sâm cầm đến cư trú ở đây vào mùa xuân.
Le le bắt cá dưới Hồ Tây
“Tôi chắc chắn như vậy bởi năm nào tới mùa sâm cầm tôi cũng thấy có vài con lập lờ mặt nước. Nhưng từ ngày làm kè quanh hồ, bờ bụi ít, lại đông hàng quán, tôi sợ chúng không có chỗ ở nên quyết đi một vòng chụp làm tư liệu. Đúng như điều tôi lo ngại, hoàn toàn không thấy bóng sâm cầm ở Hồ Tây. Thông tin từ những người bán hàng quanh hồ cho biết, chúng chỉ về ngay sau dịp Tết vài ngày rồi bỏ đi mất dạng.
Ngay cả đám le le mọi năm về hàng đàn thì giờ cũng chỉ thấy khoảng vài chục con bơi rải rác tại một cái hõm ăn vào bờ. Thế là chúng tôi chuyển sang chụp sinh hoạt của bầy le le”, anh Tuấn chia sẻ. Đàn le le chỉ có khoảng gần 100 con sống rải rác khắp hồ Tây. Cứ nơi nào sóng yên, nhiều bèo, có hoa súng hoặc bờ bụi là chúng tụ lại bắt cá. Mồi săn của chúng săn chủ yếu là thầu dầu hoặc cá kìm, một loài cá có chiếc mỏ nhọn dài, chĩa thẳng ra phía trước như thanh kiếm. Theo quan sát của nhóm những người yêu động vật thì chúng khá dạn người nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Thông thường chúng tiến vào cách bờ khoảng hơn chục mét và hồn nhiên bơi lội bắt cá mặc cho những đôi tình nhân ngồi tình tứ ngay gần đó.
Và vui đùa giỡn nước
Anh Đinh Tuấn Anh, thành viên của Thegioidongvat.org, hiện là phóng viên báo Du lịch kể: “Chúng rất khôn. Nhiều lúc bị ai đó ném, chúng lặn xuống dưới nước có khi mấy chục giây để lánh nạn. Còn khi có thuyền bơi ngang qua, chúng lại bỏ chạy bằng cách bay đi chỗ khác.Về cơ bản, bắt chúng không dễ trừ khi đàn của chúng quá đông và những kẻ đi săn phải đặt bẫy từ đêm hôm trước”.
Theo tìm hiểu của Tuấn Anh, năm nay le le về không nhiều nên không bị một số người dân ở đây giăng lưới bắt. Còn mọi năm chuyên có vài đối tượng ngoài bắt tôm, cá còn rình bắt le le, mỗi lần có thể lên đến cả trăm con. Họ bắt để ăn thì ít mà để... phục vụ dân nhậu quanh hồ thì nhiều.
Còn anh Trịnh Việt Cường, phóng viên báo An ninh thủ đô, cũng mới tham gia nhóm Thegioidongvat thì chia sẻ phát hiện của mình: “Bao giờ trong đàn cũng có những con rất dữ. Chúng chiếm riêng cho mình một khu vực có nhiều cá và sẵn sàng lao vào đánh bất cứ kẻ nào dám mon men đến gần. Khi đó là khoảnh khắc tuyệt vời cho chúng tôi săn ảnh. Cảnh chúng đạp nước, đi trên nước hoặc há mỏ chạnh chọe nhau rất sống động. Hiện chúng tôi chỉ thiếu đúng cảnh le le bơi cùng đàn con nữa là có đủ bộ ảnh cuộc sống của le le ở Hồ Tây”.
Săn ảnh le le bên Hồ Tây
* Ai cứu le le? Câu hỏi này thực sự khiến nhóm những phóng viên ảnh yêu động vật băn khoăn khi đi khảo sát quanh Hồ Tây. Những ghi nhận của nhóm cho thấy, Hồ Tây đang ô nhiễm nặng nề và gần như không có sự bảo vệ về môi trường cũng như bảo vệ các loài chim đang sinh sống ở đây. Tại khu vực ven hồ phía đường Thụy Khuê, hình ảnh rác rưởi, nước cống đen kịt, dồn đặc khiến ai đi qua cũng phải giật mình. Khó có thể tưởng tượng nổi lá phổi lớn nhất Hà Nội lại ô nhiễm nặng nề đến thế. Lỗi ở đây không chỉ là bởi cống nước thải đổ ra từ nhà dân, từ các du thuyền mà còn bởi chính quyền chưa có biện pháp xử lý.
Trong khi đó, như những người bán hàng quanh Hồ Tây cho biết, tình trạng săn bắt chim, câu cá trộm vẫn diễn ra ngang nhiên. Ngoài lực lượng bảo vệ cá nuôi thì chẳng còn ai xử lý những người đang giết hại những con chim hoang dã ở đây cả. Chị Bích Ngọc, một người bán nước tại “bến Hàn Quốc” khẳng định mình hoàn toàn không biết le le và sâm cầm là giống chim quý của Hồ Tây. “Tôi cứ thấy chúng bơi thì thi thoảng vắng khách đứng ngắm thôi. Nếu có ai bắt được, đem bán thì tôi lại mua đem nướng cho mấy khách uống rượu”. Trong khi đó, website của Tổng cục Môi trường ghi rõ, đây là loài chim quý hiếm đang được bảo vệ trong các vườn chim của Việt Nam.
Theo anh Phạm Ngọc Thành, phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc, trong đợt khảo sát tại Hồ Tây cùng nhóm Thegioidongvat, anh chỉ phát hiện ra 2 con sâm cầm cùng khoảng hơn 20 con le le đang sinh sống tại đây. Theo đó, 2 con sâm cầm duy nhất còn ở đây đang quanh quẩn kiếm ăn tại hồ sen, nơi trước đây từng dự định xây Thủy cung Thăng Long. Dự án này phá sản, bộ cốt bê tông bị bỏ hoang lại thành nơi trú ngụ kín đáo cho đôi sâm cầm này. “Chúng luôn né tránh con người khi phát hiện ra có ai theo dõi chúng. Chúng tôi thường phải chui vào bụi cây, trùm áo hoặc mượn chiếu bán nước để trốn rồi mới có thể chụp được ảnh đôi chim quý còn sót lại này”, anh Thành cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Huy Huỳnh cho rằng, việc thời gian gần đây có một số đàn chim về nhiều hơn nhưng sâm cầm, le le lại ít đi cho thấy tình trạng phá vỡ cân bằng môi trường sống. Le le, sâm cầm vốn là những loài chim hoang dã đặc trưng của Hà Nội. Việc chúng không còn xuất hiện nhiều cho thấy nơi sinh sống của chúng đã bị xâm phạm.
Để bảo vệ đàn le le và sâm cầm của hồ Tây, nên chăng phải xây dựng những nơi trú ngụ ngụ và sinh sản riêng cho chúng, nhất là trong bối cảnh hồ Tây đang bị bao bọc bởi phố xá, xe cộ và người luôn náo động xung quanh bờ...
Nguồn : TT&VH