Các công trình Tháp Rùa, chùa Trấn Quốc hay cầu Nhật Tân tĩnh mịch dưới ánh đèn đêm, trái ngược với khung cảnh đông đúc ban ngày.
Đường Thanh Niên sáng rực khi nhìn từ trên cao, nối giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Bên phải con đường (ảnh) là chùa Trấn Quốc, phía xa là các tòa nhà cao tầng rực rỡ ánh đèn.
Chùa Trấn Quốc soi bóng Hồ Tây lúc gần 19h.
Chùa có lịch sử 1.500 năm, là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và Trần. Công trình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Năm 2003, chùa tổ chức khánh thành Bảo tháp Lục độ đài sen cao 15 m, 11 tầng. Năm 2016, trang Thrillist bình chọn chùa Trấn Quốc là một trong những công trình tôn giáo đẹp nhất thế giới.
Cầu Long Biên sáng rực sắc đèn, soi bóng xuống sông Hồng trong đêm.
Ngày 25/2/1902, cây cầu có chiều dài 1.691 m được khánh thành, không chỉ là cây cầu sắt huyết mạch đầu tiên nối đôi bờ sông Hồng, mà còn là một phần lịch sử không thể tách rời của thủ đô.
Ban đầu cầu có tên là Doumer, theo tên của toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ - Paul Doumer. Tới năm 1924, quy mô cầu được mở rộng như hiện tại. Đầu tháng 4 vừa qua, các hư hỏng trên cầu đã được kiểm tra, sửa chữa, nằm trong kế hoạch bảo dưỡng định kỳ.
Tòa nhà Bát Giác (còn gọi nhà kèn) xây dựng năm 1901 là nơi để đội kèn nhà binh Pháp biểu diễn, thuộc khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, có vị trí sát hồ Gươm, nằm giữa các phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch và Ngô Quyền.
Tháp Rùa, “trái tim” của thủ đô Hà Nội, phản chiếu ánh đèn dưới mặt Hồ Gươm. Hồ được bao quanh bởi ba con phố là Hàng Khay, Lê Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng. Đây là khu vực mà du khách nào đến Hà Nội cũng muốn ghé thăm ít nhất một lần.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được chụp panorama 3 tấm dọc, thấy được kiến trúc nhà thờ, hàng rào, bồn hoa và tượng Đức Mẹ phía nhà thờ. Công trình nằm ngay ngã ba giao giữa phố Nhà Chung, Lý Quốc Sư và phố Nhà Thờ, cách Hồ Gươm chỉ 200 m.
Công trình được xây dựng trong năm 1884 - 1887, mang đậm nét kiến trúc Pháp với bức tường xây cao, có mái vòm và nhiều cửa sổ. Đây là một trong những nhà thờ quan trọng của người Công giáo Hà Nội và nơi được nhiều du khách ghé thăm, chụp ảnh.
Đoạn gầm cầu Chương Dương huyền ảo trong ánh đèn giao thông về đêm qua góc chụp rộng và kỹ thuật phơi sáng.
Cầu Chương Dương gồm hai làn ô tô và một làn xe máy được khánh thành ngày 30/6/1985, bắc qua sông Hồng, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng với giao thông, phát triển kinh tế thủ đô.
Chùa Bằng, còn gọi Linh Tiên Tự có lịch sử trên 400 năm, tọa lạc tại phố Bằng Liệt, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Trong khuôn viên chùa có bảo tháp Báo Ân, công trình kế thừa ý nghĩa của tháp Báo Thiên thời Lý.
Bảo tàng Hà Nội, nằm trong khu vực Trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam, tọa lạc tại đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Tòa nhà hoàn thành năm 2010, có kiến trúc kim tự tháp ngược, trong đó tầng 4 có diện tích lớn nhất và các tầng dưới nhỏ dần. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Quang cảnh tòa nhà Lanmark 72 và các công trình nhà cao tầng huyền ảo trong màn sương đêm.
Nút giao thông hình cánh bướm sáng rực trong đêm, tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa giao với đường Võ Nguyên Giáp thuộc xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.
Với 6 làn xe chạy, đường Võ Nguyên Giáp khởi công từ tháng 8/2012, khánh thành vào đầu năm 2015 cùng với công trình cầu Nhật Tân, nhà ga T2 và nhà khách VIP sân bay Nội Bài. Khi đi từ nội thành qua cầu Nhật Tân, du khách sẽ gặp điểm giao cắt này.
Cầu Nhật Tân nhiều sắc màu trong đêm. Đây là cây cầu dây văng dài nhất bắc qua sông Hồng, nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ. Phần cầu chính dài 3,7 km với thiết kế dây văng liên tục 5 trụ tháp, phần đường dẫn dài 5,1 km, rộng 60 m với 4 làn xe. Cây cầu giúp rút ngắn quãng đường từ trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài.
Huỳnh Phương
Ảnh: Nghiêm Đình Chính