TTO - Một hàng rào treo lủng lẳng hàng nghìn chiếc áo ngực New Zeland khiến bao khách qua đường phải dừng xe bước xuống ngắm nhìn.
Thông thường đồ cũ không còn sử dụng sẽ được chúng ta vứt vào thùng rác. Phần rác thải này được đưa về các nhà máy để xử lý tái chế.
Nhưng người dân New Zealand thì vứt bỏ đồ cũ theo một cách rất đặc biệt. Bất kể đó là thứ cũ đồ gì, áo ngực phụ nữ, dép tông, bàn chải đánh răng, xe đạp, dao cạo râu.... Họ không bỏ vào thùng rác mà treo chúng lên hàng rào.
Có lẽ, nổi tiếng nhất là hàng rào áo ngực Cardrona Bra Fenceở Central Otago.
Ảnh: Kathrin & Stefan Marks/ Flickr
Hàng rào đặc biệt này bắt đầu vào một buổi sáng năm 1999 khi ai đó treo lên đó bốn chiếc áo ngực phụ nữ. Những chiếc áo ngực lủng lẳng bay theo gió trên hàng rào dây xích đã thu hút ánh mắt bao người đi đường, đặc biệt là cánh nam giới.
Nhiều người dừng lại, xuống xe dụi mắt để xác định lại những gì mình vừa trông thấy.
Ảnh: Ian Mackenzie/Flickr
Người ta cho rằng 4 chiếc áo ngực đó là của một nhóm phụ nữ đi dự tiệc mừng năm mới tại khách sạn Cardrona. SDau khi rời quán rượu trong tình trạng say mèm, họ quyết định cởi áo ngực của mình và treo chúng trên hàng rào như một trò vui của mình.
Trong vài tuần sau đó,số lượng áo ngực trên hàng rào tiếp tục tăng lên đều đặn.
Khi tin về hàng rào lan rộng vào năm 2002, nhiều du khách đến thăm hàng rào hơn và họ đều cởi áo ngực treo lên hàng rào.
Từ 4 chiếc áo ban đầu, chỉ trong vài năm số áo ngực đã lên tới hàng nghìn chiếc, đủ màu sắc, kiểu dáng và nhãn hiệu.
Hàng rào trở thành điểm du lịch độc đáo và thu hút khách trên toàn thế giới.
Cùng với sự nổi tiếng và thích thú, hàng rào cũng khiến nhiều người thấy khó chịu. Một số người đến lấy cắp áo ngực và tìm cách đốt, phá hoại hàng rào. Nhưng cứ sau mỗi chiếc áo ngực bị lấy đi, người ta lại thấy có thêm nhiều chiếc áo khác được treo lên.
Trong những năm gần đây, hàng rào được sử dụng để gây quỹ cho Quỹ Ung thư Vú thông qua các khoản đóng góp của khách du lịch tại hộp từ thiện đặt gần hàng rào này.
Ảnh: KiwiPatPhooey/Flickr
Một hàng rào nổi tiếng không kém nằm trên một con đường nông thôn yên tĩnh ở Te Pahu, cách Hamilton khoảng nửa giờ xe chạy.
Hàng rào bên này được trang trí bằng hàng trăm chiếc bàn chải đánh răng màu sắc sống động. Người tạo nên điểm thu hút du khách này là một cư dân địa phương có tên Graeme Cairns.
Ban đầu hàng rào chỉ có vài chiếc mà Graeme dùng, về sau bạn bè và du khách ghé thăm đã treo thêm bàn chải đánh răng của họ.
Khi hàng rào nổi tiếng hơn, các du khách từ khắp nơi trên đất nước và thậm chí ở nước ngoài bắt đầu gửi bàn chải đánh răng đã qua sử dụng về đây.
Bàn chải đánh răng của Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand cũng được treo ở đó.
Kiểu hàng rào gây ấn tượng thứ 3 ở New Zealand được tạo nên từ những chiếc dép tông.
Đây là kiểu dép phổ biến được mọi người trên khắp thế giới sử dụng. Loại dép tông này được người New Zeland gọi là "jandal", hiện vẫn đang có sự tranh chấp bằng sáng chế giữa gia đình Morris Yock và John Cowie.
Theo gia đình Yock, Morris Yock sáng tạo nên kiểu dép này để đi trong nhà để xe của họ vào năm 1957 sau khi lấy cảm hứng từ guốc gỗ Geta ở Nhật Bản. Nhưng gia đình John Cowie thì tuyên bố rằng ông Cowie đã tạo ra tên "jandal" vào cuối những năm 1940.
Người dân New Zealand thì dường như chẳng mấy quan tâm đến việc ai nằm quyền sở hữu sáng chế jandal. Họ chỉ quan tâm đến tính tiện lợi của loại dép này. Và khi dép cũ không sử dụng được nữa, họ đem treo chúng lên khắp các hàng rào quanh nhà, dọc đường đi, góp phần tạo nên những điều lý thú ấn tượng khắp New Zealand.
Ngoài ra, du khách đến New Zealand còn có thể thấy khắp nơi những hàng rào độc đáo khác như hàng rào xe đạp, hàng rào vành bánh ô tô, hàng rào bóng bay, giày cao cổ, mũ, thìa....
Hàng rào của một khách sạn nhỏ được làm bằng vành bánh xe cũ. Ảnh: Benjamin Ho/Flickr
Một hàng rào từ đồ chơi búp bê nhỏ xinh. Ảnh: Lionclub