Bộ lạc Mursi có thể tấn công khách tham quan, vì vậy để vào được làng của họ, bạn phải đi cùng cảnh sát có đem theo súng.
Tôi đã may mắn có dịp ghé thăm miền nam Ethiopia vào tháng 2/2020, nơi được coi là khởi nguồn của loài người hiện đại, cũng là nơi bắt gặp được những bộ lạc nguyên bản nhất. Ethiopia là đất nước còn khá xa lạ với du khách Việt và ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn, bất ngờ.
Phụ nữ bộ lạc Hamer đang ngồi đun cà phê.
Quê hương của cà phê
Tôi hạ cánh xuống Jinka vào buổi trưa đầy nắng. Đây có lẽ là sân bay nhỏ nhất mà tôi từng tới khi nhà ga đơn giản chỉ có dãy cấp bốn lợp mái tôn. Bên ngoài sân chờ lác đác vài người. Degu cũng đã đợi ở đó cùng biển tên tôi, phía sau lưng là chiếc xe tuk tuk màu xanh. Tôi biết cậu bạn này thông qua một website về du lịch mà Degu là người Ethiopia duy nhất cung cấp dịch vụ lưu trú và trải nghiệm tham quan các bộ lạc tại đây. Quả thật, Internet ở Ethiopia vẫn là cái gì đó khá xa xỉ, nên những người có thể quảng bá được du lịch ra nước ngoài như Degu không nhiều.
Trên đường về nhà nghỉ, Degu có giới thiệu sơ qua bản thân, cậu là người Aari, một trong hơn 80 dân tộc của Ethiopia. Degu cũng nói về Jinka, thị trấn gần nhất với thung lũng Omo, nơi tập trung những bộ lạc nguyên sơ nhất không chỉ của Ethiopia mà còn trên toàn thế giới.
Mẹ Degu đang chuẩn bị cà phê cho tôi.
Sau khi sắp xếp hành lý, Degu rủ tôi về thăm nhà cậu ấy, cách trung tâm thị trấn vài cây số. Đây là một ngôi nhà bằng đất nhỏ, khá gọn gàng. Degu có sáu đứa em, đa phần lít nhít nhưng rất mến khách và thích chụp ảnh cùng tôi. Mẹ cậu thì đang lúi húi chuẩn bị pha cà phê để mời tôi. Hạt cà phê được rang và giã bằng tay sau đó đun bằng bình gốm trên bếp than. Thành phẩm sau khi rót ra chén sẽ cho thêm vào lá tena’adam (có nghĩa là sức khoẻ cho Adam). Đây chính là nét đặc trưng trong cách thưởng thức cà phê của người Ethiopia.
Cà phê có lẽ là một trong những thức uống phổ biến nhất toàn cầu, nhưng không nhiều người biết quê hương của nó ở đất nước Ethiopia xa xôi. Theo truyền thuyết, những người chăn dê ở vùng Kaffa (Ethiopia ngày nay) đã phát hiện ra một số con trong đàn ăn một cành cây có hoa màu trắng, quả màu đỏ đã chạy nhảy không biết mệt mỏi cả ngày. Sau đó họ ăn thử và xác nhận công dụng giúp tỉnh táo của loài cây này. Trải qua hơn một nghìn năm du nhập qua Ảrập rồi châu Âu... cà phê đã thịnh hành như ngày nay.
Tới Ethiopia, bạn mới thực sự cảm nhận được rõ hương vị cà phê thấm đẫm trong văn hoá và con người của đất nước này. Loài cây này dường như được trồng ở khắp mọi nơi, ngay cả tại nhà Degu cũng có một vườn cà phê rộng. Những khu chợ địa phương bày bán đủ loại cà phê từ bình dân đến đóng gói đẹp mắt, kể cả lá cà phê cũng được phơi khô làm thức uống.
Degu cũng dẫn tôi đi thăm quanh làng của người Aari, nơi đây có nghề gốm thủ công, chủ yếu làm các loại bình đun cà phê. Họ nung gốm rất đơn giản, không dùng lò mà chỉ vùi trong củi và đốt lửa, tuy vậy thành phẩm khá xinh xắn, hữu dụng.
Buổi tối, khi về lại nhà nghỉ, thị trấn Jinka chìm trong tĩnh lặng. Không có internet, điện nước ở đây cũng chập chờn, hương cà phê vẫn phảng phất đâu đó quanh đây, tôi dễ dàng chìm vào một giấc ngủ ngon lành.
Bộ lạc Mursi hoang dại ở nơi khởi nguồn của loài người
Chính tại thung lũng Omo, các nhà khoa học đã tìm thấy những di chỉ cổ xưa nhất của người hiện đại từ gần 200.000 năm trước. Trước chuyến đi, tôi được cảnh báo về sự hung hăng của bộ lạc Mursi ở đây. Họ có thể tấn công khách tham quan, vì vậy, để vào được làng của người Mursi ngoài Degu làm thông dịch viên, tôi còn phải đi cùng một cảnh sát có đem theo súng phòng vệ. Tuy nhiên, khi tới nơi, mọi thứ không quá nguy hiểm như trong tưởng tượng. Đàn ông trong làng hầu như đã đi chăn gia súc, chủ yếu chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Điểm nổi bật nhất của bộ lạc này chính là tục lệ đeo đĩa môi. Khi một cô gái Mursi trẻ đến tuổi 15 hoặc 16, môi dưới của họ bị xuyên thủng để có thể đeo một chiếc đĩa. Nó càng lớn, giá trị thách cưới của cô gái ấy càng nhiều.
Bé trai Mursi.
Nhà của người Mursi chỉ đơn giản là những túp lều bằng rơm, điều kiện nhìn chung thiếu thốn, lạc hậu, nhưng tôi vẫn thấy họ vui vẻ. Phải chăng lối sống hoang dại như những tổ tiên nguyên thuỷ đã làm cho người Mursi luôn giữ sự lạc quan, trong khi chúng ta nhiều khi đầy đủ về vật chất lại chưa chắc có được tinh thần ấy.
Tạm biệt bộ lạc Mursi, xe của tôi vượt qua dòng sông Mago để về lại Jinka, để lại phía sau những hình ảnh như của loài người hàng nghìn năm về trước vậy. Xa lạ mà cũng thật thân quen!
Ra đường phải đem theo súng
Ngày thứ 3, tôi và Degu đi xe máy khám phá các bộ lạc phía nam. Hành trình gần 100 km, khung cảnh dọc đường có nhiều nét giống với miền núi phía Bắc Việt Nam. Nhưng điều hơi kỳ lạ khiến tôi phải thắc mắc với Degu, đó chính là bắt gặp rất nhiều người đi bộ trên đường cầm súng, kể cả mấy chàng trai chăn gia súc. Hoá ra, nơi đây giáp biên giới với Kenya và Nam Sudan, an ninh bất ổn, thỉnh thoảng có xung đột vũ trang hoặc xuất hiện những toán cướp. Dù vậy, mọi người trông vẫn thong thả làm công việc của mình nên tôi không cảm thấy quá sợ hãi.
Nguyễn Thành Trung, 28 tuổi, làm ở một công ty du lịch. Anh chụp cùng một người trên đường đang cầm súng để tự vệ.
Nơi tôi ghé thăm đầu tiên là một ngôi làng của người Hamer, bộ lạc này được biết đến với hình ảnh phụ nữ có mái tóc màu nâu đặc trưng và đặc biệt là lễ nhảy bò (Ukuli Bula). Những bé trai khi lớn lên sẽ phải trải qua nghi lễ này để đánh dấu sự trưởng thành. Trước nghi lễ, những Maza (người lớn) nhảy múa theo các nghi thức truyền thống và sau đó dùng roi quất lên lưng người phụ nữ có mối quan hệ họ hàng với chàng trai chuẩn bị nhảy bò. Người phụ nữ chịu đòn roi nhận được sự đồng thuận của cộng đồng.
Những vết sẹo "trang trí" để lại trên lưng minh chứng cho lòng trung thành và tận tụy đối với họ hàng. Đây còn là "vết sẹo" dấu ấn, tức sau này người chị gái gặp khó khăn trong cuộc sống thì em trai sẽ nhớ và giúp đỡ lại. Sau đó nam thanh niên khỏa thân phóng nhảy lên lưng bò, thường khoảng 15 con. Nếu chàng trai ngã khi nhảy là một sự xấu hổ, nhưng được phép nhảy lại 4 lần. Nếu vẫn thất bại, anh phải chờ tới lễ nhảy bò vào năm sau hoặc nếu bị khiếm thị, bị tật chân, anh sẽ được người khác giúp đỡ. Sau khi thành công, các Maza cùng người nhảy tham gia một vũ điệu nhảy múa tán tỉnh đặc trưng. Các cô gái có thể chọn đối tác để nhảy cùng bằng cách đá vào chân anh ta. Sau nghi lễ này, chàng trai chính thức được coi là trưởng thành, có thể kết hôn, chăn nuôi gia súc và có con cái.
Tôi cũng ghé thăm một chợ phiên truyền thống chung của người Hamer và hàng xóm của họ là bộ lạc Banna. Hàng tuần, tại đây sẽ họp hai buổi để trao đổi, buôn bán gia súc, cà phê, lương thực và quần áo. Điều ấn tượng của chợ chính là màu sắc đặc trưng của các bộ lạc và không khí đầy náo nhiệt.
Những điều đọng lại
Chuyến đi ngắn tới Ethiopia giúp mở ra trong tôi một kho tri thức mới đồ sộ về con người, giống như chuyến tàu du hành về quá khứ nguyên sơ để càng thấy trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.
Những em bé Banna đi cà kheo rất giỏi tôi gặp trên đường.
Với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng và chiều sâu văn hoá, Ethiopia chắc chắn sẽ là điểm đến tuyệt vời dành cho những người yêu trải nghiệm. Hiện tại Ethiopia đã bắt đầu mở cửa nhiều hơn cho khách du lịch nước ngoài với chính sách e-visa đơn giản. Từ Việt Nam để bay tới thủ đô Addis Ababa, có thể lựa chọn hãng Ethiopian Airlines hoặc Kenya Airways, quá cảnh tại Bangkok. Ngoài ra, mạng lưới đường bay nội địa tại Ethiopia cũng phủ rộng khắp đất nước giúp du khách thuận tiện hơn trong việc khám phá đất nước này.
Bài và ảnh: Thành Trung