QUẢNG BÌNHNhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long chia sẻ, anh thật sự choáng ngợp khi thấy mê cung kỳ vĩ của thạch nhũ, măng đá trong Hang Tiên và Chà Lòi.
Các thành viên trong đoàn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các khối măng đá, thạch nhũ khổng lồ bên trong Hang Tiên, thuộc xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khoảng 70 km về phía tây.
Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, thực hiện vào tháng 6 vừa qua.
Khu vực hồ có làn nước trong xanh, nơi du khách có thể tắm mát và cắm trại qua đêm gần đó trước khi vào Hang Tiên.
Là hang khô lớn nhất của hệ thống hang động Tú Làn, Hang Tiên dài gần 3 km, gồm Hang Tiên 1 và 2 ngăn cách bởi một khu rừng nguyên sinh, đã được khai thác du lịch từ năm 2017.
Đoàn tiếp cận cửa hang sau khi đi bộ, trèo trên những mỏm đá. Quang cảnh lối vào cửa hang rộng khoảng 50 m và cao 100 m, có thể nhận thấy những vân sọc độc đáo trên thành hang.
Khối thạch nhũ khổng lồ trong hang. Tên gọi Hang Tiên bắt nguồn từ truyền thuyết đây là nơi các nàng tiên trên trời xuống dạo chơi và ngắm cảnh. Dân địa phương xem Hang Tiên là chốn linh thiêng, thường chọn làm nơi cử hành nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh như cầu mưa, cầu an.
Vào mùa mưa, lũ, toàn bộ nước từ các con sông đều đổ về tạo nên sông ngầm trong hang. Đến khi nước rút, các hồ tự nhiên hình thành, đồng thời tạo các tầng lớp thạch nhũ lớn giống như bậc thang.
Thảm thực vật trong Hang Tiên đa dạng với các loại dương xỉ, rêu và nấm, tạo nên hệ sinh thái phong phú và khác biệt so với các hang động khác. Thực vật sinh trưởng nhanh chóng và bám lên thạch nhũ đã hình thành lâu đời, tạo nên những măng đá màu xanh.
Con người thật nhỏ bé trong lòng Hang Tiên.
Sau khi chinh phục Hang Tiên, đoàn lên đường khám phá tiếp hang Chà Lòi thuộc xã Ngân Thủy, cách trung tâm TP Đồng Hới khoảng 40 km theo hướng tây nam.
Chà Lòi nằm dưới chân một ngọn núi lớn ở bản Cây Sung. Để đến hang, du khách phải đi bộ khoảng 800 m trên con đường mòn nhỏ len lỏi qua nhà, rẫy của người Vân Kiều. Trong ảnh, đoàn cắm trại qua đêm trên thảo nguyên bên ngoài hang.
Những khối thạch nhũ nhọn buông xuống từ trần hang. Hang Chà Lòi có 3 tầng, chiều rộng thay đổi từ 30 - 100 m, cao trung bình 60 m, nơi cao nhất khoảng 90 m.
“Lần này tôi mới cảm nhận được gió Lào, nhiệt độ ở Đồng Hới lúc nào cũng 36 - 40 độ C, ngày đầu từ điểm xuất phát chúng tôi băng rừng leo lên cửa hang lúc 11h trưa, qua một con suối cạn ngổn ngang đá tảng, trời nóng như nung nhưng vô hang thì ngược lại, nhiệt độ không quá 20 độ C”, anh Long chia sẻ.
Đoàn khách lội sông ngầm khám phá lòng hang. Sông ngầm có nước xanh biếc, mát lạnh, gần các hồ nước nhỏ có một số loài tôm, cá sinh sống.
Hai thành viên đoàn đang nghỉ chân, trò chuyện trong lòng hang. Khi chinh phục hang, mọi người như hóa thân thành những nhà thám hiểm hang động, được trang bị đầy đủ thiết bị từ đèn pin, đèn pha cho tới nón, giày bảo hộ.
Thạch nhũ hang Chà Lòi nhìn từ xa qua ánh sáng chiếu rọi của đèn pin như được dát vàng.
Đường hầm trong hang Chà Lòi có thạch nhũ đa dạng hình thù.
“Sự hấp dẫn của hang Chà Lòi chính là cảm giác hồi hộp khi không gian di chuyển luôn thay đổi. Chúng tôi nhiều khi chỉ biết trượt xuống mãi đến lúc đã mệt nhoài với độ sâu thì lại đột ngột đổi hướng lên cao, rồi leo mãi cho đến khi nhìn thấy ánh sáng cuối đường...”, anh Long kể lại.
Nhiếp ảnh gia cho biết chuyến đi khám phá Hang Tiên, hang Chà Lòi kỳ thú, thành công là có sự trợ giúp nhiệt tình từ các công ty tour. Nhờ đội ngũ hỗ trợ ánh sáng góp phần những bức ảnh trở nên lung linh hơn, bởi những thiết bị chiếu sáng của cá nhân mang theo chỉ là những chú đom đóm trong đêm.
Huỳnh Phương