Buổi trưa nhà hàng Trà Nhiêu đầy khách. Mấy năm rồi, quán bày món dân dã. Mỳ Quảng, bánh tráng đập, món dế đồng, hải sản tươi... dễ hấp dẫn thực khách sau cuộc rong chơi. Nhưng nhìn chung, thực đơn có vẻ còn “nghèo” những đặc sản vùng miền.
Không thấy cả những món quà nhỏ xinh mang bản sắc, đặc trưng của vùng đất, vừa túi tiền để tặng bạn bè, người thân sau chuyến du lịch…, ngoài thiên nhiên sông nước hữu tình. Ông Khương Hưu, Trưởng ban quản lý Khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu cho biết: “Hiện đã có một số tour du lịch đưa khách trong nước và quốc tế đến làng. Cơ hội đã mở, nhưng Trà Nhiêu cần nhiều thứ để làm nên bản sắc và giữ chân du khách. Đó là hạ tầng sẽ được đầu tư giữ nét duyên quê. Du thuyền có thể đưa khách đến các vùng Cẩm Thanh, mộc Kim Bồng - Cẩm Kim (Hội An)... Việc hoàn thiện hệ thống nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi là mục tiêu đã được vạch ra”.
Một ngày nơi làng Trà Nhiêu cuối sông nghe gió đầy, đủ để người miên man vui cùng tháng năm phiêu bồng…
Con đường dẫn vào khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) ngoằn ngoèo, quanh co, nồng nàn hương cau. Trà Nhiêu khoác lên mình dáng dấp của một bán đảo Thanh Đa giữa lòng Sài thành, một miền Tây thu nhỏ, một Cẩm Thanh hay Thuận Tình (Hội An) thứ 2... Mỗi bước đi giữa hương đồng cỏ nội ấy lại gặp vài khách mắc võng, nằm nghe gió thổi qua tay. Giữa rừng dừa nước xanh tươi bốn mùa rộng chừng 10ha, khách dạo thuyền nhìn ngắm. Vài người men lối nhỏ, dăm ba người yêu nhau dắt tay nhau qua cầu tre. Đâu đó dưới những căn chòi lợp lá dừa, vài khách dừng chân bên những người câu cá, nghe tiếng cá đớp mồi, quẫy đạp và tiếng cười vang đầy mặt nước…
Gọi Trà Nhiêu là “nàng công chúa say ngủ”, không sai. Làng rộng 60 héc ta, có đến 30 tộc họ sinh sống bằng nhiều ngành nghề truyền thống đã hàng trăm năm tuổi. Trên con đường, mảnh ruộng ven làng dường như không lúc nào thiếu vắng bóng dáng người phơi lác, trồng đay, đan lưới, chằm lá và tiếng lách cách, rì rào của tiếng thoi dệt chiếu… Nơi ấy vẫn còn lưu giữ phiên chợ độc đáo nhất miền Trung. Chợ đông từ tờ mờ đến 7 giờ sáng và chỉ bán độc một mặt hàng: chiếu Bàn Thạch. Rất tiếc, chưa có “chàng hoàng tử” nào đủ khả năng bày biện niềm vui.
Chiều, kẻ lên thuyền sang sông, người về theo lối cũ. Không ít người “mơ mộng” rằng một ngày sẽ được ngồi trên những du thuyền tìm lại không khí dân ca, bài chòi diễn ngâm... Nhưng không phải là nghệ thuật của sự sắp đặt hay lối biểu diễn vô hồn, nặng tính dịch vụ, mà là nghệ thuật khởi phát từ tâm hồn nghệ nhân dân gian xứ Quảng. Hình ảnh người chèo thuyền hóa thân thành nông ngư dân, thôn nữ giữa miệt vườn sông nước hái quả, chài lưới và nở nụ cười bên khung dệt… sẽ là viễn cảnh Trà Nhiêu đầy hấp dẫn. Một Trà Nhiêu không lặp lại và làng quê sinh thái sẽ không trở nên vô hồn, nhàm chán với người thưởng ngoạn.
Nguồn : website báo Quảng Nam