Với người dân Dạ Trạch, một làn điệu dân ca cổ còn lưu truyền và phát triển làm đẹp thêm truyền thống văn hóa làng quê mới là điều đáng quý.
Tâm niệm đó không phải chỉ của các bậc nghệ nhân già mà của cả lớp diễn viên trẻ của dân làng bên bờ đầm Dạ Trạch có câu chuyện huyền thoại Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Xã Dạ Trạch huyện Châu Giang là một trong hai xã còn lưu giữ được điệu hát trống quân, một làn điệu dân ca của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Cho tới hôm nay chưa có một công trình khoa học nào khẳng định hát trống quân có từ bao giờ. Nhưng ở vùng Bãi Sậy (Châu Giang) người ta vẫn cho rằng: Vào đời vua Hùng thứ 3, công chúa Tiên Dung trong một chuyến du ngoạn dọc theo sông Hồng đã có cuộc duyên tiên kỳ ngộ với chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Đôi vợ chồng không môn đăng hộ đối ấy đã cùng nhân dân cải tạo cả một vùng lau sậy bạt ngàn và những bãi cát hoang sơ thành làng quê trù phú. Công chúa Tiên Dung đã dạy nhân dân cách trồng lúa, ươm tơ, dệt vải và dạy cả điệu hát trống quân.
Dù điệu hát trống quân có tự bao giờ và ra đời từ đâu đi nữa thì nó vẫn là điệu dân ca của những người dân đồng bằng Bắc Bộ, một điệu hát giao duyên, ứng tác tồn tại trên mảnh đất Dạ Trạch. Hôm nay, lớp người từng tham gia hát trống quân trong hội làng thuở trước, hầu hết đã bay về trời theo Tiên Dung - Đồng Tử hoặc đã bước vào tuổi bát tuần nhưng vẫn nhớ như in ngày hội hát trống quân thuở nào của thôn Yên Vĩnh bên đầm Dạ Trạch.
Theo các cụ, hội hát trống quân ngày trước được tổ chức vào dịp nông nhàn, khi cây lúa đã xanh ngoài bãi hoặc khi hạt thóc củ khoai đã nằm gọn trong nhà. Ngày lễ Tết cũng là dịp để người dân nghe hát. Nơi diễn ra lễ hội thường là sân đình hoặc mảnh đất ven làng, có khi tổ chức ngay trên một đám ruộng khô vừa gặt. Nhạc cụ của hội là chiếc trống được tạo bởi một sợi mây dài chừng 10 m, một chiếc mâm, một chiếc thùng và một đoạn cành cây. Hộp cộng hưởng âm thanh được khoét sâu vào lòng đất và âm hưởng của chiếc trống tạo nên nhờ sự va đập một cây dài làm bằng cành cây, mảnh tre, do các nghệ sĩ gõ vào sợi dây mây, có thể gọi nhạc cụ này là cây đàn mới phải, bởi nó có dây, có phím, có hộp đàn; nhưng rất có thể do tạo ra âm thanh bằng cách gõ mà người xưa gọi là chiếc trống quân.
Âm thanh bập bùng của cây nhạc cụ độc đáo này đã hòa quyện cùng tiếng hát có khả năng lan truyền khá xa, nhất là vào những đêm gió mát trăng thanh, với giai điệu thình thùng thình nó tạo ra, đôi trai gái hoặc cho hai tốp nam nữ hát thâu đêm suốt sáng để bày tỏ nỗi lòng thầm kín của lòng mình. Lời tâm sự của các chàng trai, cô gái cũng trầm ấm, mộc mạc như âm thanh của cây đàn.
Cũng như các làn điệu dân ca khác ở đồng bằng Bắc Bộ như hát quan họ, hát xoan, hát ghẹo, hát ví, hát đò đưa, hát đúm..., hát trống quân là lối hát giao duyên ứng tác giữa nam và nữ. Thuở xa xưa với quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân nên sợi dây đàn là đường ranh giới của đôi trai gái hoặc của tốp nam, tốp nữ. Họ ngồi gần nhau đấy nhưng không dễ vượt qua được sợi dây của lễ giáo bấy giờ. Bởi vậy họ thường ca:
Bây giờ Mận mới hỏi Đào
Vườn Hồng đã có lối vào hay chưa?
Và bên nữ đáp lại:
Mận hỏi thì Đào xin thưa
Vườn Hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Tâm tư tình cảm của các chàng trai cô gái được giãi bày theo một niêm luật của làn điệu trống quân. Thông thường, họ khai hội bằng bài hát chèo truyền thống, bằng những ngôn ngữ từ xã giao lịch lãm.
Sau khi hát trình làng xin phép người trên, kẻ dưới, là những lời hát mời trầu: Anh ăn một miếng trầu nồng, để cho duyên bén tơ hồng đôi ta.
Nội dung của lời ca phong phú và đa dạng, nó được nối tiếp bằng chương trình hát họa trời đất. Họ tìm mọi vật để vẽ thành một bức tranh và yêu cầu bên còn lại vận cảnh trên để đáp lại:
Bài đất em đã họa rồi
Chàng họa bài trời cho chúng em nghe
Xin đừng ăn xổi ở thì
Họa xong em đón chàng về nhà chơi.
Bằng các câu thơ lục bát, họ có thể hát họa mọi thứ có ở trên đời. Cái hay và cũng là cái khó là lời ca phải đối ứng, nhưng vẫn mộc mạc chân tình, không thô cứng. Tiếp theo lời hát họa là hát đố. Bằng hiểu biết của mình về thiên nhiên, xã hội, họ thử trí nhau: Người đố có thể đố sự vật, hiện tượng trên trời, dưới đất, đố sự am hiểu về luân thường đạo lý, đố có bài có bản nhưng khi ứng tác ngẫu hứng, ứng khẩu phải tuân theo thể thơ lục bát.
Đồn em hay kể chuyện Kiều
Lại đây anh hỏi mấy điều xem sao
Kiều Vân em chị thế nào?
Hỏi ai hơn kém má đào xuân xanh
Đường về gặp hội trống quân
Em đố anh giảng mấy vần cho vui
Quả gì to nhất trên đời
Quả gì nghe tiếng bao người sợ kinh.
Khi hai bên gái, trai đối đáp trôi chảy họ đã hiểu được lòng nhau, cái duyên đã se, cái tình đã thắm, họ chuyển sang hát thách giãi bày tâm tư tình cảm của lòng mình.
Hiểu được những khó khăn trên bước đường trở thành chồng vợ nhưng đã một lòng tha thiết yêu thương, họ cùng nhau vượt qua thử thách và ước hẹn:
Vừng trăng nay vẫn còn non
Hoa đương chúm chím như còn ngủ yên
Xin chàng giữ trọn niềm tin
Sang năm khôn lớn kết duyên vội gì.
Trước khi giã bạn, cũng như quan họ Bắc Ninh, các chàng trai cô gái thường hát thề nguyền:
Anh xin gửi tấm lòng vàng
Nguyện lấy được nàng, nàng chớ quên anh.
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn, hội hát trống quân sau một vài buổi cũng phải kết thúc, hẹn đến cuộc sau. Họ dùng dằng không muốn chia tay giã bạn và chính trong bối cảnh xúc động ấy những lời ca ly biệt được cất lên...
Ở xã Dạ Trạch xưa, hằng năm có tới bốn đám hát trống quân vào dịp hội hè, nhưng vào những năm 60, 70 của thế kỷ này, do nhiều lý do mà hội hát bị gián đoạn. Từ năm 1994, một nhóm người yêu thích văn nghệ dân gian trong đó có bác Nguyễn Duy Phí, Lê Hồng Điệp đã đi sưu tầm các lời hát cổ, biên tập lại thành chương trình hát trống quân. Các bác đã mời những nghệ sĩ từng là những đứa trẻ được xem hát ngày xưa tham gia biểu diễn và chính họ đã góp phần tái tạo gìn giữ làn điệu dân ca trống quân đồng bằng Bắc Bộ.
Để lời hát xưa không bị mất đi, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thông tin, nhiều nghệ sĩ già đã nhiệt tình truyền lại cho lớp trẻ cách hát trống quân. Để tiện cho việc biểu diễn, các nhà biên tập biên kịch, đạo diễn, đã sân khấu hóa tạo dựng ra các chương trình phù hợp với thời đại ngày nay. Nhạc cụ đơn sơ thuở trước được thay thế bằng dàn nhạc dân tộc song vẫn giữ nguyên âm hưởng chủ đạo của cây đàn dây mây hộp đất. Đội văn nghệ trẻ đã có mặt ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh và bước chân trần của các chàng trai cô gái nông dân vùng Dạ Trạch cháu chắt trăm đời của Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã đặt bước lên sân khấu liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc và giành được giải cao.
Với người dân Dạ Trạch, một làn điệu dân ca cổ còn lưu truyền và phát triển làm đẹp thêm truyền thống văn hóa làng quê mới là điều đáng quý. Tâm niệm đó không phải chỉ của các bậc nghệ nhân già mà của cả lớp diễn viên trẻ của dân làng bên bờ đầm Dạ Trạch có câu chuyện huyền thoại Chử Đồng Tử và Tiên Dung.
Nguồn : QH