Vào những đêm trăng thanh gió mát, sau khi làm xong việc nhà, các cô thôn nữ của xã Liệp Tuyết rủ nhau tụ họp dưới gốc cây đa cổ ở bến Hàm Rồng bên sông Tích đợi các chàng trai làng quanh vùng như Phú Mỹ, Đông La, Đồi Bắp, Bạch Thạch, Hòa Mục ngồi thuyền thúng đến cùng nhau hát ví.
Hát ví là hát đối đáp nhau bất cần luật (trắc vận), bất thành văn, mà do người có trí thông minh nghĩ nhanh ra câu đối đáp được xuôi và vui.
Mở đầu bằng những câu thăm hỏi quê quán nhau:
Trông chàng cũng thật hữu duyên
Con người thế ấy ở miền đâu ta?
...
Quê em chợ mới làng nhà
Làng thì Liệp Tuyết, xã là Sáu Thôn.
Sau đó cuộc hát ví bắt đầu đối đáp bằng những lời ca trữ tình, nồng thắm thể hiện yêu vụng nhớ thầm ấp ủ bấy lâu, nay được gặp mặt hằng mong ước được cầm tay nhau để thỏa lòng mong đợi. Ước mong được chung chăn cùng gối bên nhau xây dựng tổ ấm bách niên giai lão:
Một ước nắm lấy cổ tay
Hai ước cho được chuyện này thủy chung.
...
Chín ước chung mẹ cùng cha
Mười ước chung bóng chung tình chung hơi.
Cuộc hát ví mỗi lúc một bay bổng lan xa dưới nước trên bờ. Những câu hát ví câu ca như quện vào nhau. ánh trăng đã ngả bóng xế tà mà các chàng trai cô gái vẫn bịn rịn lưu luyến không muốn ra về.
Chàng ơi chàng ở đừng về
Nàng về anh nắm vạt áo anh đề bài thơ.
...
Một nhớ chàng như lan nhớ trúc
Hai nhớ chàng như trúc nhớ mai.
...
Canh hai thắp ngọn đèn lan
Chờ chàng quân tử nhớ than đôi lời
Canh ba khấn phật cầu trời
Để cho nam nữ kết đôi Châu Trần.
Cứ như vậy, cuộc hát ví thâu đêm tới sáng mà lời ca vẫn liên tục. Thế rồi bình minh đã hé mở, các chàng trai cô gái bịn rịn chia tay nhau. Họ về tới nhà ăn luôn củ khoai củ sắn lót dạ rồi vác cày, vác cuốc, cầm cào cỏ ra đồng ruộng làm ra thóc gạo, ngô khoai. Hồi ấy, vùng quê còn đói nghèo, chứ đâu đã đủ ăn, giàu có như bây giờ. Màn đêm buông xuống, ánh trăng ló khỏi ngọn đa, đến hẹn lại lên, các chàng trai, cô gái lại tụ họp hát ví "trai tài gặp gái đảm" chẳng ai chịu kém ai lời đối đáp:
Đã đi đến đám thì chơi
Đã đi đến đám tiếc nhời làm chi.
Chúng tôi gặp một số cụ trong làng, như cụ Kiều Thị Du nay đã xấp xỉ độ tuổi 85, 86 rồi nhưng vẫn còn minh mẫn. Cụ cho biết: "Trước đây còn thời con gái, tôi là một nữ ca hát ví vào bậc nhất. Tuy nay tuổi đã "cổ lai hy" còn nhớ nhiều câu ví. Sở dĩ gọi là "hát ví Hàm Rồng" vì, những thập niên của đầu thế kỷ 20, ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Tây) có một dải đất hình con rồng. Đuôi của nó là chín cái gò nhấp nhô, gọi là "cửu tinh" là nơi nhân dân đến họp chợ. Mình "con rồng" này là vùng đất thôn Đồng Sơn, Đất Đỏ, Ao Sen vươn dài tới hai trại Muôn Ro (thuộc địa phận xã Tuyết Nghĩa (Quốc Oai) ngày nay, tạo thành Hàm Rồng của bến sông Tích. Thời con gái, con trai chúng tôi đến tụ họp tại bến Hàm Rồng sông Tích cùng nhau hát ví, hát đối đáp với nhau cho vui, nên gọi là "Hát ví Hàm Rồng" là thế. Thậm chí quá say đắm yêu, các chàng trai bỏ thuyền lên bờ liền nắm tay bạn gái. Thế nhưng, ngày xưa người con gái có ý tứ đoan trang, nên đã tránh né sự bồng bột của bạn trai quá đam mê để tránh tiếng "con gái lục thôn chơi bời thiếu chín chắn...". Các cô gái làng Liệp Tuyết đã thể hiện bằng những lời lẽ rất kín đáo và tế nhị để làm vui lòng bạn trai:
Xin chàng buông tay em ra
Đến mai em lại tới qua chốn này
Chàng mà giữ mãi em đây
Ngày mai em biết chốn này là đâu.
Hát ví Hàm Rồng thường diễn ra mười ngày vào tháng bảy âm lịch hằng năm. Nhưng những lời hát ví, hát đối này không dừng lại ở bến nước Hàm Rồng sông Tích mà nay trở thành môn sinh hoạt văn nghệ ở mọi nơi mọi lúc, trong ngày hội đình đám, hội liên hoan văn hóa - văn nghệ, ở nơi đông người trên bến dưới thuyền để động viên tinh thần người lao động.
Nguồn : Báo Nhân Dân