Hát Xoan còn có tên là "Khúc môn đình", là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Ðây là một loại hình dân ca lễ nghi, phong tục gắn với hội mùa, thờ thành hoàng, cũng như hát dặm, hát dô ở đồng bằng sông Hồng.
Thuở xa xưa người Văn Lang tổ chức các cuộc Hát Xoan vào mùa xuân, mở đầu cho múa hát để đón chào năm mới, không chỉ để vui chơi mà còn là để cầu Trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và chúc tụng Vua Hùng. Xoan gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh.
Theo truyền thuyết dân gian vùng đất Tổ Phú Thọ, nghệ thuật Hát Xoan có từ thời các vua Hùng dựng nước (hơn 2000 năm trước Công nguyên). Tập "truyền thuyết Hùng Vương" đã ghi sự tích của Hát Xoan như sau:
"Vợ vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sanh nở, đau bụng mãi mà không sanh được. Có một người hầu tâu với vua Hùng về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa hát rất hay, nên đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua Hùng nghe lời, cho mời nàng Quế Hoa đến. Quế Hoa vâng theo lời triệu, đến chầu vua Hùng. Bấy giờ vợ vua Hùng đang lên cơn đau dữ dội, mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa vâng lời miệng hát, tay múa, đi qua, đi lại trước giường. Giọng hát trong vắt, khi cao, khi thấp như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng say mê. Vợ vua Hùng mải nghe hát, xem múa không thấy đau nữa, hạ sanh được ba người con trai khôi ngô đẹp đẽ. Vua Hùng vui mừng khôn xiết và hết lời khen ngợi Quế Hoa, mới bảo nàng dạy múa hát cho các mỵ nương. Quế Hoa hát chầu vợ vua Hùng vào đầu mùa xuân nên các mỵ nương gọi lối hát ấy là Hát Xoan".
Từ đó điệu Hát Xoan (chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trại ra) được truyền rộng rãi trong dân chúng, nhất là nam nữ thanh niên trong vùng và được tổ chức thành phường hát. Hằng năm vào mùa xuân,các phường Xoan Phù Đức, Kim Đôi, An Thái, Thét thuộc Phù Ninh thường tổ chức hát ở cửa đình những ngày hội đám, hết hội đám lại chia nhau đi hát ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) là ông trùm. Ông trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Mỗi phường Xoan thường có từ 15 đến 18 người. Trừ trùm phường, các thành viên khác thường là trai gái tuổi 16-18. Nam gọi là kép, nữ gọi là đào, số đào thường đông hơn số kép. Trước mùa hội hè họ tổ chức tập luyện bài bản. Mùa hội họ đi tứ xứ hát, có khi đôi ba tháng mới về.
Ngày nay, Hát Xoan chỉ thấy phổ biến ở vùng đất Tổ diễn ra vào mùa xuân, sau Tết Nguyên Đán. Mỗi phường Xoan giữ hát ở một số cửa đình nhất định. Tục giữ cửa đình cũng có ý nghĩa là tránh sự tranh chấp và dẫm chân nhau giữa các phường Xoan. Từ tục này đã dẫn đến tục kết nghĩa họ Xoan và người địa phương của đình sở tại. Tình nghĩa ấy rất được coi trọng.
Hát Xoan cần được bảo tồn và phát triển xứng đáng
Hát Xoan là di sản văn hoá vô giá của người dân vùng đất Tổ - tỉnh Phú Thọ. Nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này, các phường Xoan ở đây đã không ngừng đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ để những ngày hội làng, ngày lễ Tết của dân tộc, những làn điệu Xoan mượt mà, thắm đượm tình quê lại vang lên, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam…
Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Khắc Xương: "Xoan là một thực thể nghệ thuật đa thành phần với diễn xướng, hội tụ nhiều thành tố dân ca, ca múa dân gian. Chính điều này đã gạt bỏ được tính đơn điệu và lặp lại để tạo nên sức hấp dẫn của Xoan... Điều khác biệt với các dân ca nghi lễ khác là Xoan đã cấy cắm hạt giống ở một số làng xã mà Xoan giữ cửa đình, tạo nên một sự nhân giống, phát triển vào địa phương, đem lại nét Xoan, chất Xoan cho văn hoá địa phương."
Như vậy, Hát Xoan có những nét tương đồng nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố mang tính địa phương. Đó chính là những điểm tạo nên sự riêng biệt và giá trị di sản của hát Xoan.
Xoan không chỉ được biết đến trong nước mà còn vươn xa và hội nhập với các nước trong khu vực. Chương trình biểu diễn của Đoàn nghệ thuật hát Xoan Phú Thọ đã thu hút sự chú ý và cổ vũ nhiệt tình của giới nghiên cứu văn hoá dân gian quốc tế và khu vực cùng đông đảo khán giả các nước nó ghé thăm như Thái Lan, Hàn Quốc... Những giai điệu mượt mà, tươi vui dí dỏm của Xoan đã chinh phục hàng ngàn khán giả bằng những tràng pháo tay không dứt và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Hát Xoan không chỉ là di sản văn hoá phi vật thể của cư dân vùng trung du Phú Thọ mà còn là di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật, Hát Xoan Phú Thọ cần được bảo tồn, gìn giữ phổ biến và phát triển để loại hình dân ca này có sức lan toả mạnh mẽ và trường tồn cùng thời gian, xứng đáng với vị trí của nó trong nền âm nhạc dân tộc.
Thời gian tới, Hát Xoan có thể sẽ được bảo vệ ở tầm quốc tế khi cuối tháng 3/2010, Chính phủ đã cho phép gửi hồ sơ tới UNESCO đề nghị xem xét công nhận Hát Xoan là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nguồn : QH