Cách đây hơn 300 năm, Đồng Tháp Mười, vùng đất rộng gần một triệu mẫu tây, vừa bí ẩn, mênh mông, hoang dã, vừa là thiên đường của cây cỏ, chim muông, cá sấu, khỉ.
Những người Việt đầu tiên đến định cư, sống ở vùng ven Đồng Tháp Mười, bắt cá, chim để ăn và trồng lúa để sinh sống. Không ai có khái niệm bảo tồn là gì vì chim trời, cá nước còn đông hơn người.
Đồng Tháp Mười nguyên thủy
Tài liệu cũ cho thấy Đồng Tháp Mười nguyên thủy không có kênh mương mà chỉ có một số ít các lạch nước nhỏ tự nhiên. Cánh đồng là một vùng trũng và cứ hàng năm, đến mùa nước nổi, nước từ dòng sông mẹ Mêkông chảy tràn vào cánh đồng. Nước từ sông vào đồng chậm do phải len lỏi qua một lớp thực vật dày. Người ta gọi đó là “mùa nước nổi”, là nước lên và nước xuống theo mùa tự nhiên.
Và khi nước ở dòng sông mẹ bắt đầu hạ, nước trong đồng lại len lỏi chảy ra qua lớp thực vật dày. Một ít nước bị kẹt lại trong đồng, trong đất, trong thảm thực vật. Vào cuối mùa khô, cá dồn vào những nơi còn ít nước và chim cò tụ hội để ăn tiệc. Và năm sau, nước từ dòng sông mẹ lại đến…
Sự thay đổi chu trình nước
Người Pháp thấy cánh đồng cỏ mênh mông nên đặt là La plaine des joncs để chỉ chung các loài cỏ như năn, bàng, đưng, lác, sau đó được dịch qua tiếng Anh một cách không chuẩn thành Plain of Reeds là Cánh đồng sậy.
Triều đình nhà Nguyễn và sau này là chính quyền Pháp thuộc đã cho đào một số kênh trong cánh đồng tỉnh Tân An, tỉnh Sa Đéc, một số kênh từ Tân An đến Mỹ Tho. Thời chiến tranh chống Mỹ, để đối phó với lực lượng du kích, chính quyền Sài Gòn đã đào một số kênh lớn như kênh Đồng Tiến và kênh Phú Hiệp để xả nước trong đồng ra và dội bom napalm để đốt cháy cánh đồng. Đó là sự bắt đầu của sự thay đổi chu trình nước hàng năm của Đồng Tháp Mười.
Những năm đầu sau 1975, cả nước thiếu lương thực. Để xổ phèn và tạo điều kiện cho dân định cư và vận chuyển nông sản, một mạng lưới kênh mương dày đặc đã được đào trong cánh đồng và hàng trăm ngàn người đã đến định cư khai phá vùng đất mới. Dần dà, cánh đồng trở thành một biển lúa mênh mông.
Với hệ thống kênh mương dày đặc, nhịp nước lên nước xuống hàng năm đã thay đổi toàn bộ. Nước từ dòng sông mẹ vào đồng nhanh hơn theo kênh vào mùa nước nổi và thoát ra rất nhanh cũng theo kênh vào mùa khô. Bấy giờ người địa phương bắt đầu gọi mùa nước nổi là “mùa lũ”.
Chim hạc về
Một số vị lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp muốn giữ lại một phần của hình ảnh cánh đồng hoang dã đặc trưng của vùng đất ngập nước cho thế hệ mai sau. Nhờ vậy, năm 1985, khoảng 1% còn lại của cánh đồng đã được giữ lại dưới hình thức Công ty Lâm ngư trường Tràm Chim.
Sau 15 năm bị giới khoa học cho là đã tuyệt chủng trong thiên nhiên, vào năm 1986, chim hạc (sếu đầu đỏ), vị đại sứ của môi trường, đã được phát hiện lại tại vùng Tràm Chim Tam Nông. Sự kiện này mang lại niềm phấn khích cho chính quyền địa phương, người dân, cộng đồng quốc tế và các nhà khoa học, và công việc bảo tồn bắt đầu. Khu bảo tồn thiên nhiên Tràm Chim cấp tỉnh được thành lập, rồi trở thành khu bảo tồn thiên nhiên cấp quốc gia, và đến năm 1998 được Chính phủ công nhận là Vườn quốc gia Tràm Chim.
Do mùa khô nước trong đồng chảy ra sông hết, nên một hệ thống đê bao quanh khu A1 đã được hình thành để giữ một độ ẩm nhất định vào mùa khô. Thành công đến ngay tức khắc: cây cỏ bản địa bừng bừng tái sinh và chim cò, rùa, rắn, cá cũng bừng bừng sinh sôi. Nhưng chẳng bao lâu, hàng loạt vấn đề đã phát sinh…
Cái chết ngộp của hệ sinh thái
Một số quan niệm thông thường từ nông nghiệp và lâm nghiệp, thoạt nghe rất có lý, nhưng không phù hợp, thậm chí nguy hại cho hệ sinh thái. Đó là quan niệm phòng lửa và chữa lửa thì phải trữ nước và muốn có nước thì phải nâng đê cao lên và phải đào kênh. Kết quả là hệ thống đê bao xung quanh Tràm Chim nay đã được nâng lên cao 4-5 mét so với mặt đất, nhiều kênh được đào bên trong và nước được trữ cao bên trong Tràm Chim suốt mùa khô.
Trong điều kiện đó, Tràm Chim bị biến thành “hồ nước” quanh năm. Cây cỏ của hệ sinh thái theo mùa của Đồng Tháp Mười không thích nghi được với việc bị ngâm trong nước nhiều năm nên đã chết dần. Diện tích đồng cỏ bị thu hẹp, tràm bị ngã đổ và không tăng trưởng được, năn không tạo củ được để làm thức ăn cho chim hạc. Xác bã thực vật chết thối rữa lấy hết oxy trong nước làm cá không sống được và chim, cò không có nguồn thức ăn. Hệ thống đê cao làm cho nước sông Mêkông không còn tràn qua trên mặt đất mà chỉ đi vào theo 4 miệng cống. Trứng cá và cá con trong sông Mêkông không còn vào được bên trong Tràm Chim như xưa kia để sinh sôi. Một số ít cá con vào được qua miệng cống thì cũng khó sinh sôi trong điều kiện nước thiếu oxy. Cả hệ sinh thái bị chết dần chết mòn qua nhiều năm bị ngâm trong nước. Đây là “sự chết ngộp” của hệ sinh thái.
Nghịch lý là giữ nước để phòng cháy, nhưng càng giữ nước quanh năm cao, trong điều kiện thiếu oxy, xác bã thực vật không phân hủy được, chất chồng ngày càng dày thì rủi ro lửa tiềm ẩn ngày càng cao. Tràm ở Tràm Chim được trồng với mật độ dày đặc. Tràm trồng thì không phải là loài bị đe dọa tuyệt chủng. Ấy vậy mà để bảo vệ cây tràm khỏi lửa, toàn bộ hệ sinh thái trong đó có chim hạc, mà hiện nay chỉ còn khoảng 1.500 cá thể trên toàn thế giới, và các loài quý hiếm khác phải chết dần chết mòn trong “cái chết ngộp” ấy của hệ sinh thái. Tràm không cháy trong lúc bị ngâm nước nhưng cũng ngã đổ và ốm o trong điều kiện bị ngâm nước.
Trong khi Đồng Tháp Mười xa xưa bao gồm những vạt tràm mật độ thưa và những đồng cỏ, những đầm bưng và chính cái tổng thể này là cảnh quan Đồng Tháp Mười và là nơi sinh sống của muôn loài. Lý thuyết sinh thái và thực tiễn đã chứng minh rằng lửa ở một cường độ vừa phải là một yếu tố của hệ sinh thái. Nó góp phần làm vệ sinh hệ sinh thái để tái tạo khối mới tốt tươi cho muôn loài. Tràm và đồng cỏ Đồng Tháp Mười là những loài thích nghi cao với lửa và phục hồi rất nhanh sau lửa.
Đất lành chim đậu và nỗi lo còn đó
Từ năm, sáu năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong nước và các tổ chức quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim đã thực hiện việc điều tiết nước trở lại theo chu kỳ hai mùa của Đồng Tháp Mười và thực hiện đốt chủ động vào đầu mùa khô để giảm cường độ cháy về sau. Đồng cỏ đã phục hồi tươi tốt và chim hạc đã quay lại Tràm Chim ngày càng nhiều.
Vào năm tồi tệ nhất trong thời kỳ Tràm Chim bị ngâm nước nhiều năm, số chim hạc về chỉ còn 44 con. Sau khi đồng cỏ phục hồi, năn tạo củ, số chim hạc đã tăng lên 125 con vào mùa khô 2008, 126 con năm 2009 và 89 con năm 2010. Năm nay đến đầu tháng 3 đã có 63 con đến Tràm Chim trong đó có 15 con hạc con. Đây là số hạc con đến Tràm Chim cao nhất từ trước đến nay.
Việc phục hồi số lượng hạc sẽ diễn ra rất chậm vì trong thiên nhiên, mỗi năm một cặp chỉ sinh 2 trứng và chỉ nở thành công 1 con. Nhưng với việc tuân thủ chế độ nước theo mùa của Đồng Tháp Mười tại Tràm Chim như hiện nay, chúng ta có quyền hy vọng đàn hạc sẽ hồi phục ở Tràm Chim bởi vì đất lành thì chim sẽ đậu.
Một vấn đề còn lại là các đê bao quanh Tràm Chim còn quá cao, cá và trứng cá sông Mêkông không vào được trong mùa lũ và vì vậy các loài chim ăn cá còn hạn chế do không đủ thức ăn.
Trong dòng thời sự hôm nay, có lẽ mối đe dọa lớn nhất với hệ sinh thái Đồng Tháp Mười là 12 đập thủy điện dự kiến ở Lào và Campuchia sẽ tạo thành những bước tường thành mà cá trắng sẽ không thể vượt qua được để di cư theo mùa sinh sản ở thượng nguồn và sau đó theo mùa nước nổi mà về sinh sôi ở miền châu thổ Cửu Long. Cá trắng mất đi thì cá đen cũng sẽ không thể tồn tại và chim cò trong Vườn quốc gia Tràm Chim cũng khó tồn tại.
“Ráng mà giữ lấy nhé”
Để thay lời kết, xin mượn những lời cảm thán này mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã viết trong một đêm trăng sáng vằng vặc trong Đồng Tháp Mười cách đây hơn 70 năm(*).
“Chúng tôi ngồi lặng yên ngắm cảnh, không muốn nghĩ ngợi gì cả, để tâm hồn chơi vơi trên dòng nước. Sóng nhịp nhàng vỗ vào bờ. Văng vẳng bên tai tôi như có tiếng hỏi:
- Các anh nhận được tôi không? Tôi là Sông Cửu Long đây mà. Tôi với tổ tiên các anh vốn có duyên tiền kiếp, cùng ở phương Bắc, kẻ ở Tây, người Đông.
…Không phải tôi mới tới đây đâu. Tôi đã tới từ mấy vạn năm trước, hồi mà miền này còn là biển khơi, có cá kình, cá ngạc. Tôi tới và chờ đợi tổ tiên các anh, vì biết trước tôi với dân tộc Việt tất có ngày hội ngộ trên đất này. Trong khi chờ đợi, ngày đêm không nghỉ, tôi xoi mòn đất đá của năm xứ, từ Tây Tạng đến Cao Miên, cho hóa ra phù sa bồi đắp Đông Hải thành cánh đồng phì nhiêu này để tặng dân tộc các anh đấy.
Công việc bồi đắp gần hoàn thành và hai trăm năm trước, tổ tiên các anh đã tới. Cái ngày gặp nhau đó vui làm sao! Trăng cũng vằng vặc như đêm nay. Tôi dưng lên vỗ vào chân họ, róc rách để ru họ. Họ cúi xuống múc tôi, vừa uống vừa rửa mặt. Có những ông già tóc bạc phơ ngâm thơ chào tôi; có những chàng thanh niên múa gươm hứa sẽ đổ máu để giữ gìn công phu của tôi là cánh đồng này. Những trang anh hùng ấy đã giữ lời hứa.
…Tổ tiên các anh đã phải hy sinh nhiều, các anh còn phải hy sinh nữa mới khỏi phụ công phu trong mấy ngàn năm của tôi. Khéo mà giữ lấy nhé! Ráng mà giữ lấy nhé!”.
Nhà văn khuất bóng Nguyễn Hiến Lê đã mượn lời nhân cách hóa của dòng sông mẹ Mêkông nhắn nhủ “Khéo mà giữ lấy nhé! Ráng mà giữ lấy nhé!”. Lời nhắn nhủ nghe da diết như lời tiền nhân căn dặn cháu con. Trong bối cảnh ngày nay, điều này có nghĩa là phải giữ hệ sinh thái bằng trí tuệ và phải tuân thủ những quy luật tự nhiên hai mùa của Đồng Tháp Mười xưa vậy!
Nguồn : SGT