Đừng lầm tưởng rằng Tây Nguyên chẳng có gì thú vị. Nếu có cơ hội đặt chân đến vùng đất này, bạn sẽ rất ấn tượng khi được chiêm ngưỡng những cảnh sắc tuyệt vời. Mới đây, một hồ đá xanh trong ở Đăk Lăk vừa được phát hiện và nhanh chóng khiến giới trẻ “phát sốt” bởi vẻ đẹp mê hoặc của nó.
Ảnh: Hailecao Photographer
Hồ đá trong xanh đẹp như tiên cảnh này thuộc công trình thủy điện Buôn Kuốp –một công trình thủy điện trên sông Serepôk ở tỉnh Đăk Lăk, Việt Nam. Toàn bộ công trình nằm trên các xã Ea Wer, Ea Huar, Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Đập thủy điện rất rộng lớn, khó tìm nên bạn có thể hỏi thăm người dân địa phương để đến được đây nhanh nhất.
Ảnh: Hailecao Photographer
Ảnh: Hailecao Photographer
Con đường vòng hồ thủy điện Buôn Kuốp sẽ cho bạn cái nhìn toàn cảnh về đập thủy điện và cây cầu Buôn Kuốp từ trên cao. Vào mùa khô, thủy điện ngưng xả để trữ nước khiến mặt hồ phẳng lặng, trong xanh như một tấm gương khổng lồ. Đây là địa điểm còn hoang sơ, chưa có nhiều người biết và đặt chân tới khám phá.
Ảnh: Hailecao Photographer
Những tảng đá nổi cao, nhấp nhô chen nhau, những đám mây trắng in rõ xuống lòng hồ xanh biếc,… tất cả đặt trong một không gian thoáng đãng, trong lành khiến hồ đá này trở thành nơi nghỉ chân lý tưởng trong chuyến thăm thú Đăk Lăk.
Ảnh: Hailecao Photographer
Đến đây bạn sẽ tha hồ chụp ảnh “sống ảo” bởi có rất nhiều góc chụp đẹp, nên thơ và độc đáo. Ngoài lòng hồ trong xanh, khu vực thủy điện sông Serepôk còn có nhiều thắng cảnh khác mà bạn không thể không ghé qua.
Thác Dray Nur
Đầu tiên là thác Dray Nur với chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m, trải rộng khoảng 150m. Thác nước có bọt tung trắng xóa, hơi nước ngập tràn khiến khung cảnh xung quanh thác thật nên thơ.
Nhưng hấp dẫn nhất không phải là việc chiêm ngưỡng thác mà là khám phá, tìm kiếm cảm giác mạnh trong hang động gần 3.000 m2 phía sau. Khi đứng từ bên trong hang động nhìn ra những tường nước dài bao bọc phía trước, qua ánh sáng mờ ảo, du khách có thể thấy những tảng đá hình thù kì dị. Con đường đi bộ vào thác có nhiều cảnh đẹp và lạ, mang nét đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Thác Gia Long
Thác Gia Long là một trong những con thác trên dòng Serepook thuộc địa phận xã Dray Sáp huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk. Hãy len lỏi xuống chân thác, bạn sẽ tìm được những hốc đá rất an toàn để có thể đắm mình trong dòng nước mát lạnh mà không sợ ai phát hiện.
Nơi đây còn là nhân chứng lịch sử, ghi rõ dấu ấn của sự tàn độc và bóc lột của thực dân Pháp. Năm 1930 - 1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù nhân ở đây lao dịch hết sức cực nhọc gian khổ, dưới sự tra tấn dã man để xây dựng cầu treo bắc ngang qua sông Ea Krông. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu của sức người khi có thể hoàn thành xong cầu treo này.
Hồ Lăk
Đây là hồ tự nhiên có diện tích rộng lớn nhất Tây Nguyên, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía nam theo quốc lộ 27. Hồ được thông với con sông Krông Ana, mặt hồ luôn xanh thắm.
Xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao nên mặt hồ luôn phẳng lặng, yên bình. Đây là địa điểm du lịch chèo thuyền thú vị cho du khách. Những chiếc thuyền độc mộc lững lờ trôi trên sông, lắng nghe những âm thanh âm vang từ những cánh rừng đại ngàn bao bọc xung quanh cho ta cảm giác chân thật về Tây Nguyên kiêu hãnh.
Buôn Đôn
Từ Buôn Đôn có ý nghĩa là Làng Đảo vì nó được lập bên cạnh con sông Sêrêpốk. Ở giữa sông có nhiều đảo nổi giữa dòng trông như một “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” giữa núi rừng Tây Nguyên.
Phía bên kia sông là rừng đại ngàn Yok Đôn đầy kỳ bí và hoang sơ. Buôn Ðôn có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác cả hai loại du lịch: du lịch sinh thái và du lịch văn hóa.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Vườn quốc gia Yok Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về phía Tây Bắc, thuộc địa bàn của 4 xã, ba huyện: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung, Chư M’Lanh huyện Ea Súp (tỉnh Đăk Lăk) và xã Ea Pô huyện Cư Jút (tỉnh Đăk Nông).
Đây là một trong những khu vườn nguyên sinh được bảo tồn của Việt Nam với rất nhiều loài động – thực vật. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của Đông Dương, Yok Đôn có tới 38 loài, 17 loài có tên trong sách đỏ thế giới.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp