Đại Lải xưa vốn không có hồ, chỉ là những thung lũng, đồi đất cằn cỗi. Những đầu sông ngọn suối vừa mưa nước đã ngập tràn, mới nắng đất đã trơ ra khô cạn.
Năm 1958, Bộ Thủy lợi đã bắt tay khảo sát và thiết kế hồ chứa nước Đại Lải để trữ nước tưới tiêu cho đồng đất của ba huyện Kim Anh, Sóc Sơn (nay của Hà Nội) và Bình Xuyên (Vĩnh Yên). Công trình được khởi công từ năm 1959 và hoàn thành năm 1963, bằng sức lao động của nhân dân, bộ đội, cán bộ và công nhân viên chức các cơ quan, đoàn thể… tạo nên một công trình kỳ vĩ với diện tích mặt nước rộng 525ha, chứa được 26,4 triệu m3 nước, tưới tiêu cho khoảng 3.500ha đất canh tác.
Phía tây hồ Đại Lải có khu nghỉ dưỡng của Trung ương và trại sáng tác của Hội Nhà văn.
Đảo Ngọc trên hồ Đại Lải.
Cách thủ đô Hà Nội 50km về phía bắc, hồ Đại Lải nằm giữa màu xanh điệp trùng của hơn 9.000ha rừng phòng hộ, phía bắc là dãy núi Tam Đảo hùng vĩ. Ba phía quanh hồ là gò đồi và dãy núi Thằn Lằn nối nhau bằng những con đập kiên cố, tạo nên những bờ giữ nước vững chắc. Vào mùa mưa, nước từ các con sông, suối phía nam dãy Tam Đảo: Sông Vực Tuyền, Sông Tôn, sông Bá Hạ, suối Đồng Câu, Đồng Chảo… đều dồn chảy vào lòng hồ, khiến mực nước hồ có thể lên cao tới 21m.
Khí hậu vùng hồ mùa hè trung bình 28,90C, mùa đông 16,80C, phù hợp để nghỉ ngơi cuối tuần. Quanh bờ hồ là khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cung văn hóa, khu nghỉ dưỡng của khối Trung ương, trại sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam. Hồ Đại Lải còn có Đảo Ngọc, được che phủ toàn cây xanh: Keo, bạch đàn, liễu, tre… có đường lát đá và những lầu nghỉ ngơi ngay sát mút nước. Trên Đảo Ngọc, hiện nay có dự án khu nhà vườn cao cấp 5 sao và hai khách sạn 4 sao đang xây dựng.
Một hạng mục đang xây dựng của khu nhà vườn 5 sao trên Đảo Ngọc.
Hồ Đại Lải, nơi tụ thủy của phía nam đại ngàn Tam Đảo.
Điều kỳ thú là gần đây ở các bán đảo đã có nhiều đàn chim quý hiếm bay về quần tụ, nhiều nhất là cò. Cứ sẩm tối bầu trời như xao động vì những cánh chim chao lượn, khẳng định sự trong lành, yên bình của môi trường sinh thái nơi đây.
Nguồn : BAĐM