Giữa chập chùng đá xám tai mèo độ cao gần 2.500m ở mảnh đất địa đầu Hà Giang có một chốn “bồng lai tiên cảnh”. Đó là hồ Noong, hồ nước tự nhiên nằm giữa rừng nguyên sinh ở xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên.
|
Một nhóm “phượt” trẻ đến hồ Noong - Ảnh: Ngọc Quang |
15km đường dốc từ thành phố đến rừng già nguyên sinh nơi có hồ Noong, du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng phong cảnh thơ mộng, nguyên sơ khi đi qua các bản làng người Tày, Mông, Dao, Ngạn, Giáy với những nếp nhà sàn thấp thoáng bên dòng suối, sườn đồi, những ruộng bậc thang ôm chặt chân núi ở hai bên đường.
Nằm cách thành phố Hà Giang 15km về phía nam, hồ Noong là một hồ nước tự nhiên nằm trên dãy Tây Côn Lĩnh cao vời vợi, rộng khoảng 30ha (mùa cạn), đến 80ha (mùa mưa). Người dân bản Noong 1, Noong 2 (xã Phú Linh) luôn ví hồ Noong như “mắt rừng”, bởi giữa tứ bề rừng già, núi cao xanh thẳm là một hồ nước phẳng lặng, lấp lánh ánh bạc dưới ánh trăng hay ánh nắng mặt trời. |
Những làn khói lam vương vấn trên những nóc nhà sàn, lơ lửng hòa quyện với mây, với núi. Điểm cuối cùng của con đường là một hồ nước mông mênh chạy dài ôm lấy chân ngọn núi Noong xanh ngắt, cao vời.
Bà Vi Thị Loan - người dân tộc Tày - sống ngay bên bờ hồ bảo cả bản làng không ai biết hồ có từ bao giờ. Khi sinh ra đã thấy có hồ nước, và cuộc sống của hơn 80 hộ dân bản Noong 1 đều dựa vào cái hồ mà mùa cạn chỉ rộng khoảng 20ha này. Hồ cho dân tôm cá, hồ chứa nước mùa mưa, trữ nước tưới tắm cho ruộng đồng của người dân trong vùng. Ngay bản thân bà Loan cũng thả gần trăm con vịt trên hồ mà chẳng lo mất, cũng chẳng phải cho chúng thức ăn hằng ngày.
Những người dân sống bên hồ kể chưa khi nào hồ cạn nước. Dù có là năm nắng hạn đến đâu, cả Hà Giang khô cạn thì hồ Noong vẫn luôn có nước bởi xung quanh là rừng già, là nước từ các ngách, các ngầm từ vách núi Noong chảy ra, từ rừng già chảy xuống.
Đặc biệt, mùa cạn (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau), trong lòng hồ trồi lên những cây “may ẳn”, một loại cây sống được ở vùng đầm ngập nước. Thiên nhiên đã cố tình tạo hóa những gốc cây này như những non bộ, tạo thêm sự huyền bí, và cũng chính những non bộ mùa cạn này là nơi nhiều đàn cá tụ vào trú ngụ…
|
Đường vào hồ Noong - Ảnh: Ngọc Quang |
|
Vẻ đẹp đặc biệt của hồ Noong với những gốc cổ thụ soi bóng trên mặt nước - Ảnh: Ngọc Quang |
Theo ông Phà Văn Tiên, người dân Tày, bản Noong 1, mùa cạn hồ cũng sâu đến 2m nước. Còn mùa mưa nước hồ có chỗ sâu đến gần chục mét. Bất kể mùa nào du khách vẫn có thể du ngoạn hồ bằng bè, mảng để ngắm cảnh rừng già, núi Noong… Khi nước hồ đang cạn cũng là lúc người dân địa phương chia vùng, quây lưới để nuôi gia cầm.
Có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, cảnh vật hồ Noong thơ mộng, không khí trong lành, phong cảnh núi non hữu tình, người dân tộc nơi đây thân thiện, hiền hòa… Nhưng đến lúc này hồ Noong vẫn còn khá nguyên sơ, chưa được các cơ quan chức năng địa phương quan tâm, phát huy thế mạnh. Toàn bộ mặt hồ từ năm 2008 đã đấu thầu cho tư nhân thuê để thả cá và kinh doanh du lịch sinh thái.
Ông Tiên là người duy nhất trúng thầu hồ Noong trong 20 năm với giá mỗi năm 20 triệu đồng. Hiện cả gia đình ông Tiên dựng lều ở ngay bên bờ hồ để trông cá và kinh doanh du lịch. Theo ông Tiên, mỗi năm ông đầu tư thả thêm khoảng 12.000 con cá giống các loại vào hồ. Và khi mùa nước nổi, mặt hồ rộng bao la cũng là “mùa thu” du lịch của nhà ông. Khi ấy du khách đến rất đông, thậm chí cả người bản địa cũng đến thuê bè, mảng của ông để ra giữa hồ câu cá.
Câu được con nào, khách cứ việc tự nướng ăn. Cũng có khi cả gia đình phải xúm vào phục vụ du khách ăn uống. Mùa cạn là lúc gia đình ông thuê người đánh cá. Mỗi năm ông thu đến chục tấn cá các loại, trừ hết chi phí cũng còn lại 40-50 triệu đồng tiền lãi.
|
Nướng cá bên hồ - Ảnh: Ngọc Quang |
Đi hồ Noong
Từ Hà Nội lên Hà Giang có thể đi xe khách chất lượng cao, sau 350km bạn có thể ngủ lại đêm ở thành phố, thưởng thức cháo ấu tẩu - một đặc sản chỉ có Hà Giang. Sáng hôm sau bạn có thể thuê xe máy hay đi xe ôm vào hồ Noong. Chỉ có 15km đường!
Không chỉ thưởng thức vẻ đẹp của hồ nước trên núi, trên đường đi những nếp nhà sàn bình yên bên nương lúa sẽ khiến ống kính máy ảnh của bạn không thể bỏ qua. Vào hồ, sau khi thăm thú, chụp hình bạn có thể mua cá và đốt lửa thưởng thức ngay bên bãi cỏ ven bờ hồ. |
Nguồn : Tuổi trẻ