Chẳng biết Thăng Long – Hà Nội sinh ra Hồ Tây, hay Hồ Tây đã làm cho Thăng Long - Hà Nội bay suốt thời gian, không gian. Kẻ hậu sinh này chỉ biết nghiêng mình chắp tay kính cẩn tạ ơn đấng tạo hoá và tạ ơn con người Thăng Long mấy nghìn năm, đã xây nên Hồ Tây, một thế giới huyền thoại, một trời tâm linh, một vùng thi ca để du khách qua đây một thoáng thôi, cũng đủ nhớ suốt đời.
Hồ Tây là hồ lớn nhất Thăng Long – Hà Nội, sóng dào dạt không bao giờ ngưng nghỉ, mặt nước rộng khoảng năm trăm hec-ta. Con đường vòng quanh hồ dài mời bảy cây số. Có thể Hồ Tây là một đoạn sông Nhĩ Hà (tức sông Hồng Hà) còn sót lại sau khi đổi dòng chảy. Thiên nhiên biến hoá đã sinh ra con hồ xanh sóng sánh mộng mơ lãng đãng sương mù, thơm hương trời đất, đong đầy sinh khí, thắm tươi bảy sắc cầu vồng và nhuộm vàng ánh trăng sao... làm cho con người đắm say vui sống, hiến dâng, nâng niu, gìn giữ vẻ đẹp trời ban ấy. Bao nhiêu huyền thoại, bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu ngôi chùa do con người sáng tạo quanh Hồ Tây, tạo nên một dòng chảy văn hóa Hồ Tây hàng nghìn năm tuổi, đẫm hồn dân tộc.
Huyền thoại kể rằng, từ thuở xa xa lắm, cái hang sâu trên gò đất ven Hồ Tây có con cáo trắng chín đuôi sống hơn ngàn năm, biến hoá vạn cách, thành người hoặc thành quỷ đi khắp thế gian. Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng, nhập vào giữa đám dân Man, cùng ca hát, nhảy múa rồi dụ dỗ trai gái trốn vào trong hang núi. Người Man rất khổ sở. Lạc Long Quân ra lệnh cho sáu đạo quân của thuỷ phủ dâng nước lên công phá hang đá. Cáo chín đuôi bỏ chạy.
Quân thuỷ phủ đuổi theo bắt giết cáo. Hang cáo trở thành một vũng nước sâu, gọi là đầm Xác Cáo (tức Hồ Tây). Từ đó cánh đồng ven Hồ Tây trở nên yên bình, trù phú, dân trồng lúa ngô, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, làm giấy, trồng hoa, xây chùa miếu, đền đài thờ phụng thần linh và người có công giúp dân xây dựng cuộc sống ấm no, hoà bình, để muôn đời sau con cháu được hưởng phúc lộc. Họ sáng tác huyền thoại và thơ ngợi ca cảnh Hồ Tây, người Hồ Tây tài tình, khéo léo, quả cảm, trung nghĩa, kiên cường...
Nhà thơ Cao Bá Quát từng thốt lên “Tây Hồ chân cả thị Tây Thi”, (Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi). Hồ Tây không chỉ đẹp mà còn lắng đọng tình người với những câu chuyện thần thoại Việt Nam thơ mộng. Hồ Tây có nhiều tên gọi: hồ Xác Cáo, hồ Trâu Vàng, hồ Dâm Đàm, mỗi tên gắn với một chuyện truyền kỳ, ẩn chứa thiện ác, vui buồn, đau thương, bi kịch, gửi gắm tình yêu thương tới mai sau.
Đến Hồ Tây hôm nay, bạn hãy trầm mình tĩnh lặng, tạm quên cái ồn ào náo nhiệt của Kẻ Chợ thời hiện đại, nghe muôn ngàn ngọn sóng Hồ Tây vỗ về hồn ta trong nhạc điệu ca dao cổ:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Rồi một đêm trăng thu, ánh trăng như sóng màu phong đỏ, thuyền nhẹ lướt dập dìu như dạo nhạc, bạn nghe vang dậy một vùng thi ca Hồ Tây. Tiếng thơ ai đằm thắm, ân tình như tiếng Nguyễn Trãi ( 1380 - 1482) ướm hỏi nàng Nguyễn Thị Lộ:
Người ở đâu mà bán chiếu gon
Hỏi xem chiếu bán hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa được mấy con?
Tiếng nàng hóm hỉnh đáp lại:
Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon
Cớ sao chàng hỏi hết hay còn?
Xuân canh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có hỏi chi con!
Cuộc gặp gỡ giữa hai con người tài mệnh ấy bên Hồ Tây đã để lại một câu chuyện tình bất tử, bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam, để nghìn sau, hồn thơ dân tộc lai láng chảy, đời nối đời bên sóng Hồ Tây, nhớ thương hai con người tài năng, đẹp đẽ, bất ngờ bị lưỡi gươm oan nghiệt của cường quyền vây bủa. Họ chết trong sự bất tử của tư tưởng yêu dân, thương nòi giống. Họ chết nhưng ngọn lửa tình yêu còn chảy mãi ngàn năm.
Hồ Tây của gió sương, của sắc màu, trời mây, non nước, hoa lá, cỏ cây, của bao nhiêu đền chùa, quán miếu, của bến thuyền, của tình yêu và tài năng, trí tuệ hội tụ, nơi các làng nghề tinh tuý... là cảm hứng bất tận của thi ca. Bao nhiêu triều đại đã lụi tàn, nhưng vẻ đẹp Hồ Tây không mất, tiếng thơ ca ngợi Hồ Tây còn vang vọng.
Mấy triều đại qua đi, thời nào người ta cũng vịnh cảnh Hồ Tây. Thời Lê có tập thơ “Tây Hồ bát vịnh”. Nhưng gần hai trăm năm sau, chúng ta vẫn bị cuốn hút bởi bài phú Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng viết năm 1801. Lần đầu tiên và cho đến bây giờ, chưa ai tả được một bức tranh toàn cảnh Hồ Tây trang trọng, réo rắt, nhiều sắc màu, diễm lệ và một cuộc sống rất chân thực của một góc Thăng Long bên Hồ Tây như ông:
"Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng leo lẻo/Hình lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò/Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc/ Trải bốn bên hoa cỏ chiều mùa".
Hồ Tây với những công tình kiến trúc đền chùa, chứa đựng trong đó cả một không gian tâm linh huyền diệu: đền Quán Thánh, đền Mục Thận, miếu Đồng Cổ, chùa Thiên Niên Tự, phủ Tây Hồ, chùa Kim Liên, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc... dâng tứ thơ thanh thản hương Thiền.
Hồ Tây in đậm hình bóng con người mấy ngàn năm, với hàng liễu, gương sen, với từng đôi chim sâm cầm vỗ cánh bay đi, còn vương nước mắt thi nhân. Sư Huyền Quang ẩn hiện trong “Tiếng chuông buông tàn trong đêm thu”. Ông nghè Thái Thuận (thế kỷ XVI) thả hồn với Hồ Tây:
"Sớm theo Cửa Bắc chuông cùng dậy/Chiều đợi Hồ Tây chim rủ về"
Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan thường qua Hồ Tây với nỗi hoài cảm, nhớ thương :
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khách qua đường dễ chạnh niềm đau!
Mấy dò sen rớt hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu!
Hồ Tây mơ mộng hơn, long lanh hơn bởi ngọn gió Tây Hồ thổi hơi ấm tình yêu. Phùng Khắc Khoan gặp gỡ người con gái đẹp và tài giỏi cùng thời đã dệt tình yêu để xây nên một Phủ Tây hồ bâng khuâng huyền thoại. Nguyễn Công Trứ, Tản Đà nhìn trăng Hồ Tây bồi hồi nhớ người yêu. Nguyễn Du hồi trẻ ở Thăng Long có một người yêu ở làng ven Hồ Tây, nhưng không lấy được nhau. Trên hai chục năm làm quan ở Huế, ông vẫn vấn vương tơ lòng. Một đêm Nguyễn mơ thấy mình cùng người yêu đi hái sen ở Hồ Tây. Tỉnh dậy ông viết bài Mộng đắc thái liên:
Hái, hái sen ở Hồ Tây,
Cả hoa và gương đều bỏ quên trên thuyền.
Hoa để tặng người mình sợ,
Gương để tặng người mình thương.
Hồ Tây trong giấc mơ của Tố Như sao mà trong trẻo đến vậy? hoa sen Hồ Tây thơm ấp hình ảnh người thiếu nữ Hà Thành.
Hồ Tây hôm nay, sương giăng mờ chút nắng hoe vàng, mong manh gợi nhớ. Người Hà Nội – Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước vẫn dạo bước bên Hồ Tây tìm bóng tịch dương, tìm về cõi Phật, tìm bóng lâu đài tóc liễu vương... Người xa Hà Thành lúc nào cũng nhớ thiết tha Thăng Long – Hà Nội, nỗi nhớ da diết thành thơ gọi Hồ Tây:
Ơi! Hồ Tây - Tây Hồ người về xanh thắm lại tình thơ
Ơi! Hồ Tây - Tây Hồ một trời xanh nước của Thủ đô!
Tháng ngày xa Hà Nội, Tây Hồ nỗi nhớ của lòng tôi...
Nguồn : NHN