Du khách được đi thuyền trên lòng Hồ thủy điện Sơn La ở địa phận tỉnh Lai Châu. Ai cũng đều choáng ngợp trước mênh mang sóng nước, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đôi bờ với những dãy núi đá vôi sừng sừng cao ngất, in bóng xuống mặt hồ như một “Hạ Long” trên núi.
Thủy điện Sơn La - công trình thế kỷ của Việt Nam, được khởi công xây dựng vào năm 2005. Đây là Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, có công suất 2.400 MW và là Nhà máy thủy điện thứ hai được xây dựng trên dòng sông Đà (sau Nhà máy thủy điện Hòa Bình, có công suất 1.920 MW, được khánh thành năm 1994). Sông Đà bắt nguồn từ tỉnh Vân nam (Trung Quốc) chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ (Việt Nam). Sông Đà có lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng và là một nguồn tài nguyên thủy điện lớn của ngành công nghiệp điện Việt Nam.
Sông Đà có chiều dài trên 900 km, đoạn ở Trung Quốc dài khoảng 400 km, từ núi Nguy Bảo ở huyện tự trị người Di người Hồi Ngụy Sơn phía Nam Châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua Phổ Nhĩ; còn đoạn ở Việt Nam dài 527 km. Điểm đầu là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc Việt Nam là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ.
Theo thống kê, toàn tỉnh Lai Châu có gần 5.000 hộ dân chịu ảnh hưởng vùng ngập lòng hồ, nhiều diện tích đất canh tác của bà con sẽ bị ngập sâu trong nước (khi thủy điện Sơn La dâng nước). Tuy vậy, chương trình di dời và tái định cư ở Lai Châu đã nhận được sự đồng thuận của người dân nằm trong vùng dự án. Với sự hỗ trợ, đầu tư từ chương trình di vén và tái định cư và sự quyết tâm của người dân, cuộc sống mới đang hiện hữu nơi đây.
Lai Châu đang hướng đến mục tiêu khai thác lợi thế của hồ thủy điện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, trong đó tập trung vào phát triển giao thông đường sông, du lịch, đánh bắt, nuôi thủy sản.
Nguồn : Báo Lài Cai