Xưa nay, Huế nổi tiếng là vùng có nhiều nghi lễ cúng tế, vì thế nghề trồng hoa, làm hương và đồ vàng mã để phục vụ nhu cầu cúng tế cũng rất phát triển.
Tuy nhiên, Huế là xứ nắng lắm mưa nhiều, thời tiết khắc nghiệt nên nghề trồng hoa cũng chẳng dễ dàng gì, nhất là vào các dịp cuối năm về Tết. Có lẽ vì vậy mà người dân làng Thanh Tiên đã nghĩ ra nghề làm hoa giấy để thay thế cho các loài hoa thật nhằm phục vụ cho nhu cầu cúng tế của người dân.
Hàng năm, vào khoảng giữa tháng Mười, khi vụ lúa đông xuân vừa mới gieo xong, dân làng lại chuẩn bị mọi thứ để làm hoa giấy. Đến giữa tháng Chạp thì nhà nào nhà nấy đã tràn ngập sắc hoa...
Nghề làm hoa giấy tuy diễn ra có mấy tháng cuối năm nhưng kỳ thực mọi việc được người dân chuẩn bị rải rác trong suốt cả năm. Tranh thủ những lúc trời nắng, mọi người đã lo chuẩn bị nguyên liệu bằng cách chặt tre; chẻ tre; phơi tre; vót nan; nhuộm tre; nhuộm giấy; kiếm ruột cây sắn (một thứ vật liệu trắng, mềm và nhẹ như bấc) phơi khô để làm đài, làm nụ...
Vẻ đẹp dịu dàng của hoa sen giấy cổ truyền Thanh Tiên (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)
|
Tất cả mọi thứ đều được nhuộm màu, phơi khô, bảo quản chống ẩm mốc, mối mọt hay phai màu rồi đem cất sẵn chờ đến mùa mưa dầm gió bấc ùa về thì đem các thứ nguyên liệu ấy ra để làm hoa chuẩn bị bán Tết.
Hoa giấy Thanh Tiên có nhiều loại như sen, lan, mai, cúc, hồng, đồng tiền, thược dược... Để làm ra một bông hoa người thợ phải trải qua nhiều công đoạn tinh xảo khác nhau. Ví như việc muốn tạo nên một loại cánh hoa nào đó người thợ sẽ xếp một chồng giấy màu đã chọn và dùng một loại đục tạo hình để xén cánh hoa. Vì thế hoa làm ra có kích cỡ và hình dáng rất đồng nhất.
Việc gắn hoa thành cành cũng là một điều thú vị. Thường mỗi cành hoa của Thanh Tiên có từ 9-10 bông, bởi theo quan niệm của người Huế, đó là những con số may mắn luôn đem lại mọi điều tốt lành.
Những cành hoa giấy Thanh Tiên làm xong được cắm chung vào một “cây hoa” chừng 300-500 cành. Người bán cứ thế vác cả cây hoa trên vai đi bán dạo khắp các phố phường.
Theo đường sông, đường bộ, hoa giấy Thanh Tiên tỏa khắp mọi nẻo đường xứ Huế và vùng phụ cận mỗi khi mùa Xuân đến. Vì thế, trên đường phố thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp hình ảnh những người bán hoa vác cây hoa to được cắm đầy những cành mai vàng rực rỡ, những nhành cúc như mọng hơi sương, những cánh hồng thắm đỏ rung rinh khoe sắc trong nắng xuân hồng... Tuy là nghề phụ vì mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên giá chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng nhưng mỗi năm cũng đem lại cho dân làng nguồn thu nhập đáng kể.
Xưa, hoa giấy Thanh Tiên chỉ dùng cho việc cúng lễ. Nay, hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt trong đời sống nghệ thuật của Huế. Mới đây, tại kỳ Festival quốc tế Huế 2010, ngay tại làng Thanh Tiên, trong căn nhà rường truyền thống Huế của họa sỹ Thân Văn Huy, lễ hội vùng quê “sắc màu Thanh Tiên” đã đem đến cho du khách một “bữa tiệc” hoa sen đầy sắc màu.
Tại đây, du khách không chỉ được đắm mình trong một không gian thanh tịnh dịu bóng sen hồng mà còn được tận mắt chứng kiến kỹ thuật làm hoa sen giấy độc đáo và đầy tinh tế của các nghệ nhân làng Thanh Tiên. Theo các nghệ nhân trong làng, kỹ thuật làm hoa sen giấy vốn đã bị thất truyền hơn nửa thế kỷ qua, nay nhờ duyên trời mới tìm lại được.
Hoa sen giấy làm công phu và tỉ mỉ. Cánh sen làm bằng giấy dó hoặc giấy vẽ; cuống sen được làm từ thân mây khô. Việc nhuộm màu cho cánh sen xem ra là dày công nhất, bởi nhuộm thế nào để cho cánh sen có sự chuyển tông màu từ hồng đậm sang nhạt dần rồi tới phớt trắng là cả một sự kỳ công của người nghệ sỹ. Hoa sen giấy thể hiện nét tài hoa của những người thợ làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên.
Nguồn : Báo Ảnh Việt Nam