Tam giác mạch lại là loài hoa thân thảo mềm, được đồng bào dân tộc Mông trồng ở nhiều địa bàn vùng cao phía Bắc nước ta như Cao Bằng, Lào Cai và nhiều nhất ở các khu vực đồi núi huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần của tỉnh Hà Giang.
Du khách từ khắp nơi tìm đến các ruộng hoa tam giác mạch của Hà Giang để chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm. |
Thượng úy Thào Mý Pó (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang, dân tộc Mông, quê ở xã Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang) cho biết: Ngày trước, khi còn đói khổ thiếu cơm, người Mông trồng rất nhiều tam giác mạch để ăn cùng với mèm mén ngô, thay cơm. Tam giác mạch có lợi thế là không phải chăm bón như ngô - lúa và hạt khi xay thành bột làm bánh, ăn có vị thơm bùi giống ngô nếp, nên cũng được coi là lương thực chống đói, duy trì sự sống của con người, đợi đến mùa thu hoạch sau.
|
|
Mỗi năm, sau khi thu hoạch lúa, người Mông cày những mảnh nương để gieo hạt tam giác mạch vào tầm tháng 8 và tháng 11, 12 bắt đầu thu hoạch. Thân cây tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau, nhưng đồng bào chủ yếu làm thức ăn cho lợn. Nếu để cây ra hoa, kết quả và thành hạt thì khi thu hoạch có thể xay thành bột làm bánh hay nấu món mèn mèn (như mèn mén ngô). Ngoài vụ chính vào mùa đông, sau mùa xuân, tầm tháng 2 đến tháng 4 cũng có thể tranh thủ gieo trồng tam giác mạch.
Mỗi sào tam giác mạch thu hoạch được khoảng 50 cân hạt, tuy sản lượng không cao, nhưng bù lại tam giác mạch ngoài việc là cây lương thực như ngô, lúa, người Mông ở Xín Mần còn trộn hạt tam giác mạch với ngô để nấu rượu, tạo nên hương vị đặc biệt như rượu Cốc Pài (Xín Mần, Hà Giang). |
| |
Bây giờ, đời sống được cải thiện, việc trồng tam giác mạch rất hãn hữu, chỉ ở những khu vực làm du lịch hoặc người già, thích ăn tam giác mạch (làm thành bánh, có màu sậm) để nhớ thời đói khổ xa xưa.
“Một lý do nữa khiến người dân ít trồng tam giác mạch do cây này hút chất dinh dưỡng trong đất rất nhiều. Một thửa ruộng mà trồng 2 vụ tam giác mạch thì vụ sau không thể trồng nổi ngô lúa”, bà Lý Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, kể vậy và nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tập trung vận động người dân trồng lại loại cây này để thu hút du khách đến với Đồng Văn!”.
Cũng theo bà Kiên, từ đầu tháng 10 đến nay, ngày thường cũng như ngày cuối tuần, các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện Đồng Văn đều quá tải vì khách đến ngắm hoa tam giác mạch và ăn nghỉ rất đông. Thống kê ban đầu, lượng du khách đến vì hoa tam giác mạch gấp đôi thời gian cùng kỳ năm ngoái.
Mấy năm gần đây, cứ vào vụ là khách du lịch khắp nơi đổ xô lên Hà Giang ngắm hoa tam giác mạch. Vì vậy, nhiều hộ dân (nhất là dọc các cung đường “phượt”) tập trung gieo trồng tam giác mạch cho khách làm nền chụp ảnh quay phim và thu phí theo đầu người, khoảng 10.000 - 20.000 đồng/người. Với các đôi uyên ương chọn ruộng tam giác mạch để chụp ảnh cưới, tiền phí khoảng 100.000 - 200.000 đồng, tùy vào thời gian chụp, số người phục vụ việc chụp và việc chụp gây gãy nát, rụng hoa nhiều hay it.
Bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết: Tỉnh đã định hướng cây tam giác mạch là sản phẩm đặc thù của cao nguyên đá và thời gian tới sẽ tập trung vào các hoạt động thu hút du lịch cụ thể như Lễ hội tam giác mạch. Hiện tại, các địa phương có cây tam giác mạch đã có quy hoạch trồng cụ thể theo xã, bản và tới tận hộ dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ giống cây - phân bón với mức 1.000.000 đồng/ha.
“Tỉnh sẽ xóa bỏ kiểu du lịch bao cấp như hiện nay, bằng phương pháp thu phí định hướng, khoảng 10.000 - 15.000 đồng/du khách khi đến chụp hình lưu niệm trong khu vực trồng tam giác mạch”, bà Tình nhấn mạnh, và cũng lưu ý: “Có vậy mới nâng cao đời sống người dân, đồng thời cũng uốn nắn ý thức của một số du khách dẫm đạp ruộng hoa, gây phật ý người dân địa phương”.
Người dân địa phương tò mò nhìn du khách tự chụp hình với hoa
Lội vào giữa ruộng hoa để chụp được tấm hình đẹp
Trẻ em vùng cao có cơ hội ngắm lại du khách dưới xuôi
Du khách ngắm hoa dưới sự “giám sát” của người dân
Chụp ảnh cưới ở ruộng tam giác mạch là trào lưu mới năm nay
Khách nước ngoài cũng tìm đến
Xe đỗ chật bên đường, cho khách xuống ngắm hoa
Biển nhắc nhở trả tiền
Người thu phí đút đầy tiền thu phí, trong 2 túi áo ngực
Người đàn ông này ngồi đầu nương thu tiền, không cần biển nhắc nhở
Vẻ đẹp của hoa tam giác mạch vẫn lôi cuốn du khách lên với Hà Giang, đến cuối tháng 11.
|
Đang vào mùa hoa tam giác mạch
Cuối tháng 10, cao nguyên đá Hà Giang bắt đầu chuyển lạnh. Từ Quản Bạ, Yên Minh đến ngút ngát Đồng Văn và vòng tay theo sông Nho Quế, lượn theo “tứ đại đỉnh đèo” Mã Pí Lèng sang tận Mèo Vạc, hoa tam giác mạch tưng bừng đua nở.
Tam giác mạch Hà Giang bỡ ngỡ chen 2 màu hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa hạt giống nhấp nháy đen và e ấp hững tay lá bé bỏng vây quanh, cũng mơ hồ ba góc xanh xanh.
Ở Hà Giang, Tam giác mạch tung cánh trên những triền núi đất phía Tây là Hoàng Su Phì, Xín mần, nhưng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thật sự, của nhành hoa nở trên nền đá xám, thì phải ngược Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và nhất là địa đầu Đồng Văn - Nơi có cột cờ thiêng của cả dân tộc Việt. |
Nguồn : TNO