Những ai có dịp đi qua cầu Chương Dương đều có thể trông thấy một chiếc đồng hồ vuông 4 mặt trên cây cột gang. Đây chính là vị trí của cột Đồng Hồ ngày xưa, một địa danh đã đi vào hoài niệm của biết bao người Hà Nội.
Chiếc đồng hồ mà chúng ta quan sát thấy hiện nay là một chiếc đồng hồ 4 mặt, khung bằng thép không rỉ, cột bằng gang đúc, chạy bằng pin năng lượng mặt trời, có nguồn ắc quy dự phòng. Bộ điều khiển đặt dưới chân cột. Cột đồng hồ này được người Pháp chở từ Pháp sang lắp tại chợ Long Biên - Hà nội năm 1905, đã hỏng từ lâu. Công ty Cầu 12 khi thi công nút giao thông Nam cầu Chương Dương đã cho dựng lại.
Cột Đồng Hồ xưa... |
Chiếc đồng hồ đặt ở vị trí đó không chỉ giúp người qua lại xem giờ mà còn lưu dấu rằng trước khi có cây cầu, tại không gian này từng có một cái đồng hồ hình tròn, cũng đặt trên một cái cột bằng gang.
Những ngày xửa ngày xưa, ông bà nghe tiếng gà gáy để đếm canh trời sáng, nhìn bóng mặt trời để biết giờ nghỉ cày, mới biết chiếc đồng hồ có vai trò quan trọng như thế nào.
Xưa kia, đồng hồ còn là vật dụng hiếm quý nên Hà Nội chỉ có dăm cái đồng hồ công cộng để báo giờ cho dân chúng. Một đặt ở phố Hàng Đậu, gần đường dẫn lên cầu Long Biên; một đặt trên nóc Hãng Godard (sau là Bách hoá Tổng hợp, nay là Tràng Tiền Plaza); một nữa đặt trên nóc Hãng Anpo chuyên bán đồng hồ ở ngã năm Cửa Nam. Ngoài ra còn có đồng hồ gắn ở mặt tiền Nhà Thờ Lớn và ga Hàng Cỏ...
Tuy nhiên, chỉ duy nhất chiếc đồng hồ ở cầu Chương Dương được người Pháp đặt chơ vơ giữa khoảng không gian rộng, trên một cái cột gang với họa tiết rất tinh tế, tựa như những cột đèn khá phổ biến đương thời. Khi chưa có cầu, đây là một khoảng đất rộng kề bên một trục đường rất quan trọng của Hà Nội. Đó là con đường chạy dọc sông Hồng và điểm rẽ vào khu phố cũ, cửa ngõ để vào nội thành.
Ngày đó, ngay phía dưới cột đồng hồ là bến tàu thuyền khá sầm uất, một của người Pháp, một của người Hoa và một là Hãng Giang Hải Bạch Thái Công ty của ông Vua đường sông Bắc Kỳ Bạch Thái Bưởi. Ngay kề bên cái cột đồng hồ về phía phố Hàng Tre bây giờ, chính là toà trụ sở của Hãng với căn nhà ba tầng, tầng dưới bằng đá xanh. Đồng hồ đặt ở đây chính là để phục vụ cho những khách lên bến xuống thuyền coi giờ cho khỏi lỡ chuyến.
Từ sau vụ lụt năm 1925-1926, chính quyền khi đó mới đắp con đê chạy dọc sông và mở những cửa khẩu đi ra ngoài các bến bãi. Kể từ đó, quanh cột đồng hồ không còn sầm uất nữa, dần trở nên hoang vắng. Cái địa danh “cột Đồng Hồ” dần trở thành điểm hẹn của giới giang hồ, nơi diễn ra những vụ thanh toán nhau lẫn nhau. “Một chọi một lên cột Đồng Hồ” trở thành một... lời thách đấu.
... và nay |
Dưới thời Pháp thuộc, việc quản lý cột đồng hồ thuộc về ngành bưu điện và nếu chiếc đồng hồ nào không chạy hoặc chạy sai với đồng hồ đeo tay của viên kiểm tra thì người có trách nhiệm tự động nghỉ việc.
Ngày 17 tháng 2 năm 1947, các tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô lần lượt rút khỏi thủ đô hành quân ra cột Đồng Hồ vượt đê sông Hồng, qua cầu Long Biên đi về hướng bắc sang Đông Anh. Cột Đồng Hồ đã trở thành chứng nhân thầm lặng của những ngày Hà Nội “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”: Ngoảnh nhìn Hà Nội rưng rưng/ Liên khu Một bập bùng lửa cháy/ Phất Lộc Nguyễn Siêu Hàng Chiếu/ Ô Quan Chưởng Cột Đồng Hồ…
Chiếc đồng hồ 2 kim ở ga Hàng Cỏ bị bom Mỹ đánh phá tan tành vào năm 1972, khi ấy người dân muốn biết giờ lại phải đạp xe đến phố Nhà Thờ để xem.
Những năm 1960 – 1975, nhiều đồng hồ công cộng không được chăm chút, lúc nhớ thì lên dây cót, lúc quên thì bỏ mặc, nên đồng hồ khi chạy, khi chết; lúc nhanh, lúc chậm. Hầu hết các cột đồng hồ công cộng đều được dỡ bỏ vào khoảng cuối những năm 80 để đi vào miền ký ức của những người Hà Nội già nua.
(Theo Dân trí)