Hà Nội–khoảng không gian không lớn nhưng chứa đựng trong mình dòng chảy thời gian dài dằng dặc với những nếp gấp ghi dấu không thể nào quên. Mỗi người mang trong mình cái nhìn về thủ đô rất riêng bằng các cung bậc trữ tình thăng trầm khác nhau.Trong đó phải kể những cảm xúc nhẹ nhàng mà sâu lắng trong bài thơ “Em ơi-Hà Nội phố” của Phan Vũ
Cảm nhận về Hà Nội, không chỉ cần hiện tại, hướng tới tương lai mà còn cần đến những khúc hoài niệm trong quá khứ. Qua đó ta có thể thấy cái nhìn khá toàn diện, có khi là tổng thể, có khi là những chi tiết nhỏ đặc trưng mà chỉ trong kí ức của những người đã yêu, đã gắn bó với mảnh đất này mới có thấy hết nét tinh tế đến thế. Giữa thành phố tấp nập hôm nay, lắng đọng trong lời thơ về Hà Nội một thời khiến người ta thấy bâng khuâng rung động. Vẫn thủ đô này, vẫn tên phố tên phường này nhưng mở ra cho một khoảng riêng ngưng tụ của thời gian đã được cô đọng thật đẹp.
Bài thơ của Phan Vũ viết vào tháng Chạp năm 1972, khi cuộc chiến tranh Mỹ-Việt đang trong giai đoạn cuối, khi sự khốc liệt và chịu đựng trên khắp xứ sở như đã đến mức tột cùng. Khi đó Hà Nội - thành phố nhỏ, nghèo, lặng lẽ, ít màu sắc rực rỡ. Cái sắc màu chính khi đó là màu xanh xám. Màu xanh của rêu tường, màu xanh của áo phòng không. Nhưng qua lăng kính nhìn của nỗi nhớ của tâm tư đẵ chắt lọc lại để thủ đo đi vào thơ lung linh huyền ảo, đẹp mà chân thực. Những góc nhìn đa chiều tinh tế. Trong một bài phỏng vấn, Phan Vũ đã tiết lộ hoàn cảnh sáng tác trường thơ Em ơi Hà Nội phố “Năm 1972, Mỹ ném bom ở miền Bắc rất ác liệt, nhất là Hà Nội. Từ đó dấy lên trong tôi niềm xúc động và khơi gợi một tình yêu mãnh liệt đối với đất Hà thành. Tứ thơ được hình thành từ những cơn mưa bom này. Tuy nhiên, do bài thơ không thuộc dòng chính thống lúc bấy giờ nên tôi không phổ biến, chỉ đọc cho bạn bè nghe. Mãi đến năm 1985, nhạc sĩ Phú Quang đã trích một số lời trong bài thơ ấy để phổ thành ca khúc, nhưng lại được ghi là... phỏng thơ.”
Một Hà Nội với những góc phố, những hình ảnh lạ mà quen, có khi chỉ là những thứ tầm thường ta không để ý, chỉ khi xa rồi mới sôi lên trong lòng nỗi nhớ nôn nao. Bài thơ viết gửi những người đi xa khi thành phố quê hương đang bị tàn phá khốc liệt, nhưng không có tiếng bom rơi, không có nhà đổ, không có người chết. Chỉ có lời bình thản của những ngày bình an. Phải chăng giữa sự sống và cái chết, bình thản là một chọn lựa. Chính vì thế hầu hết những hình ảnh xuất hiện trong bài đều hết sức lãng mạn. Em ơi! Hà Nội - phố! /Ta còn em mùi hoàng lan /Còn em, hoa sữa /Tiếng giày gọi đường khuya. Câu thơ khiến ta gơi nhớ đên những đêm vắng vẻ, chỉ còn hương thơm hòa quện chảy tran xuống lòng phố. Cái hương tưởng như rất đỗi bình dị ấy đã ngầm dần vào dong huyết quản tự khi nào.
Còn em đường cũ/Cổ Ngư /La đà, /Cành phượng vĩ. /Hoàng hôn xa đến tự bao giờ/Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ. Và không thể thiếu trong tiềm thức của mỗi người, nhớ về Hà Nội là nhớ về những hình ảnh gắn liền với dấu ấn truyền thống văn hóa Thăng Long Đông Đô “Ta còn em đường lượn mái cong /Ngôi chùa cũ/Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương”… “Em ơi! Hà Nội - phố! /Ta còn em đám mây in bóng rồng bay /Cổng đền Quan Thánh /Cờ đuôi nheo ngũ sắc”. Mở đầu mỗi đoạn bài thơ là một điệp khúc “ta còn” như muốn khẳng định Hà Nội vẫn đó, là của ta. Những gì dã chứng kiến in sâu vào kỉ niệm sẽ mãi mãi còn đó. Cho dù những đổi thay của chiến tranh hôm nay hay quá trình xây dựng trong mai sau thì vẫn đó, những góc nhìn đẹp về thủ đô yêu dấu.
Hơn hết, hiện diện trong bài thơ là một thủ đô đầy hào hoa trang nhã, với những đường nét gợi thanh lịch. Cảnh và người rất đỗi nên thơ. Cái tình cũng khéo léo “Cô gái gặp nắng hanh. /Chợt hồng đôi má /Cơn mưa nào đi nhanh qua phố /Một chút xanh hơn”. Hình ảnh Hà Nội thường song hành với “em”- cái tên gọi chung chung gợi thương nhớ-như là cái cớ dễ thương để gợi lí do nhớ về Hà Nội. Em đi qua cả bốn mùa “Ta còn em cô hàng hoa /Gánh mùa thu /Qua cổng chợ”.. “ Ta còn em bảy nốt cù cưa,/Lão Mozart hàng xóm/Từng đêm quên ngủ./Cô gái mặc áo đỏ Venise/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/Những mảnh vỡ trên thềm /Beethoven và Sonate Ánh Trăng”. Những hoài niệm rất riêng nhưng cũng rất chung của Hà Nội. Với tiếng dương cầm buông nốt giữa đêm khuya tác giả đã khiến cho người đọc như đang mơ giữa chốn thiên đường êm dịu. Nhưng đây là bào thơ viết về thủ đô những ngày chiến tranh ác liệt chính vì thế vẫn gợi lên những nét điêu tàn. Giữa những bức tường đổ, tiếng đàn lạc về đâu, cô gái mặc áo đỏ còn đâu bỏ mặc những mảnh vỡ bên thềm. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể nào phá vỡ được không gian đẹp yên lành đầy sức sống vốn có của Hà Nội.
“Em ơi! Hà Nội - phố! /Ta còn em cánh tay trần /Mở cửa /Mùa Xuân trong khung” . Qua đó ta cũng hiểu thêm về Người Hà Nội, thanh lịch quý phái và sang trọng, giống như những chàng trai Hà thành ngày nào ra đi chinh chiến, ôm súng ác nhưng vẫn “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” Ba sáu phố phường cũng góp mặt trong những câu thơ đầy hòa niệm và thương nhớ. Thời gian sáng tác bài thơ này khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, tác giả không dùng hình ảnh bom đạn hay đau thương đổ máu. Chỉ cần cái nhìn lướt qua những con phố chính ồn ào và tấp nập ngày nào giờ đã bị phá vỡ những sinh hoạt thường ngày cũng đủ để người đọc tự hiểu hơn là phải miêu tả cảnh tượng pháo nổ, bom rơi: “Em ơi! Hà Nội phố!Ta còn em một Hàng Đào/Không bán đào/Một Hàng Bạc/Không còn thợ bạc/Đường Trường Thi.” Bài thơ không phải là cái nhìn một chiều lướt qua mà là những góc cạnh đặc sắc hài hòa xen lẫn với những cung bậc tình cảm thiết tha.
Những Hàng Mã, Nghi Tàm, Hồ Tây, Hồ Gươm Tháp Rùa, những hình ảnh đặc trưng nhất của Hà Nội đều được điểm mặt làm bức tranh thủ đô hoàn thiện. Người Hà Nội và Hà Nội hôm nay vẫn còn mang trong mình những nét đẹp truyền thống nhưng cũng có những đổi thay. Đôi khi người ta luyến tiếc về sắc màu bàng bạc của kí ức, của cái nhìn xưa cũ mang vẻ thanh sạch và bình thản đến lạ lùng. Cứ mỗi lần đọc lại bài thơ Hà Nội phố này độc giả lại có được những cảm xúc mới lạ. Hà Nội bé nhỏ đã qua gần một thế kỷ của những xung đột và chinh chiến, của những tàn phá và xây dựng, của những điều làm "Hà Nội đẹp và chưa đẹp". Trong những ngày khốc liệt ấy, cái "ta còn" trong bài thơ của Phan Vũ chính là tình yêu bình dị của cuộc sống Hà Nội. Mãi mãi vẫn còn.
Nguồn : NHN